24 Quyển 2 - Chương 4: Công Chúa Thiên Chân
-Thầy Hữu, Thiên Chân công chúa được đề cập đến ở trên có điều gì đặc biệt hay không?
Thấy Hữu thấy tôi hỏi vậy thì lấy làm lạ, ánh mắt thầy quay sang nhìn tôi có đến vài phần ngờ vực. Thầy Hữu đáp,
-Thiên Chân công chúa là con gái Bảo Từ Thuận Thánh Hoàng Hậu, người kề cận bên vua Anh Tông của triều Trần. Sử sách còn ghi chép lại rất rõ ràng về vị hoàng hậu duy nhất không sinh được thái tử kế vị của triều Trần này. Tuy là vậy, nhưng bà cũng đã từng có đến ba lần mang thai rồng. Chỉ ngặt nỗi, cả ba vị hoàng tử đều mất ngay sau khi sinh vì dị bệnh. Mãi cho đến năm Hưng Long thứ mười bảy, bà hạ sinh được người con thứ tư, dung nhan tuyệt sắc, thánh thượng vì mến ái nên đặt hiệu gọi là Thiên Chân công chúa, sau này đem gả cho Huệ Chính Vương.
Thầy Hữu giải thích một hồi thì bỗng dừng lại, đoạn thầy xuống xe đi ra phía sau như thể đang tìm kiếm thứ gì đó. Tôi thấy vậy thì không giấu được sự tò mò nên bèn cất tiếng hỏi thầy Hữu ngay,
-Có chuyện gì đó thầy ơi
Thầy Hữu nói với về phía tôi,
-Tháo gương xe máy rồi cắm ngay vào bên vệ đường cho ta.
Không chút do dự, tôi hì hục tháo gương xe rồi cắm vào bên vệ đường y như lời của thầy Hữu. Việc xong, thầy Hữu vội vã giục tôi lên xe để tiếp tục di chuyển đến điểm hẹn mà bản thân đã định sẵn từ trước. Vừa đi, tôi vừa đắn đo suy nghi xem liệu có nên hỏi thầy Hữu cho tường tận về sự việc kì lạ ban nãy hay không. Nhưng xem ra, thời điểm lúc này lại không được phù hợp cho lắm.
-Đến nơi rồi đây, con cứ vào trước, ta đi dò la một vòng rồi sẽ quay lại ngay. Có người đang đợi con ở bên trong rồi.
Thầy Hữu dừng xe bên cạnh một ngôi đình đã nhuốm màu xưa cũ, ánh đèn điện vàng vọt từ bên trong hắt ra khiến cho những vệt sơn đen trắng bất nhất đổ dài trên nền khối kiến trúc tam quan trông thật dị thường. Vô tình, tôi có cảm giác như mình đương đứng trước phủ đệ của những bậc văn quan, võ tướng.
-Người đã đến, sao còn không vào?
Tiếng nam nhân bất ngờ vọng lên làm tôi chột dạ, giọng nói này thực sự nghe rất bắt tai. Phải chăng, tôi đúng là đã từng gặp qua người này như những gì thầy Hữu nói. Vạn bất đắc dĩ, tôi đành đẩy cửa tiến vào phía bên trong. Bấy giờ, ở ngay khoảng chính giữa của sân đình, một người thanh niên nhìn qua thì cũng chỉ hơn tôi chừng vài tuổi đang tất bật bầy biện lễ lạt ra xung quanh. Anh ta giường như chẳng mảy may gì đến sự hiện diện của tôi vào lúc này. Thấy vậy, tôi bèn lên tiếng chào hỏi,
-Anh là…?
Tôi chưa nói hết câu thì người này đã đáp lời ngay. Giọng nói của anh ta so với giọng nói mà ban nãy tôi nghe được ở ngoài cổng thì quả đúng là của cùng một người,
-Ta là Tử Thanh, cậu cứ tự nhiên, lát nữa thầy Hữu về thì chúng ta sẽ bắt đầu.
Tử Thanh? Tử Thanh há chẳng phải là chàng thanh niên từng bố trận vạn vong đấy hay sao. Người này tuy trẻ tuổi nhưng lại am hiểu và tinh thông về thuật học. Phàm là những người tu luyện theo chính đạo ở đất Bắc, rất hiếm ai có thể đạt được đến tu vi như của Tử Thanh. Nhưng kỳ lạ, sao cậu ta lại xuất hiện ở đây vào thời điểm này, chẳng lẽ giữa cậu ta và thầy Hữu có mối liên hệ tương quan gì hay sao, tôi trộm nghĩ.
