20 Chương 20 - Ngư trận
Tôi đành dắt Minh Thúc và A Hương men theo dòng sông dày đặc mạch khoáng thủy tinh đi xuống phía hạ du, đi một mạch ba ngày, những con sứa nước ngọt phát quang dần dần thưa thớt. Cuối cùng cũng tới nơi tận cùng của vực sâu dài hẹp này, kẽ hở khổng lồ trong lòng núi bị một bức tường đá thủy tinh cao hàng mấy trăm mét chặn lại, trên tường chi chít những mật hiệu và ấn ký quái dị, giống như tảng đá thủy tinh chúng tôi thấy hôm trước, có điều bức tường này quả thực quá cao quá lớn, đây chắc chắn là Cánh cửa tai họa được nhắc đến trong truyền thuyết rồi.
Chân bức tường ngập dưới dòng nước sông. Lúc này đang là khoảng thời gian lưu lượng hệ thống nước Côn Luân lớn nhất trong năm, xem chừng đường hầm kia đã nằm dưới mặt nước, nếu vào ngày thường, con đường trên Cánh cửa Tai họa có khả năng sẽ lộ ra. Do không biết con đường này dài ngắn ra sao, mà thiết bị lặn cũng chỉ có ba bộ, không thể mạo hiểm chui xuống cả đoàn, tôi quyết định để mọi người ở đây nghỉ ngơi trước đã, một mình tôi sẽ xuống sông dò xét đường đi, rồi sẽ tính đi tiếp thế nào.
Tuyền béo ngăn tôi lại, đòi tự mình xuống sông trinh sát, xem xem con đường dài ngắn rộng hẹp ra sao. Tôi biết Tuyền béo rất giỏi bơi lội, liền đồng ý cho cậu ta xuống dò đường. Tuyền béo tự vỗ ngực cho rằng mấy mươi mét đường sông, bơi một hơi là quay lại được, không thèm dùng bình oxy, chỉ đeo kính lặn rồi nhảy xuống.
Tôi đứng trên bờ bấm đồng hồ chờ, thời gian trôi đi từng giây, mặt nước vẫn lặng như tờ. Cả Shirley Dương cũng bắt đầu sốt ruột, một phút rồi vẫn chưa thấy Tuyền béo quay lại, chín mươi chín phần trăm bị cá cắn ********* rồi. Đang định xuống nước tìm, thì thấy bọt nước rẽ ra, cái đầu đội mũ leo núi của Tuyền béo nổi lên, cậu ta vuốt nước trên mặt nói :" Con đường thông qua bức tường thủy tinh này rất rộng, nhưng không dài lắm, có điều là mẹ kiếp, phía bên kia không tài nào đi được nữa, những con cá to dưới đó vây lại thành ngư trận, số lượng nhiều không đếm xuể, tắc nghẽn lại một chỗ".
Hồ nước ở đất liền cũng có ngư trận, có điều ở đây không có dấu vết của con người, bầy cá chắc là không nhất thiết phải bày binh bố trận đề phòng con người tới bắt như vậy chứ, trừ phi dưới nước còn có thứ gì còn chưa rõ đang uy *********** đến sự sinh tồn của chúng.
Ngoài tôi và Tuyền béo ra, những người còn lại đều chưa từng nghe nói tới ngư trận. Ở miền duyên hải Phúc Kiến của chúng tôi, có rất nhiều loại truyền thuyết này, ngư trận cũng có ở các hồ nước ngọt trong đất liền, nhưng không biết vì sao, hai mươi năm trở lại đây cực kỳ hiếm thấy. Ngư trận, còn có cái tên là "bức tường cá", là một dạng hành vi siêu tự nhiên của loài cá mà các nhà sinh vật học đến giờ vẫn không có cách nào giải thích được. Những con cá cùng loài ở dưới nước tụ tập lại với số lượng lớn, cùng cắn đuôi nhau, đầu đuôi gắn kết, từng vòng từng vòng xoay thành trận tròn, bất kể nhỏ to lớn bé, vây chặt lại thành tầng tầng lớp lớp, phạm vi có lúc kéo tới mấy dặm.
