32 Chương 28
Hai người đang giao tranh ác liệt thì phía bên ngoài Ưng thiên hành cũng đã bắt đầu giao chiến với ba cao thủ còn lại của Hắc thanh phái là Xác y nhân Bạch ma thường, và Thành Bưu huynh đệ.
Bình thường làm sao Ưng thiên hành có thể địch nổi một lúc ba cao thủ như vậy, nhưng hôm nay tình hình lại khác. Bọn ba người của Hắc thanh phái vừa rồi đã phải tốn không ít sức lực để đấu với bọn người Sử Nguyệt Nga. Vì lẽ đó, hiện tại ba người đánh một mà chỉ cầm bằng chứ không hơn được.
Lúc này Sử Nguyệt Nga đã được băng bó vết thương. Nàng đã hồi phục được phần nào sức lực nên không thể dằn được lo lắng liền hỏi:
– Vân Linh ca ca đâu ?
Dĩ nhiên đây là câu hỏi dành cho Tiêu hồn ma nữ. Nhưng xung quanh nàng lúc này ngoài Tiêu hồn ma nữ còn có một phụ nhân trung niên là Vương Thế Ngọc.
Vương phu nhân dường như có linh tính chi đó với Sử Nguyệt Nga nên bà cứ nhìn vào mặt nàng chăm chăm.
Sử Nguyệt Nga vì đang mãi lo lắng do sự vắng mặt của Vân Linh nên không quan tâm lắm đến thái độ kỳ lạ của Vương phu nhân đối với nàng.
Tiêu hồn ma nữ cười mỉm:
– Tỷ tỷ lo lắng cho y làm gì ? Y vẫn rất khỏe.
Sử Nguyệt Nga có phần yên tâm, nhưng vẫn cảm thấy thắc mắc. Nàng lẩm bẩm:
– Lạ thật ! Y đi đâu mà không thấy ở đây ?
Tiêu hồn ma nữ ghé vào tai nàng thì thầm:
– Y núp ở đằng kia kìa !
Sử Nguyệt Nga giật mình ngó ra tìm kiếm. Nhưng nàng không thấy ai ở đó cả.
Sử Nguyệt Nga không khỏi cảm thán kêu lên:
– Chàng sao lại cứ trốn trốn, núp núp ở đó làm chi?
Tiêu Hồn ma nữ cười khẽ:
– Sư tỷ sao lại nói như vậy. Tỷ chẳng biết rõ tính của y rồi sao ? Nếu chẳng vì chúng ta ở đây thì làm sao y phải đến nơi này ? Võ công y cao như vậy nếu mà muốn nổi danh thì sớm đã trở nên một cao thủ tuyệt đại giang hồ rồi, đâu phải như bây giờ chẳng có một ai biết đến.
Sử Nguyệt Nga tâm thần thức tỉnh, chợt hiểu rõ mọi chuyện. Không ngờ ngay lúc ấy tay nàng lại bị Vương phu nhân nắm lấy:
– Cô nương là chủ nhân của Bích ngọc phật phải không ?
Sử Nguyệt Nga ngạc nhiên nhìn sửng vào bà. Nàng không hiểu gì cả liền hỏi lại:
– Tại sao bà lại hỏi ta câu đó ? Bà là ai ?
Vương phu nhân run giọng:
– Chỉ cần cô nương trả lời cho ta biết cô nương có phải là chủ nhân của Bích ngọc Phật hay không thôi, còn mọi việc khác không quan trọng.
Sử Nguyệt Nga trong lòng tuy thấy hơn kỳ lạ, nhưng vẫn trả lời:
– Phải. Bích ngọc Phật là vật của ta. Ta cất giữ nó từ rất lâu rồi.
Vương phu nhân nghe đến đây bật òa ra khóc. Bà giơ tay ôm chặt lấy người Sử Nguyệt Nga mà nức lên mấy tiếng:
– Cầm nhi ! Cầm nhi ! … con của ta.