-Không cần phải bất ngờ như đến như vậy, vận số vốn đã định sẵn, có duyên ắt sẽ trùng phùng. Cậu cứ từ từ xâu chuỗi lại tất cả những gì mà bản thân đã được nghe, được chứng kiến, được trải qua. Dần dần, cậu ắt sẽ tự hiểu được sao ta lại có mặt ở đây.
Tử Thanh vừa dứt lời thì thầy Hữu cũng vừa hay từ ngoài hay bước vào.Trông sắc mặt thầy Hữu thì xem ra có vẻ như Thầy Hữu đang sốt sắng lắm,
-Tử Thanh, bắt đầu ngay thôi.
Tử Thanh nghe xong thì ngay lập tức chỉnh tề quần áo, cậu ta thắp lấy tám nén nhang rồi cắm xuống đất thành hình bát giác quanh khu vực mà thầy Hữu đang đứng. Kế đó, cậu ta đưa cho thầy Hữu cầm một cây cờ bản vuông, khổ lớn chừng bằng cả thân người. Trên lá cờ đó có năm sắc màu khác nhau mà theo lời Tử Thanh nói là để đại diện cho ngũ hành cùng với vạn vận thần khí. Tiếp đến, Tử Thanh một tay cầm lấy nghiên mực, một tay cầm lấy bút lông. Anh ta mài mực xong thì bắt đầu họa lên mặt thầy Hữu mấy nét trông thực tình rất cổ quái. Đặc biệt là phần lông mày của thầy Hữu, Tử Thanh hoạ một nét thẳng để kéo dài phần đuôi mày ra quá mắt rồi từ từ hất cong nét bút lên. Lúc này, sắc diện của thầy Hữu đột nhiên trở nên dữ tợn đến lạ thường. Đoạn Tử Thanh gài hai cây nhang lên vành tai của thầy Hữu rồi quay người sang phía đối diện với chính tòa của nhà đền mà hô lớn,
-Kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần, kính lạy Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, Kính lạy bản cảnh Thành Hoàng tứ vị Đại Vương. Kính thỉnh Hiển ứng an dân Diệu Cảm Chính Trực Đại Vương, tức Đương Cảnh Thành Hoàng Oai Linh Thượng Tướng Quân. Kính thỉnh Triệu cơ khai thủy Hùng Nghị Cương Đoán Đại Vương, tức Đương Cảnh Thành Hoàng Đông Lãm Đại Tướng Quân.
Tử Thanh hô xong thì thầy Hữu bất ngờ dậm mạnh một chân xuống đất, mấy que nhang được cắm ngay kế bên bất ngờ bốc hỏa một cách dữ dội. Đoạn thầy Hữu một tay cầm lấy cán cờ, một tay duỗi thẳng mà chỉ lên trời. Khí phách và thần sắc lúc này trông quả thực là oai phong lẫm liệt lắm.
-Ta Lê Thạch, sắc phong Diệu Cảm Chính Trực Đại Vương, nhận sắc phong quan Hành khiển tướng quân dưới chướng của Chiêu Văn Vương. Nay ta cho thám mã đi truyền tin để triệu mời tam nhân dương thế tới đây vốn dĩ là muốn cùng ba ngươi bàn về chính sự. Nhưng thực lòng, thiên cơ quả bất khả lộ, chỉ biết tóm lược lại trong mấy vần chữ, mong sao các ngươi suy nghĩ cho thấu đáo mà ứng nghiệm, “
-“Bạch Hạc thần thủy tam giao, Toa Đô đem giặc phạm vào nơi đây. Chí nhân bắc đẩu xoay vần, tam niên tọa trận tỏ vầng thái dương”.
Vị tướng quân nói xong thì bật cười, tràng cười nghe thực sự là hào sảng lắm. Còn về Tử Thanh, cậu ta lại lắc đầu ngao ngán, có vẻ như lời căn dặn vừa rồi của Lê Thạch tướng quân vẫn chưa khiến cho cậu ta được thỏa lòng. Tử Thanh quay sang tôi, ánh mắt tỏ rõ sự chán trường,
-Có cao kiến gì không?
Tôi lấy làm lạ, sao anh ta lại đột nhiên hỏi tôi câu này, chính bản thân tôi vẫn còn đang mơ hồ về những sự việc mà mình gặp phải. Bất giác, tự nhiên tôi buột miệng nói,
-Thiên Chân công chúa.