Loài cá trong hồ nước ngọt kết thành ngư trận, một là để phòng "ma đen" ( chim cồng cộc) bắt; hai là để chống lại sự tấn công của động vật săn mồi dưới nước, bởi nhìn từ xa dưới nước, ngư trận giống như một con quái vật khổng lồ đen sì đang bơi nhởn nhơ, đủ để dọa bất kỳ thiên địch nào; cũng có khả năng do khí hậu hoặc sự thay đổi đột ngột của môi trường, bầy cá kinh hãi, bầy binh bố trận để tự bảo vệ.
Mọi người ngồi bên bờ sông ăn uống một chút cho lại sức để còn bơi lội, nhân tiện xác định kế sách làm sao vượt qua được ngư trận phía sau bức tường thủy tinh, việc này tốn rất nhiều nơ ron thần kinh.
Shirley Dương tìm tờ giấy, vẽ phác lại tình hình dưới sông theo tường thuật của Tuyền béo. Cánh cửa Tai họa có một thông đạo rộng cỡ bảy, tám mét, dài chừng hai mươi mét, sau khi ra khỏi thông đạo, địa thế có hình loa kèn, phía trước chật, phía sau rộng, tuy nhiên ở miệng kèn lại có hàng ngàn hàng vạn con cá da trơn râu trắng túm tụm lại thành một ngư trận lớn như cái thùng phuy di động, chặn đứng lối thông ra vùng hồ bên ngoài. Cá râu trắng là loài cá đặc biệt chỉ sống được trong môi trường nước ở vùng núi Kelamer, đặc điểm của nó là da trơn láng không vảy, toàn thân màu xanh, duy chỉ có râu và miệng là màu trắng, cho nên mới có cái tên như vậy. Tuyền béo nói những con cá râu trắng phía sau Cánh cửa Tai họa to nhỏ không đều, nhưng nói chung thì đều có đuôi dài hơn nửa mét. Ngư trận khổng lồ đó cứ cuộn đi cuộn lại, căn bản không thể nào xuyên qua được.
Shirley Dương nói :" Cá râu trắng tuy không gây sát thương cho con người, nhưng với số lượng khổng lồ như vậy thì lại là một sự uy *********** ngấm ngầm đấy. Lúc đi xuyên qua dưới nước, lỡ chẳng may mà bị rớt đoàn, rất có khả năng sẽ bị bầy cá vây chặt lại rồi mất liên lạc, nên chúng ta phải tìm cách đánh tan ngư trận này đã, sau đó mới đi được".
Tôi nói với mọi người :" Từ xưa dân chài muốn phá ngư trận, cần phải có ma soái thân chinh, chúng ta bây giờ cho dù có ma soái đuổi cá thật, thì e là cũng không đối phó được với hàng ngàn hàng vạn con cá râu trắng dài hơn nửa mét thế kia".
Bọn Minh Thúc không hiểu "ma soái" là gì, vội hỏi cho ra nhẽ. Tôi bảo Tuyền béo kể cho họ nghe. Tuyền béo nói các vị có biết "ma đen" là gì không? Không phải là con lợn đen theo cách gọi của người Tứ Xuyên đâu. Ở một số làng chài, dân chài đều nuôi một loài chim nước mỏ to tên là chim cồng cộc, có thể giúp dân chài bắt cá dưới nước, có điều trước đó phải buộc một sợi dây vào cổ nó, bằng không nó bắt được cá là xực luôn. Loài chim nước này dân gian còn gọi là "ma đen".
Phàm nơi nào nuôi ma đen bắt cá, ở những vùng sông hồ rộng lớn, bất kể nuôi bao nhiêu con, đều phải có một con ma soái cầm đầu. Ma soái to gấp hai ba lần con cồng cộc bình thường, chiếc mỏ lớn của nó còn lợi hại hơn cả móc thép, đôi mắt sáng quắc soi mọi ngóc ngách, trông như con đại bàng. Có lúc ngư dân đi thuyền ra giữa hồ bắt cá,mấy ngày liền đến cái vảy cá cũng không kiếm được, chứng tỏ bầy cá dưới sông đã vây thành ngư trận. Lúc này tất cả dân chài sẽ phải gom góp tiền bạc, lập bàn thờ đốt hương cúng tế thần sông, sau đó thả ma soái xuống nước, bất luận ngư trận có dày đến thế nào, cũng không chống đỡ nổi hai ba cú chọc xỉa của nó, lập tức tan vỡ giải tán ngay.