Sử Nguyệt Nga đột ngột như bị sét đánh ngang tai. Toàn thân cứng đờ. Mãi lúc lâu nàng mới bật lên mấy tiếng nho nhỏ:
– Bà … bà là ai ?
Vương phu nhân nước mắt lưng tròng, kéo Sử Nguyệt Nga vào lòng, âu yếm:
– Con … con có nhớ ra mẹ không ? Mẹ là mẹ của con đây !
Sử Nguyệt Nga đôi mắt trở nên đờ đẫn, những hình ảnh quá khứ như ẩn hiện, xô đẩy nhau trong tâm trí nàng. Sử Nguyệt Nga chợt rú lên một tiếng ôm chặt lấy Vương phu nhân bật khóc nức nở:
– Mẹ ơi !
Hai người ôm lấy nhau khóc vùi trong khi ở gần đấy cuộc chiến đã trở nên ngày càng ác liệt.
Hoàng y thiếu nữ đột nhiên tiến thẳng lại chỗ mọi người đang tụ tập.
Tiêu hồn ma nữ vội bước ra cản lại:
– Cô nương xin hãy dừng bước !
Hoàng y thiếu nữ đưa mắt nhìn nàng rồi hỏi:
– Cô nương có phải là Nguyệt Nga tiên tử không ?
– Không phải ! Cô nương muốn gặp Nguyệt Nga tỷ có chuyện gì ?
– Ta muốn thương lượng với cô ta một việc.
– Là việc gì ?
– Việc này e cô nương không quyết định được .
– Cô không nói ra làm sao biết ta không đủ khả năng.
Hoàng y thiếu nữ cau mày có vẻ không hài lòng, nhưng sau cùng nàng ta cũng cất tiếng:
– Ta muốn thương lượng với cô ta về việc Song long bí phổ.
Tiêu hồn ma nữ cười dài:
– Cuối cùng rồi ngươi cũng lòi cái đuôi chồn ra. Ta hỏi ngươi định dùng cách gì để cướp bí phổ đây ?
Hoàng y thiếu nữ lạnh lùng:
– Ta vốn có ý tốt không muốn các ngươi tốn xương máu vô ích nên muốn thương lượng một chút. Nếu cô nương không đồng ý thì thôi vậy.
Sử Tố Mai dù sao cũng có kinh nghiệm hơn. Lúc này nghe Hoàng y thiếu nữ nói thế liền hỏi:
– Tại hạ muốn nghe cô nương nói rõ hơn cách thức thương lượng thế nào ?
Hoàng y thiếu nữ nhìn Sử Tố Mai hỏi:
– Các hạ là ai ?
– Ta là sư muội của Sử Nguyệt Nga. Vậy cô nương muốn thương lượng thế nào cứ nói với ta.
– Được ! Ta muốn các ngươi cử ra một người đấu với ta. Nếu thắng, các ngươi có quyền giữ bí phổ, nếu thua, phải giao bí phổ lại cho ta.
– Cách thức đấu thế nào ?
– Ta sẽ tấu một bản nhạc phổ. Nếu người của ngươi đang lúc nghe nhạc mà nhảy nhót, hay cục cựa là thua.
Tiêu hồn ma nữ kinh ngạc hỏi:
– Chỉ đơn giản vậy sao ?
Hoàng y thiếu nữ cười nhạt:
– Đơn giản hay không rồi ngươi sẽ biết.
Sử Tố Mai gật đầu nói:
– Được. Để ta bàn bạc lại với sư tỷ rồi sẽ trả lời sau.
Hoàng y thiếu nữ nói:
– Ta chỉ chờ trong nửa canh giờ thôi. Nếu quá hạn ta sẽ cho các ngươi chết không đất chôn thây.
Tiêu hồn ma nữ trợn mắt, quát:
– Ta xem ngươi quá ngông cuồng rồi !