Tử Thanh cau mày, cậu ta nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ. Có vẻ như cậu ta đang muốn dò xét lại những gì mà tôi vừa mới nói trước đó.
-Sao lại là Thiên Chân công chúa?
Tử Thanh bất chợt hỏi. Tôi luống cuống không biết phải trả lời cậu ta như thế nào cho phải, đây âu cũng chỉ là sự vô tình mà tôi nhất thời không thể kiểm soát được nên mới buột miệng nói ra. Lẽ nào, sự vô tình này lại là việc hữu ý trong hoàn cảnh. Bất đắc dĩ, tôi nói với ngay Tử Thanh,
-Thỉnh mời Thiên Chân công chúa của đời nhà Trần, ngay, phải làm ngay.
Tử Thanh sau khi nghe xong còn chưa kịp có phản ứng gì với lời nói của tôi thì thầy Hữu ở phía kế bên đã ngồi ngay xuống đất. Da dẻ sắc mặt của thầy bỗng dưng chuyển sang hồng hào một cách lạ thường. Hai tay thì chụm lại mà đưa vào khoảng không rồi cử động uyển chuyển thể như là đang múa. Thậm chí, ngay cả khẩu hình miệng của thầy Hữu lúc bấy giờ cũng làm cho con người ta ngỡ như đang say hoa, thưởng ngọc. Tử Thanh thấy vậy thì mới mau miệng,
-Người dương thế chúng con xin được vấn an Thiên Chân công chúa. Giáng ngự cô về cô điểm mặt điểm tên, sai sớ, dậy điều chúng con xin vâng mệnh cô ạ.
Thầy Hữu lúc này lại chống tay vào đùi mà ngả nghiêng người xuống, hai mắt thì vẫn nhắm nghiền, thầy nói,
-Trứng rồng lại nở ra rồng, tam mệnh thái tử luân hồi nhân gian. Người sanh đạo pháp muôn vàn, người sanh võ lược người tài văn chương. Ấy vậy nhưng chớ quên đường, Bạch Hạc phi điểu dặm trường không xa.
Tử Thanh sốt sắng, hình như anh ta đang muốn hỏi thêm điều gì đó. Đoạn anh ta toan cất tiếng thì vị công chúa đương giá ngự trước mặt bỗng nhiên ngắt lời,
-Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt.
Tử Thanh nghe được mấy lời này thì quỳ rạp xuống mà vái lậy. Cùng lúc đó, tám cây nhang cắm dưới chân thầy Hữu cũng đồng loạt tắt lửa, xung quanh bấy giờ chỉ còn lại là chút tàn nhang đương lơ lửng như thể muốn đan mây kết gió mà đưa người cõi thiên xa giá về lại cửa thần phù.
-Vậy là việc con ấn tượng với nhân vật Thiên Chân công chúa không phải chỉ là điều tự nhiên mà có. Trước mắt, chúng ta tạm thời đã khám phá được phần nào bí mật trong Bạch Hạch Thông Thánh quán chung ký. Còn về việc tìm ra người thứ ba có tài võ lược không thể chỉ trong một sớm một chiều. Hy vọng rằng trong những câu thơ mà ba chúng ta nghe được vẫn sẽ còn những sự chỉ dẫn khác.
Thầy Hữu vừa tỉnh dậy thì nói ngay, tôi nghe xong thì cũng chỉ hiểu được vài ba phần, trong lòng lúc này vẫn còn đang rối ren lắm. Phải chăng, tất cả mọi thứ đều có mối liên kết với nhau hay sao? Cả ba người đang có mặt tại đây lúc này ai nấy cũng đều giữ cho mình sự im lặng. Chắc hẳn, thầy Hữu và Tử Thanh cũng đang cố để có thể tìm ra được những lời giải đáp phù hợp cho nỗi băn khoăn của mình. Chợt, có tiếng mèo kêu khiến cho cả ba người chúng tôi giật mình. Từ phía cổng, một con hắc miêu đang chập choạng yếu ớt mà bước về phía thầy Hữu. Thấy vậy, thầy Hữu lập tức lao đến bồng con hắc miêu lên tay, mắt nhìn chằm chằm vào tứ chi của nó mà như đang ngấn lệ. Thầy Hữu quay sang nói với Tử Thanh, sắc mặt không giấu nổi được sự thất thần, lo lắng
-Là hận vong ngải.