Trở về truyện

Ma thổi đèn 4 - Thần cung Côn Luân - Chương 21 - Chúa Của Hồ Nước

Ma thổi đèn 4 - Thần cung Côn Luân

21 Chương 21 - Chúa của Hồ nước

Minh Thúc vẫn còn do dự, cảm thấy Shirley Dương có chút phức tạp hóa vấn đề, đường rành rành ra đấy thì không đi, lại cứ bắt phải leo lên cái tảng nham thạch dốc đứng kia. Tôi và Tuyền béo thì biết Shirley Dương xưa nay rất nghiêm túc thận trọng trong những chuyện này, chưa đùa cợt bao giờ, sốt sắng bảo mọi người phải tránh xa ra, chắc chắn là đã phát hiện ra mối nguy hiểm nào đó rồi, huống hồ tôi nghe cô nàng nói thì cũng nhận ra ngay, con đường trên núi kia quả thực quá trơn nhẵn, ngay cả cỏ dại cũng không có, chắc chắn không phải đường cho người đi.

Chúng tôi đang ở giữa hồ nước, rất gần con đường nhẵn bóng như gương kia, bất kể có con mãnh thú nào từ phía trên lao xuống, đều không có cách nào chống đỡ được. Tôi bèn cuống quýt dùng cả tay lẫn chân kéo Minh Thúc và A Hương bơi về phía tảng nham thạch màu xanh lục ở bên trái hồ nước.

Xung quanh cái hồ này tuy có rừng cây rậm rạp, nhưng chỗ có thể lên bờ lại không nhiều, ngoài con đường trơn nhẵn dị thường kia, hai bên còn lại đều là những vách núi cheo leo trông lên không thấy đỉnh, cộng với một tảng nham thạch lớn màu xanh, cao chừng mười mấy mét ở bên trái, muốn leo lên cũng phải tốn không ít sức lực.

Chúng tôi bơi tới chân tảng nham thạch, vừa mới đưa tay chạm vào vách đá lạnh ngắt, bên tai đã nghe thấy tiếng đá vụn bị chà xát vang lên ở đầu bên kia của con đường trên núi, dường như có con vật to lớn đang nhanh nhẹn bò ra từ sâu trong rừng núi rậm rì. Mọi người đều ngẩn ra, âm thanh kia đến quá nhanh. Loài động vật có thể dùng cơ thể mài nhẵn cả con đường núi ấy nếu không phải mãng xà khổng lồ thì cũng là mãnh thú sống sâu trong núi Côn Luân như cá sấu long vương, bất kể là gì, hẳn sẽ cho chúng tôi nếm đủ. Cả bọn liền gấp rút dùng cuốc chim leo núi móc vào tảng đá leo lên.

Hiềm nỗi trên vách đá có rất nhiều rêu, vừa trơn vừa dốc, cuốc chim không có tác dụng mấy. Phi hổ trảo của Shirley Dương lại ở trong túi chưa lấy ra, đành phải tìm một dây thừng leo núi thắt một vòng, sử dụng kỹ thuật thòng dây cổ ngựa cô nàng học được ở Texas, tung lên quàng vào một mỏm đá nhô ra.

Thân thủ của Minh Thúc nom không hề giống người hơn năm mươi tuổi chút nào, y như con vượn già, quả không hổ danh là tay thủy thủ lão luyện trên biển. Khi phải chạy trốn giữ mạng thì lão nhanh chân hơn bất cứ ai, sột soạt vài cái là đã giật dây, tranh bò lên một cái bục tự nhiên giữa lưng chừng khối đá trước rồi. Tôi và Tuyền béo, Shirley Dương ở phía dưới nâng A Hương, Minh Thúc ở trên đưa tay xuống kéo cô con gái nuôi.

Sau khi Shirley Dương leo lên, mỏm đá mắc vòng dây thừng đã lung lay, Tuyền béo giật một cái thì cả dây lẫn đá rơi tõm xuống nước. Shirley Dương đang chuẩn bị thắt lại dây thừng, tôi và Tuyền béo đã nghe thấy sau lưng vang lên một tiếng "ùm" thật lớn, có thứ gì đó từ trên núi vừa trườn xuống, lặn sâu dưới mặt hồ. Shirley Dương và Minh Thúc liền nhanh chóng thòng dây thừng xuống đón chúng tôi.