Nhưng cá râu trắng ở đây to lớn thế kia, cá thường ở sông hồ nội địa bì sao được. Loài cá này mà bơi ở dưới nước, sức ấy có thể húc ngã con người, e rằng dẫu có ma soái cũng không giải tán được ngư trận ở đây.
Tuyền béo đang kể cho mọi người, tôi đã nghĩ xong quyết định, rằng đã tới trước cánh cửa lớn này của Ma quốc, thì không có lý nào lại rút lui, không có ma soái thì chúng tôi có thuốc nổ đủ để phá tan bầy cá rồi. Nhưng nếu lặn xuống sông, đi xuyên con đường dưới nước, thì năm người phải cùng đi một lượt, bởi tôi nom Cánh cửa Tai họa khổng lồ này không phải là một chỉnh thể, mà là từng khối đá thủy tinh to thể tích cỡ mười mấy mét vuông được ghép vào, bên trên khắc hàng đống hình vẽ ký hiệu, còn giữa các tảng đá với nhau thì có vô số kẽ hở, có khả năng là do sức nước chảy đã tách chúng ra, mà cũng có thể khi xây dựng người ta chủ ý làm vậy để giảm bớt sức dòng nước xối vào tường. Thuốc nổ dùng để công phá ngư trận không thể quá ít, ít quá thì sẽ không đánh tan được lũ cá, nhưng nếu nhiều quá, sợ là phá vỡ mất một góc tường thủy tinh. Bức tường khổng lồ này là di tích từ thời thượng cổ, nói không chừng rung lên một cái, cả Cánh cửa tai họa này sẽ đổ sụp như chơi, sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền, nội trong hai phút, đá tảng từ bức tường chính rơi xuống sẽ lấp chặt thông đạo. Trước đó chừng một phút rưỡi, có lẽ tương đối an toàn, phải nắm bắt thời cơ trước khi phản ứng dây chuyền xảy ra, đi xuyên qua cánh cửa, có điều đã đi qua rồi thì đừng hòng nghĩ có thể quay lại đường cũ.
Tôi nói qua cho mọi người nghe về những nguy hiểm sắp phải đối mặt, nhất là phải để Minh Thúc chuẩn bị tâm lý trước, giờ có hối hận muốn quay lại cũng vẫn còn kịp, một khi tiến vào Cánh cửa Tai họa rồi sẽ không còn đường rút đâu.
Minh Thúc chần chừ mãi hồi lâu, cuối cùng nghiến răng biểu thị quyết tâm đi cùng chúng tôi. Vậy là mọi người trang bị gọn gàng, cùng xuống giữa dòng nước. Ba bình oxy, riêng Tuyền béo dùng một cái, câu ta phụ trách đi đánh bộc phá ngư trận, Shirley Dương và A Hương dùng chung một cái, tôi và Minh Thúc dùng chung một cái. Lão già này quá nửa đời người bôn ba trên biển, thành thử rất quen sông nước, xuống một cái là như con cá già dưới nước vậy, A Hương bơi lội cũng thường thường, nhưng đã có Shirley Dương chăm sóc, chắc chắn có thể yên tâm được.
Nước sông ngầm ở Kelamer hết sức đặc biệt, vừa trong vừa trắng, có rất ít thực vật họ tảo, nhiều nhất là loài tép trong suốt chuyên ăn silic, tạo thành một hệ thống sinh thái đặc biệt dưới nước. Xuống đáy nước, bật đèn chiếu, thì thấy những quầng sáng trắng lập lờ khắp nơi, các tảng đá dưới nước toàn là màu trắng.
Trên bức tường thủy tinh màu lục biếc có một thông đạo rộng gần mười mét, soi đèn chiếu vào, chỉ thấy vùng nước trước mặt đục ngầu, vô số cá râu trắng con nọ ngậm đuôi con kia, vây thành một bức tường cá mênh mông hết sức choáng ngợp, bịt kín con đường thông tới dòng sông bên ngoài. Tốc độ chảy của nước dường như không vì vậy mà chậm lại, có lẽ sâu hơn nữa dưới đất, có một hệ thống nhanh sông nào đó khác chăng.
