25 Quyển 2 - Chương 5: Cố nhân
-Thứ ngải này trong gia thất nhà ta đã từng có người nhắc đến nó, nhưng về cơ bản thì cũng chỉ nói qua loa chứ không hề thấy đề cập đến chuyện hóa giải. Xem ra thì phen này ta cần phải học hỏi thầy Hữu rồi.
Tử Thanh nói giọng khách sáo, có vẻ như cậu ta đang cố giấu đi điều gì đó trong câu chữ của mình. Thầy Hữu thấy điệu bộ của Tử Thanh như vậy thì nói ngay,
-Loại ngải này tính đến bây giờ thì có thể được coi là một thứ cổ ngải, sự xuất hiện của nó trong dân gian âu cũng chỉ được lưu truyền qua vài ba câu chuyện huyễn hoặc. Số là vào đời nhà Tống, niên hiệu hoàng đế Thần Tông, trong cung cấm bấy giờ xảy ra nhiều chuyện tà dị. Đỉnh điểm là việc tám trong số mười bốn người con trai của Thần Tông đều yểu mệnh mà qua đời khi chưa đầy năm tuổi. Thần Tông vì điều này mà nhiều ngày không lâm triều nghị sự. Cùng năm ấy, ở nước Đại Việt có hai vị thiền sư nức tiếng tài cao đức trọng là Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh. Hai người này vân du đến Trung Thổ thì được vua Tống cho triệu kiến để nhờ việc trừ tà. Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không khi vừa thấy mặt vua thì chỉ nhìn chỉ nhìn nhau cười rồi dâng lên vua một tấm da dê. Trên tấm da dê ấy có viết năm chữ là “Hận vong phế hồn thuật”. Trước khi rời đi, thiền sư Nguyễn Minh Không còn căn dặn vua nếu như muốn bào chế thuốc trị ngải thì bắt buộc phải lấy đồng đen làm vật dẫn thì thuốc mới hiệu nghiệm.
Thầy Hữu nói đến đây thì ngắt ngứ, khuôn mặt trầm ngâm một hồi lâu rồi mới tiếp,
-Đại khái về “Hận vong ngải” là như vậy, nhưng nếu để chuẩn y theo cách bào chế thuốc trị ngải trong cuốn da dê thì thực khó. Phần vì đồng đen xưa nay chỉ xuất hiện trong những câu chuyện huyền tích, thỉ như nó có là thật đi chăng nữa thì ta cũng chưa bao giờ có cơ hội được xem qua.
Tôi ngắt lời thầy Hữu,
-Thưa thầy, thế há chẳng phải những người trúng ngải sẽ đều bỏ mạng hay sao?
Thầy Hữu gật đầu rồi đáp,
-Nói rất hay, nhưng điều này chỉ đúng khi Tống Thần Tông còn đương nhiệm. Đến thời Triết Tông thì trong triều trên dưới bất nhất, bảo vật của hoàng cung bị thất thoát trầm trọng, trong đó có cả tấm da dê ghi chép về “Ngải hận vong”. Chính vì việc này mà trong dân gian thời ấy đã xuất hiện nhiều dị bản khác nhau của “Hận vong ngải”, tuy rằng về cách dụng ngải có nhiều nét tương đồng, nhưng xét về cách hóa giải thì đã có những biến tướng khác biệt để cho phù hợp với thời cuộc. Điển hình và thông dụng nhất đó là cách lấy oán hồn phá vong hận.
Tử Thanh cau mày, cậu ta có vẻ như không đồng tình với những gì mà thầy Hữu vừa cắt nghĩa. Đoạn cậu chỉ tay vào con hắc miêu rồi nói,
-Thưa thầy, nếu như thứ ngải hận vong thực là kỳ công như vậy thì hà cớ làm sao người ta lại đem đi điểm yểm vào một con hắc miêu để khiến cho nó sống dở chết dở như này?
Thầy Hữu nhìn Tử Thanh tỏ ý tán thành rồi nói tiếp,
-Không sai, điều này cũng khiến ta băn khoăn nãy giờ, chi bằng ta với cậu cùng thử kiểm chứng xem sao.