Minh Thúc vừa rồi đứng trên cao đã trông thấy con quái vật dưới nước. Lão khọm này xưa nay có cái tật, có khả năng là triệu chứng của bệnh liệt rung Parkinson giai đoạn đầu, hễ căng thẳng là tay cực run, bất kể đang cầm thứ gì, đều sẽ nắm không chặt, sớm muộn gì rồi cũng thả rơi ra. Lúc này cũng thể, trong tay lão đang cầm đinh găm, định bụng sẽ cố định nó vào vách đá cho chặt, đột nhiên run run đánh rơi xuống nước.

Tôi và Tuyền béo vừa mới bắt được sợi dây, không ngờ còn chưa dùng sức kéo, cả cái dây lẫn đinh găm đều rơi cả xuống. Hai chúng tôi chỉ còn nước tức điên lên chửi lão đồ ngây ngây ngẩn ngẩn, đúng là vô tích sự.

Shirley Dương định lấy sợi dây thừng khác ra, nhưng lập tức nhận ra đã không kịp nữa, liền chỉ xuống dưới mặt nước nói :" Mau chui vào trong hang đá dưới nước trốn đi cái đã!".

Tôi và Tuyền béo không biết con quái vật dưới nước kia rốt cuộc là con gì, chỉ chắc chắn là thứ khó xơi. Trong chớp mắt nó đã lù lù xuất hiện. Hai thằng bất đắc dĩ đành phải nín thở lặn xuống đáy. Hồ nước này không sâu, nước trong vắt, những khối nham thạch bên dưới trắng tinh. Đáy hồ có một vài lỗ thấm nước, ngoài ra còn có mấy cái hang lõm rất sâu, có thể nói là thủng lỗ chỗ. Địa mạo nơi này, trước khi ngập nước thì đã bị phong hóa, trở thành một hồ nước đặc biệt.

Trải qua hàng ngàn vạn năm vật đổi sao dời, những tảng nham thạch phong hóa đã chìm xuống đáy nước, có lẽ khi hồ này hết tuổi thọ, những hố đã lõm do gió bào mòn sẽ sụp xuống, nước của cả vùng hồ trong núi này sẽ xối thẳng xuống, tạo nên một thác nước trong lòng đất.

Dưới nước, cá mú tùm lum cả, ngoài những con cá da trơn râu trắng số lượng đông nhất ra, còn có lác đác cá vảy đỏ nứt bụng và cá nhỏ đuôi dài vây đen nữa, không biết do vụ nổ vừa nãy ở Cánh cửa tai họa, hay là do con quái vật đột ngột trườn xuống hồ, chúng rõ ràng rất bị kinh động, láo nháo bơi vào hang lẩn tránh. Cá râu trắng, trước khi cơ thể lớn lên đến kích cỡ như thế, có lẽ từng là một phân chi của loài cá trê, chắc chắn không thích nghi được với môi trường ngầm dưới lòng đất, sau cơn kinh hoảng ào ào chui vào trong Cánh cửa tai họa đã lại lũ lượt bơi về, có lẽ thà mạo hiểm cho con quái vật ăn thịt, còn hơn rời xa vùng hồ ấm áp thoải mái này.

Tôi vừa lặn xuống dưới nước, thì phát hiện ra trong bầy cá đang bơi hoảng loạn, có một con vật dài chừng năm sáu mét, bốn chân ngắn, thân mình vằn vện đen trắng, trông giống con thằn lằn lớn, lại như một quả ngư lôi, vừa cắm xuống dưới đáy nước liền lao mạnh về phía chúng tôi.

Trong đầu tôi đột nhiên hiện ra tên của một mãnh thú, giao long vằn, con vật thích nóng sợ lạnh. Năm 1972 anh em bộ đội thi công dưới sông băng Mectabuchal ở núi Côn Luân, từng đào được xác đóng băng của con mãnh thú này, có người muốn đem làm tiêu bản, nhưng sau đó không rõ vì sao mà không thành công. Bấy giờ chúng tôi còn rong ruổi mấy trăm dặm đường núi tới tham quan xác nó nữa. Đúng là không xong rồi, của nợ này còn dữ hơn cả cá sấu long vương, da thô thịt chắc, đến cả súng đạn cũng khó mà làm gì nổi nó.