Tôi, Minh Thúc, Shirley Dương, A Hương, cả bốn người dừng lại ở trước cửa hang đợi thời cơ. Tuyền béo đem thuốc nổ bơi về phía thông đạo, bóng của cậu ta mau chóng mất hút trong khoảng nước đục trước ngư trận, phải một lúc lâu vẫn chưa thấy quay lại. Có lẽ ở dưới nước thì sinh ra ảo giác về thời gian, mỗi một giây đều cảm thấy rất lâu. Tôi giương đèn chiếu lên không ngừng rọi về phía đó, đang sốt ruột, thì thấy ánh đèn lấp lóe ở vùng nước đối diện, Tuyền béo đang cuống quýt bơi lại.
Tuyền béo vừa bơi về vừa đưa tay làm ám hiệu, ý là thuốc nổ không dễ đặt cho nên mới mất thời gian, nhưng sắp sửa nổ rồi. Minh Thúc cũng nghển cổ hóng về phía cửa thông đạo. Tôi vội ấn đầu lão xuống, nhân tiện với cánh tay ra, gắng kéo giật Tuyền béo đang bơi lại gần.
Gần như cùng lúc ấy, cả tầng nước rung chuyển, bức tường thủy tinh kia dường như cũng lắc lư theo. Vụ nổ lớn dấy lên những luồng sóng xung kích, cuốn theo vô số xác cá nát vụn, bắn tóe ra. Chúng tôi phủ phục dưới chân tường, qua kính lặn có thể thấy một màn sương đỏ dày đặc xối ra từ trong Cánh cửa Tai họa, không ai ngờ rằng sức công phá của vụ nổ lại mạnh thế. Tuyền béo đưa ngang ngón tay ra tỏ ý: hình như thuốc cho hơi nhiều...
Do thời gian cấp bách, đợt sóng xung kích vừa qua đi, chúng tôi liền nổi lên mặt nước, định mau chóng bơi xuyên qua thông đạo. Tôi vừa mới ngẩng đầu lên, còn chưa kịp nhìn rõ tình hình, chiếc kính lặn đã bị đập một phát, suýt gãy sống mũi, vội nấp ngay ra sau tường. Bầy cá râu trắng đang kinh sợ ào ào lao xối từ trong thông đạo ra. Những con cá lớn vây thành ngư trận, lúc vụ nổ xảy ra tinh thần vẫn đang trong trạng tháo phấn khích cao độ, nói theo cách của các nhà sinh vật học là còn ở trong cảnh giới "vô ngã", có bị đánh bị chém cũng không biết đau, cho nên rất khó có thể tản ra khi gặp tác động quấy nhiễu đến từ bên ngoài. Nhưng sức công phá của vụ nổ quá mạnh, khiến chúng từ trạng thái mộng du đột ngột bừng tỉnh, tức thời hỗn loạn, mắt mũi đờ đẫn, rối rít quẫy nhau lao ra.
Từng đợt cá lao ra xối xả như dòng nước lũ, dường như vĩnh viễn không có điểm dừng. Tôi nghĩ bụng phen này không ổn rồi, cứ tưởng bầy cá sẽ rút ra hướng khác, không ngờ chúng lại mất phương hướng, một lô xích xông tuồn vào cả trong thông đạo thế này. Thời gian đã qua hơn phút rưỡi, bầy cá vẫn lũ lượt lao ra không ngừng, thế là chúng tôi đánh mất cơ hội cuối cùng để thâm nhập vào thành Ác La Hải rồi.
Song đúng lúc ấy, bầy cá râu trắng đã tuôn hết ra khỏi thông đạo, chúng tôi tranh thủ từng giây bơi vào trong, nước sông ở đây trộn lẫn với vảy cá, thịt cá thành một vạt đục ngầu, bơi trong nước, mà cứ thấy lợm giọng buồn nôn, hơn nữa còn gần như không thấy gì cả, may mà thông đạo này thẳng tuột, cũng không quá dài, cả bọn đành nín thở, gắng gỏi bơi về phía trước.