Nói rồi thầy Hữu lấy trong trong túi ra ba đồng đài âm dương mà đặt vào chính giữa hai lòng bàn tay. Đoạn thầy Hữu tung ba đồng tiền đó lên không trung rồi cẩn trọng quan sát sự sấp ngửa của từng đồng khi chạm đất, hành động này được thực hiện một cách nối tiếp cho tới lần thứ sáu thì cả Tử Thanh và thầy Hữu đều thất sắc nhìn nhau. Tử Thanh nói,
-Quẻ Thuần Ly, môn hộ bất ninh chi tượng, gia sự cửa nhà không yên, hung họa bất ngờ kéo tới.
Thầy Hữu nghe xong thì chẳng nói chẳng rằng mà lập tức kéo hai người chúng tôi lên xe quay về Tứ Kỳ. Tử Thanh xem ra là người hiểu chuyện nên bộ dạng cũng sốt sắng chẳng kém gì thầy Hữu. Dọc đường trở về, hai người này chỉ tranh luận xung quanh việc phá hận ngải và giường như chẳng mảy may để ý gì đến sự hiện diện của tôi lúc đó. Cực chẳng đã, tôi đành lấy việc quan sát xung quanh làm trò tiêu khiển hòng giết thời gian. Bất giác, khi mấy người chúng tôi di chuyển đến đầu huyện lộ thì thầy Hữu cho dừng xe lại rồi bộ hành sang phía bên kia đường. Đoạn thầy Hữu rảo mắt sang hai bên tả hữu như thể đang muốn tìm kiếm thứ gì đó, chừng độ mươi phút, thầy Hữu quay lại đưa cho tôi giữ một tấm gương chiếu hậu của xe máy, bề mặt gương lúc này đã được phủ kín bởi một đạo bùa có họa nhân hình. Nhưng kỳ lạ thay, ngoài nhân hình ở chính diện ra thì trên bốn góc của đạo bùa còn có thêm bốn cái đầu người được vẽ nhô lên trông thực là tà dị. Thấy tôi có vẻ bất ngờ vì những gì đương hiện hữu trước mắt, thầy Hữu lập tức lên tiếng trấn an,
-Trấn hồn phù này công năng không duy trì được lâu, giữ cho cẩn thận, về Tứ Kỳ ắt sẽ dùng đến.
Thầy Hữu nói xong thì tiếp tục cùng tôi và Tử Thanh xuôi chiều theo đường huyện lộ mà trở về Tứ Kỳ. Quãng đường hơn chục cây số ngày một ngắn lại cho đến khi cả ba người chúng tôi đều thất thần nhìn nhau vì nghe như có tiếng khóc não nề của nữ nhân đương vọng lại. Hơn nữa, cái thứ âm thanh sầu ải ấy còn bắt nguồn từ chính tư gia của thầy Hữu. Thấy vậy, thầy Hữu liền khoán ngay,
-Tử Thanh và Quang đứng ở ngoài, để ta vào trước xem sao.
Thầy Hữu nói xong thì lập tức tiến đến áp tai vào sát mặt gỗ của cánh cổng mà nghe ngóng tình hình. Đoạn thầy Hữu quay lại ra dấu cho hai người chúng tôi rồi từ từ đẩy cổng tiến vào. Đại cục lúc này tưởng chừng như đã nằm trong lòng bàn tay, tôi cùng với Tử Thanh chỉ chờ có vậy để nhất tề xông tới. Nhưng ngặt nỗi, khi ba người vừa hay đặt chân vào khoảng sân gạch thì cũng là lúc mà tiếng khóc ai oán dứt hẳn, không gian bốn bề bỗng chốc trở nên im bặt, thứ âm thanh duy nhất còn xót lại chỉ là tiếng thở đứt quãng của mấy người nam nhân đương hồ nghi về vạn sự. Chợt, Tử Thanh chỉ tay vào trong gian nhà trước mắt rồi nói,
-Bên trong có người.
Tức khắc, thầy Hữu liền lao tới mở toang cánh cửa của gian chính. Bấy giờ, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một nữ nhân đương nằm bất tỉnh trên nền đất, diện mạo của người này bị che khuất bởi chính mái tóc có phần bạc màu của cô ta. Mấy người chúng tôi chứng kiến cảnh tượng trước mắt thì ngờ vực, bộ dạng ai nấy cũng đều tỏ ra thận trọng lắm. Quả thực, đối với những tình huống có phần liêu trai, nếu như không phải là sự thường nhật, con người ta sẽ rất dễ rơi vào trạng thái bất định, thậm chí còn là kinh hãi, hoảng loạn.
-Tử Thanh, phía sau.