Tuyền béo và tôi thấy con giao long vằn lao đến vùn vụt, hơi hốt hoảng, nhưng lập tức lặn xuống dưới một tảng nham thạch hình thù kỳ dị chọc thẳng lên dưới đáy hồ, cái đầu hình tam giác cứng chắc của con giao long va vào tảng đá, tảng đá trắng giòn lập tức vỡ ra vô số khối đá vụn, nó lại tức khí lao vọt lên trên.

Tôi chột dạ, không xong rồi, nó định lao ra khỏi mặt nước tấn công Shirley Dương và bố con Minh Thúc trên tảng đá. Bỗng thấy bọt nước bắn tung tóe, con giao long lại xuống dưới hồ rơi đánh ùm một cái, xem ra với sức bật vừa rồi, chưa đủ để nó chạm tới con mồi ở trên tảng nham thạch. Con giao long ngay sau đó lại cuộn tròn xông xxuống phía dưới, nhưng có vẻ như nó không xác định rõ mục tiêu cố định, cứ đâm chỗ nọ chọc chỗ kia, loay hoay trong hồ. Bầy cá chưa kịp lẩn tránh, bị nó nhai ngấu nghiến hết cả.

Tôi nhân cơ hội đón lấy bình dưỡng khí của Tuyền béo hít hai hơi. Hai thằng nhân lúc rối ren lẩn vào một cái hang ở đáy hồ. Trong hang cũng nêm chặt những con cá tị nạn, hai thằng chúng tôi với đàn cá chẳng ai để ý đến ai nữa, đứa nào lo phận đứa ấy. Tôi mau chóng hiểu ra ý đồ của con giao long vằn kia, nó không ngừng quẫy trong hồ, là muốn đuổi những con cá nấp trong hang ra, những con cá râu trắng quả nhiên kinh hãi không chịu nổi, từ trong hang bơi vọt ra xung quanh. Con giao long liền nhân cơ hội ấy mà đại khai sát giới, như thể nó có mối thâm thù huyết hận với bầy cá này hay sao ấy, chứ tuyệt đối không chỉ đơn thuần là ăn cho no bụng.

Trước đó bầy cá râu trắng kết thành ngư trận, có lẽ là để phòng ngự trước con thiên địch tàn bạo này.

Nước hồ trong suốt mau chóng bị máu cá nhuốm đỏ, xác cá bị cắn nát trôi lập lờ khắp nơi. Tôi và Tuyền béo nấp trong động trông mà thấy rùng mình, muốn nhân cơ hội chuồn ra chân tảng đá để bò lên, có điều bò lên ít nhất cũng phải mất mấy phút, chẳng may giữa đường đụng phải con giao long vằn vện hai mắt đỏ ngầu này thì toi đời, tốc độ bơi trong nước của nó còn nhanh hơn cả ngư lôi, nếu không thể dựa vào địa hình có lợi để né tránh, thì bất luận là ở trên đất liền hay ở dưới nước cũng sẽ không thể có cơ hội sống sót, thôi thì đành nán lại dưới đáy hồ nhẫn nại đợi thời cơ vậy.

Oxy trong bình dưỡng khí Tuyền béo mang theo không còn nhiều nữa, trong lúc không để ý, đáy hồ đột nhiên xuất hiện một cảnh tượng thảm khốc. Con giao long đang đuổi theo cắn đớp loạn xị bầy cá, vừa vặn bơi tới trước cửa hang chúng tôi náu mình. Bấy giờ chỉ thấy trong khoảng nước lẫn máu tươi có một bóng trắng vụt qua. Con cá râu trắng già ở đáy hồ đã xuất hiện từ lúc nào. Nó oằn mình, quật đầu, húc một cú thô bạo vào cái bụng nhỏ mềm yếu nhất trên mình con giao long. Con giao long bị húc lộn nhào trong nước, oằn cả thân mình quái dị, nhưng lập tức lao thẳng đến, đớp ngay vào sống lưng con cá già râu trắng. Loài cá râu trắng này tuy không có vảy, nhưng da nó lại có những vảy thịt lăn tăn như vệt sóng, hết sức rắn chắc, nhất là con cá này đã già, thân hình to lớn, vảy thịt của nó càng rắn chắc bội phần.