Cơ thể chốc chốc lại bị va đập, vẫn còn không ít con cá lạc đàn bơi loạn xị như lũ nhặng. Bọn cá lớn này ở dưới nước rất khỏe, trong cơn hỗn loạn, cái túi đeo trên lưng Minh Thúc bị một con đuôi dài hơn mét rưỡi quất rơi mất, lão muốn quay lại tóm lấy, nhưng bị tôi và Tuyền béo giật chân kéo cho một phát, lúc này mà quay trở lại chẳng khác nào tìm đến chỗ chết.
Rốt cuộc cũng coi như vượt qua được khoảng hai chục mét ấy. Tôi là người cuối cùng chui ra khỏi thông đạo, nước hồ rất sâu, dòng chảy cũng rất lớn, tuy còn có vô số con cá lớn ở sâu tít trong ngư trận còn chưa kịp đào tẩu, nhưng cảnh vật dưới nước cũng rõ lên nhiều, đồng thời đá thủy tinh trên Cánh cửa Tai họa bắt đầu sụp đổ, mấy tảng đá lớn đã rơi xuống chặn đứng đường rút.
Tôi đưa tay ra hiệu, bảo mọi người nhanh chóng lần lượt đổi bình oxy cho nhau để hít thở, sau đó cả đoàn tức tốc bơi chếch lên phía trên. Thế nhưng mọi người vừa định hành động thì đều cùng lúc sững người ra, lớp ngư trận cuối cùng tan rã, làm lộ ra một con cá râu trắng to lớn dài mười mấy mét. Dường như nó không hề kinh hãi trước vụ nổ, vẫn thẩn thơ bơi trong làn nước, đỉnh đầu hồng đỏ, hai mang trắng muốt, râu dài đến kinh người, trên cái râu dài mấy mét treo đầy cá nhỏ, con cá này rất khó đoán tuổi, đại loại chắc nó là vua cá của vùng hồ này.
Tuy chúng tôi đều biết những con cá râu trắng này không tấn công người, song cóc nhảy lên chân, tuy không cắn cũng khiến người ta giật thót mình. Con cá khổng lồ này quả thực quá lớn, mọi người đều thộn ra nhìn, không biết nó là cá hay là rồng nữa? Nơi này làm gì có long môn, mà nếu có long môn, thì con cá già này e là đã hóa rồng thật rồi. Trong lúc chúng tôi ngây ra như vậy, con cá như con rồng trắng này quẫy đuôi bơi sâu xuống dưới hồ, giấu đi tung tích. Dòng nước cuộn lên do nó mới hiện ra làm cho chúng tôi sực tỉnh lại, dắt díu lẫn nhau ngoi lên mặt nước.
Vừa ngoi được đầu lên, chúng tôi lập tức nhận thấy môi trường ngoài này hoàn toàn khác xa so với trong kia, dường như là một thế giới khác. Cánh cửa Tai họa sau lưng chúng tôi lởm chởm những vách đá chót vót cao muôn trượng, bầu trời trên đầu phủ dày mây móc, ngọn núi tuyết mấy nghìn mét ẩn hiện trong mây, bốn bề núi ôm nước ấp, rừng cây rậm rịt, bát ngát sum suê hết sức tươi tốt. Quãng gần chúng tôi nhất có một sườn núi, trong rừng cây mọc bên trên có một con đường rộng rãi ngoằn ngoèo, mặt đường nhẵn phẳng như gương, nối liền với mặt hồ, có điều núi rừng dày đặc quá không thấy rõ là dẫn tới đâu.
Minh Thúc thấy có đường đi, tức thời mừng rỡ ra mặt, nói với tôi :" Chúng ta bơi lại gần đó đi, con đường này có lẽ dẫn ra ngoài ..."
Tôi cũng đang có ý đó, vừa hưởng ứng, bỗng nghe thấy Shirley Dương cuống quýt nói :" Không được, mặt đường nhẵn bóng quá, tuyệt đối không phải đường do con người tạo ra đâu, hẳn là do con mãnh thú nào đó trườn mình lên lâu năm. Chúng ta mau bơi ra phía tảng nham thạch màu xanh ở đằng xa kia, bây giờ bơi mau, nhanh nhanh nhanh .. chớ có dừng lại!".