Âm lực từ giọng nói của thầy Hữu lập tức dội về hướng Tử Thanh một cách dứt khoát. Lúc này, phía sau Tử Thanh bất ngờ xuất hiện một chàng thanh niên lạ mặt, những đường gân xanh hỗn độn nổi đầy trên hai xương gò má khiến cho nhân diện của anh ta trông thực là dữ tợn. Tử Thanh khi ấy chắc hẳn cũng đã cảm nhận được sự xuất hiện đường đột của kẻ lạ mặt nên mới xoay người lại, cậu ta toan thủ thế thì bất giác, chàng thanh niên nọ liền dơ hai tay lên mà đánh mạnh vào mạn dưới mang tai của Tử Thanh, vì là đòn bất ngờ nên Tử Thanh buộc lòng phải lấy thân chịu trận, cậu ta lảo đảo lùi lại vài bước rồi ngã gục ra phía sau. Thầy Hữu thấy thế thì liền lao tới mà xô ngã chàng thanh niên kia, một mặt lại nhanh chân vòng ra phía sau mà ghì chặt người hắn ta xuống đất. Tưởng chừng như thế đòn vừa rồi đã khóa chặt được chuyển động của kẻ lạ mặt. Nhưng kỳ thực, hắn ta giống như đoán biết trước được đường đi nước bước của đối thủ, đoạn hắn trườn sát người xuống nền đất rồi xoay mình sang một bên, thầy Hữu vì thế mà mất đà nên cũng ngã theo hướng lăn của hắn. Kẻ này sau khi chiếm lại được thế thượng phong thì tức khắc đứng dậy mà tung cước nhằm thẳng vào bụng thầy Hữu. Cho đến khi thầy Hữu không còn phản kháng lại được nữa, hắn bắt đầu đổ dồn ánh mắt về phía tôi, cái thứ ánh mắt hằn học, đong đầy là những hận thù vô tình khiến cho sự căng thẳng trong tôi được đẩy lên đến tột độ. Bước một, bước hai, những âm thanh đều đặn phát ra từ việc di chuyển đang siết chặt suy nghĩ của tôi lại. Thực lòng, lúc này ngoài việc chờ chết ra thì bản thân tôi cũng không thể làm được gì hơn. Kẻ lạ mặt ở ngay phía đối diện quan sát được bộ dạng của tôi khi ấy thì đắc chí lắm, hắn vung tay lên toan hạ thủ thì chợt có tiếng quát lớn,
-Thằng Đoan, mày điên à.
Từ bên ngoài, một người thanh niên ăn mặc xuề xòa lao vào, người này tung một quyền đúng ngay gáy của tên quái nhân khiến cho khắn hắn ngã lăn ra đất. Kế đó, anh ta quan sát xung quanh một lượt rồi tiến đến bên cạnh thầy Hữu, đoạn lấy tay day mạnh vào huyệt nhân trung của thầy rồi gọi gấp,
-Thầy, thầy Hữu, thầy Hữu ơi
Thầy Hữu sau pha tả xung hữu đột vừa rồi thì chắc hẳn bị thương nặng lắm, phải mất một hồi lâu thì thầy mới bắt đầu cử động lại được. Thấy tôi vẫn yên sự, thầy Hữu liền chỉ tay vào trong túi quần của tôi rồi cố gắng nói mấy từ,
-Đập, đập nát cái gương ta đưa, mau.
Tôi lấy tấm gương ra rồi dồn sức đập thật mạnh xuống đất theo lời của thầy Hữu. Mảnh gương vừa vỡ vụn thì sắc mặt người thanh niên phía kế bên liền thay đổi, ngay từ chỗ anh ta đương ngồi bỗng toát ra một cái thứ hàn khí lạnh đến thấu da thấu thịt. Nhưng kỳ lạ, cái thứ hàn khí đó chỉ thoảng qua trong giây lát chứ không hề nán lại lâu trên thân thể. Tôi chợt nghĩ, có vẻ như đây là một nam nhân hoàn toàn khác, nhìn cử chỉ của anh ta không hề có chút nào giống với chàng thanh niên can trường, dũng mãnh khi nãy. Thoạt, anh ta đưa ánh mắt vô hồn nhìn sang tôi và thầy Hữu. Anh ta nói, cái giọng nói thực là quen lắm
-Chào thầy Hữu, chào Quang, hai người vẫn khỏe chứ, vậy là cũng đã hơn một năm rồi nhỉ.