Con giao long cậy có răng nhọn, da dày, móng sắc, con cá râu trắng già kia thì sống lâu năm, kinh nghiệm phong phú, thân hình thì vừa dài vừa to, vảy thịt kiên cố, có bị cắn mấy phát cũng không đến nỗi chí mạng, đôi bên quấn lấy nhau, nhất thời khó mà chia tách ra được. Cả vùng hồ như có xoáy nước lớn, nhưng do nước từ lòng núi đổ vào rất nhiều, lượng nước thấm qua các lỗ thấm ở đáy hồ cũng không ít, bao nhiêu máu me tuôn ra tới đâu là bị cuốn đi tới đó, nước trong hồ vì thế mà vẫn trong suốt sáng trắng.

Tôi và Tuyền béo nhìn thấy thì hiểu ra ngay đây chẳng khác nào cuộc giao tranh giữa hai con hổ dữ, quyết chiến vì tranh giành đất sống. Nhưng vì sao chúng lại quyết chiến một mất một còn ác liệt như vậy? Phải chăng vì chất nước đặc biệt của hồ? Hay là vì thù oán giữa hai loài thiên địch? Chúng tôi không tài nào luận đoán ra được, nhưng muốn thoát khỏi mặt hồ thì phải tranh thủ ngay lúc này, liền chia nhau hít hết số oxy còn lại trong bình dưỡng khí, tránh xa cuộc ác chiến giữa con giao long vằn và con cá già râu trắng, men theo rìa nham thạch, bơi lên khỏi mặt nước.

Shirley Dương từ trên tảng đá quan sát tình hình dưới hồ, còn nhìn rõ hơn chúng tôi nhiều, thấy chúng tôi nhân cơ hội bơi lên, liền thả dây thừng xuống, lần này không dám để cho Minh Thúc giúp một tay nữa.

Khi tôi leo được lên tảng đá, quay lại nhìn xuống, con cá già đã chiếm thế thượng phong, đang húc con giao long xuống dưới đáy hồ, miệng con giao long hộc cả bọt máu, trông chừng không thể chống chọi được nữa. Đợi đến khi tôi leo hẳn lên tảng nham thạch, thì phát hiện ra tình thế đã đột ngột thay đổi, từ trên con đường núi kia lại có một con giao long to hơn nữa bò ra, con cá già râu trắng chỉ chăm chú đối đầu đằng trước, mà không hề phòng bị phía sau, con giao long vằn kia lẻn tới đớp chặt lấy mang cá, lôi nó vào trong hang động lớn nhất ở sâu dưới đáy hồ.

Xem chừng cuộc ác chiến tranh đoạt vương vị ở hồ nước này sắp đến hồi kết thúc, Tuyền béo vuốt nước trên mặt nói :" Đợi chúng cắn nhau xong, ta còn phải tranh thủ thời gian xuống vớt ít thịt cá. Minh Thúc vứt cả túi thực phẩm sau bức tường thủy tinh rồi, bằng không tối nay chúng ta chết đói cả lũ".

Tôi nói với cậu ta :" Dưới nước nguy hiểm lắm, đừng vì con săn sắt mà thả con cá rô đi như thế. Trong ba lô của tôi còn đồ ăn đấy, ta có thể dựa theo cách năm xưa chủ tịch dạy chúng ta, lúc bận thì ăn khô, lúc rảnh thì ăn nhão, lúc không bận không rảnh, ăn nửa khô nửa nhão, mọi người ăn tiết kiệm một chút, thì có thể đối phó được hai ba ngày".