Hoàng y thiếu nữ khuôn mặt lạnh lùng quay lưng bước trở lại chỗ bọn Song thành Tứ tú.
Cuộc nói chuyện với Hoàng y thiếu nữ đã khiến cho Sử Tố Mai trở nên lo lắng. Phải biết “Không phải mãnh long, thì không quá giang”. Hoàng y thiếu nữ nọ không biết thuộc hạng người gì, ở đâu ? Nhưng từ cử chỉ cho đến lời nói đều toát lên một sắc thái uy lực không thể diễn tả bằng lời. Có vẻ như Hoàng y thiếu nữ đã nắm chắc phần thắng trong tay khi đưa ra cách thức giao đấu quái dị vừa rồi.
Tiêu hồn ma nữ quay mặt nhìn quay để tìm kiếm Vân Linh, nhưng không sao tìm thấy chàng đâu cả. Nàng biết Vân Linh võ công cao lắm, nhưng thật sự cao đến mức nào thì nàng chưa bao giờ dự đoán ra được. Nàng muốn nhân cơ hội này yêu cầu chàng ra thi thố một phen.
Sử Tố Mai đã đến bên hai mẹ con Vương phu nhân trình bày mọi việc về cuộc thách đấu vừa rồi của Hoàng y thiếu nữ.
Vương phu nhân đưa mắt nhìn Hoàng y thiếu nữ một lúc. Chợt bà nhận thấy cây sáo ngọc rất đẹp cài bên hông Hoàng y thiếu nữ. Vương phu nhân xanh mặt, kêu nhỏ:
– Nguy thật !
Sử Nguyệt Nga thấy mẹ đột nhiên kêu lên như thế, biết là chuyện quan trọng, vội hỏi:
– Mẹ nói thử xem. Cô ta là ai thế ?
Vương phu nhân thở dài, run giọng nói:
– Ta không biết cô ta. Nhưng cây cây sáo ngọc kia, thì có một lai lịch rất ghê gớm.
– Vậy cây sáo ngọc đó lai lịch như thế nào ?
– Chuyện này kể ra cũng đã lâu. Ta đã từng nghe sư phụ ta kể lại, hơn trăm năm trước có một thư sinh võ công rất cao, sử dụng một cây sáo ngọc làm vũ khí, đi đến đâu thiên hạ võ lâm đều phải kính nể. Thư sinh này thường dùng âm thanh để tiêu diệt đối phương. Người nào võ công cao lắm cũng chỉ chịu nổi khoảng một canh giờ là đã đứt mạch máu ra mà chết. Sau này, không hiểu vì sao thư sinh nọ bỗng nhiên biến mất không để lại dấu vết. Không ngờ hiện nay cây sáo ngọc lại tái xuất giang hồ.
Mọi người nghe Vương phu nhân kể chuyện đều thất kinh hồn vía. Nếu đúng thật Hoàng y thiếu nữ đã học được võ công quái dị của thư sinh nọ thì mọi người khó mà chống đối lại, có khi còn mang họa sát thân không chừng.
Tiêu hồn ma nữ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Việc này chưa có chi làm chắc chắn. Chúng ta cứ tạm cử người ra thi thố xem như thế nào ? Nếu may mắn chúng ta chiến thắng thì thôi, bằng không thì đành để bí phổ lọt vào tay đối phương, rồi sẽ tìm cách khác chiếm lại sau.
Lời nói của Tiêu hồn ma nữ coi vậy mà đúng. Mọi người bàn bạc một hồi rồi quyết định cử Sử Tố Mai ra đấu trận này.
Thật ra, ban đầu mọi người ai cũng muốn là người được chọn, nhưng Vương phu nhân nói trong số mọi người ngồi đây chỉ có Sử Tố Mai võ công cao, mà tính tình lại trầm ổn, thích hợp cho cuộc đấu đặt biệt này.