Tuyền béo nói :" Có thực mới vực được đạo bố ạ. Lát nữa tôi thế nào cũng phải đi bắt cá, trong chốn rừng thiêng núi độc này làm gì có lúc nào nhàn rỗi, có khi sắp tới lại đụng phải con gì cũng nên, chết xuống âm phủ làm ma đói cũng vẫn bị bắt nạt thôi".

Shirley Dương chăm chú theo dõi động tĩnh dưới hồ, rõ ràng vẫn cảm thấy cuộc ác chiến dưới hồ vẫn chưa kết thúc, nghe thấy tôi với Tuyền béo nói chuyện, bèn lên tiếng :" Cá ở đây không thể ăn đâu. Năm xưa cư dân ở thành Ác La Hải đều biến mất chỉ trong một đêm, người bên ngoài không hiểu có chuyện gì xảy ra. Những câu chuyện xoay quanh sự hủy diệt của thành Ác La Hải nhiều lắm, nhưng ở Tây Tạng quả thực từ xưa đã có tục không ăn cá, vả lại cả một bầy cá râu trắng to thế này cũng quả thực rất cổ quái, chúng ta tốt nhất đừng tự chuốc phiền phức ..."

Trong dòng nước giữa hồ, bỗng nhiên xuất hiện hàng vạn con cá râu trắng, ních kín lại với nhau, dường như muốn xuống đáy hồ giải cứu con cá già.

Bấy giờ sắc trời đã muộn, hoàng hôn nhá nhem, để xem cho rõ hơn, tôi leo lên chõ cao nhất trên tảng đá. Cảnh vật hiện ra đằng sau tảng đá còn khiến người ta giật mình choáng ngợp hơn cả trận kịch chiến của bầy cá giữa hồ. Phía sau tảng nham thạch là một vùng đất trũng thấp hơn so với mặt hồ, có một tòa thành cổ bằng nham thạch bị phong hóa thủng lỗ chỗ như tổ ong, ít nhất cũng có mười mấy tầng, chót vót cắm giữa vùng đất trũng, vây quanh toàn là những tảng nham thạch trắng ơn ởn, các hốc lỗ bên trên nhiều không đếm xuể. Khu vực này khác hẳn với vùng rừng rậm thâm u xung quanh, không có một bóng cây lụn cỏ nào cả. Trên nóc tòa thành trông như tổ ong kia, có một quả nhãn cầu làm bằng một khối đá lớn, lẽ nào đây chính là thành Ác La Hải trong truyền thuyết cổ xưa? Vậy nhưng tôi không hề cảm thấy vui mừng chút nào vì lặn lội vạn dặm trường đã tới đích, mà ngược lại tóc gáy dựng hết cả lên, bởi điều khiến người ta rợn người là, trong tòa thành này không những đèn đuốc sáng trưng, mà còn rặt một mùi chết chóc nặng nề.

Ráng chiều trùm lên thành Ác La Hải lốm đốm ánh đèn như những vì sao, làn sương mơ hồ nửa hư nửa thực bao trùm khiến cảnh tượng trở nên mờ ảo vô cùng. Có vẻ như cư dân trong tòa thành cổ này đã đốt đèn, chuẩn bị đón bóng đêm buông xuống, nhưng trong thành lại im lìm vắng lặng như đã chết, không có chút cảm giác có sự sống nào. Mới nhìn qua, tôi đã vã cả mồ hôi, tương truyền cư dân trong thành này đều đã mất tích một cách kỳ lạ, những tín đồ Luân Hồi tông đời sau cũng tuyệt diệt cách đây mấy trăm năm rồi, trong thành sao lại có thể có ánh sáng của đèn đuốc cho được? Mà tòa thành có thể chứa hàng vạn người lại không có mảy may động tĩnh gì, xem chừng nó không phải là "thành chết" mà là một tòa "Thành ma".

Đúng lúc tôi kinh ngạc khôn cùng, những người còn lại cũng lục tục leo lên đỉnh tảng nham thạch. Tất cả đều giống tôi, nhìn thấy tòa thành cổ sót lại giữa hai thế giới sống và chết, đều ngây người ra hồi lâu không nói được lời nào.

Tương truyền thành cổ Pompeii thời La Mã bị phá hủy chỉ trong một đêm do núi lửa phun trào. Trong các đợt khai quật khảo cổ sau này, người ta phát hiện ra cư dân trong thành khi chết đều giữ nguyên bộ dạng đang sinh hoạt bình thường trong nhà, trạng thái của tòa thành Pompeii vĩnh viễn ngưng kết lại trong khoảnh khắc bị hủy diệt ấy.

Vậy mà tòa thành cổ trước mắt chúng tôi, cư dân sống trong đó dường như bốc hơi đi đâu hết cả, chỉ còn mỗi tòa thành lỗ chỗ như tổ ong, đèn đuốc thắp sáng, đứng sừng sững trong sắc chiều bảng lảng. Nó được giữ lại hoàn hảo như vậy, khiến người ta cảm thấy dường như nó thoát ra khỏi xiềng xích của thời gian, trong mấy ngàn năm nay chưa từng có bất kỳ thay đổi nào. Rốt cuộc trong thành đã xảy ra tai họa gì?

Chúng tôi đều không khỏi nghĩ đây là "thành ma ảo giác", có điều hỏi A Hương thì lại nhận được câu trả lời phủ định, nơi này đích thực tồn tại hẳn hoi, hoàn toàn không phải là "thành ma ảo giác" do vong linh của người chết dựng nên.

Chúng tôi đang bàn bạc xem phải vào thành thế nào, bỗng nghe thấy tiếng nước hồ dưới kia sôi lên cuồn cuộn. Trời vẫn chưa tối hẳn, từ trên cao nhìn xuống, cả vùng hồ trong suốt như pha lê hiện rõ trước mắt, con cá già râu trắng và hai con giao long sau một hồi ác chiến đã phân thắng bại, hàng ngàn hàng vạn con cá râu trắng đã gắng hết sức mình dùng cơ thể húc vào con giao long, để giúp đỡ cụ cố của chúng.

Trên đỉnh đầu của cá râu trắng đều có một vết chàm đỏ, chỗ đó dường như là rắn chắc nhất của chúng, mỗi con trung bình đều dài tầm nửa mét, nếu lao vụt về phía trước thì có thể đủ húc cho người ta hộc máu ra. Đôi giao long vằn kia tuy hung bạo, ngoan cường, bị tám chín con cá lớn húc vào cũng không cảm thấy gì, nhưng hàng vạn con cá lớn cùng lúc tấn công điên cuồng thì không tài nào đỡ được, huống hồ con cá già lại nhân cơ hội phản công, đôi giao long không chống trả được, đành chuồn vào rừng rậm trên bờ hồ, quật cây cối nghiêng ngả, chỉ trong giây lát đã mất tăm mất tích.

Con cá già bị thương khắp mình nổi lên mặt hồ, vây thịt bị con giao long cắn đứt, hai mang cũng bị xé rách một mảng lớn. Các con cá con cá cháu của nó vây quanh lại, há miệng ngậm chặt vết thương, cá râu trắng tụ tập lại càng ngày càng nhiều, thoáng một cái, đã lần nữa vây thành ngư trận, cả một khoảng bóng đen sì ngợp mắt, che kín hết mặt hồ.

Tôi trông vòng ngư trận từ từ chìm xuống đáy hồ, bụng nghĩ giữa cá râu trắng và giao long vằn chắc chắn thường xuyên xảy ra xung đột quyết liệt. Giao long vằn dường như chỉ muốn giết sạch bầy cá này, mà không chỉ để săn mồi ăn cho no bụng, nhưng bầy cá có cá chúa thống soái, giao long vằn tuy lợi hại, cũng khó mà ăn *********** được. Lẽ nào mâu thuẫn giữa chúng, chỉ là do xuất phát từ ham muốn chiếm đoạt khu hồ phong hóa hiếm thấy này sao? Khu hồ này rốt cuộc có chỗ nào đặc biệt?Điều này có lẽ liên quan tới rất nhiều bí mật cổ xưa, có điều trước mắt không cần để ý bấy nhiêu thứ ấy làm gì, tranh thủ trời còn chưa tối hẳn, tiến vào thành Ác La Hải cái đã.

TruyenC

Copyright © 2024 TruyenC.