11 Chương 10 - Răng vàng
Trong một quán lẩu ở phố Đông Tứ, thực khách đông kín, hơi nước bốc lên nghi ngút trên những nồi lẩu, tiếng cụng ly chúc tụng vang lên không ngớt. Chúng tôi chọn một bàn trống trong góc khuất, Răng Vàng liên tục rót rượu, tôi nhủ, chắc định chuốc cho mình say rồi moi thông tin đây, liền vội ngăn lại: "Kim gia, cái thứ Nhị Oa Đầu này nặng quá, thằng em đây tửu lượng kém, xin uống bia vậy!"
Vừa ăn vừa trò chuyện, chốc lát chủ đề đã quay lại chuyện đổ đấu, Răng Vàng há miệng ra lấy ngón tay gõ vào cái răng vàng ấy, rồi nói: "Hai ông anh xem, cái răng vàng này tôi mua ở Phan gia viên đấy, nhổ ra trong miệng bánh tông, vàng Phật Lang thời tiền Minh đấy nhé. Tôi không nỡ bán đi, đành tự nhổ răng mình trồng vào đấy chứ."
Thằng cha này cũng thật là, đang bữa cơm mà toàn nói mấy chuyện tởm lợm, càng nghĩ càng thấy buồn nôn, có muốn để người ta ăn nữa không đây, tiếc tiền thì cứ nói thẳng ra cho xong, tôi chuyển chủ đề, nói sang chuyện khác.
Tiền đè tay lũ nô tỳ, nghệ giỏi áp người trong nghề, chúng tôi nói chuyện lan man về nghệ coi mộ huyệt phong thủy, lại kể mấy chuyện hồi làm lính công binh ở núi Côn Luân, Răng Vàng nghe mà cứ tấm tắc khen hay, phục tôi sát đất.
Trước khi bị Quốc dân đảng bắt đi lính, bố Răng Vàng là đồ đệ của một cao thủ đổ đấu họ Sái người Hồ Nam, biết rất nhiều ngón nghề đào mồ trộm mả, nhưng phép tìm mộ huyệt thì chưa học được. Bởi ngay bản thân Sái tiên sinh, sư phụ ông ta, cũng đâu có hiểu thuật phong thủy này. Sau năm Dân quốc thứ mười hai, Lý Ấp Tử, nông dân thành Lạc Dương, mới phát minh ra xẻng Lạc Dương. Trước đấy, xẻng Lạc Dương còn chưa lưu hành, phái trộm mộ của bọn họ chủ yếu là dùng mũi ngửi, để duy trì độ nhạy của mũi, những thứ như đồ cay và bia rượu, họ đều phải kiêng hết.
Người ta dùng xẻng sắt xiên xuống đất rồi rút ra đưa lên mũi ngửi các thứ mùi xẻng xắt mang từ dưới đất lên, ngoài ra còn dựa vào cảm giác ở tay khi đào đất nữa, dưới đất trống rỗng, hay có gỗ, có gạch ngói, cảm giác chắc chắn là khác nhau.
Thực ra cách này cũng na ná như nguyên lý đào đất của xẻng Lạc Dương, chỉ có điều một đằng là dùng mũi ngửi, một đằng là dùng mắt nhìn. Đất mà xẻng Lạc Dương mang lên có thể quan sát rõ thành phần thổ nhưỡng, nếu có mảnh sứ, mảnh vải, miếng gỗ hay vàng bạc đồng chì sắt thiếc hay thủy ngân gì, hay cả đất nện, gạch ngói vân vân, những thứ ấy đều chứng minh dưới đất có mộ huyệt, đồng thời cũng có thể dựa vào các đầu mối ấy ước đoán niên đại cùng kết cấu bố cục của mộ cổ bên dưới.
Có điều thuật ngửi đất kia đến đời Răng Vàng thì đã thất truyền, bố hắn thì hai chân tàn phế, bản thân hắn thì hen suyễn bẩm sinh, vậy nên không làm Mô Kim Hiệu úy nữa. Người làm nghề này thông thường đều thấy không ít đồ thật, hắn chính là dựa vào chút nhãn lực đó mà đi buôn đồ cổ.
Tôi bảo đùa rằng tay nghề của ông tổ nhà anh vẫn hơi thấp, tôi nghe người lớn trong nhà kể chuyện đổ đấu, cao thủ đích thực không cần dùng xẻng sắt hay xẻng Lạc Dương làm gì, toàn cách đần độn cả, người có bản lĩnh chỉ cần đi đến một nơi, nhìn qua một cái là biết ngay dưới đất có mộ cổ hay không, chôn ở vị trí nào, kết cấu ra sao. Phàm nơi nào phong thủy cực tốt, ắt có mộ lớn, người được chôn trong ấy, sinh thời chẳng hạng tầm thường, trong mộ chắc toàn là bảo bối. Đại hành gia chân chính đều coi khinh mấy thứ như xẻng Lạc Dương, bởi nếu đất đai không đủ khô ráo, hiệu quả cũng giảm đi rõ rệt, đặc biệt là ở vùng Giang Nam trù phú, lượng mưa nhiều, hàng bao mộ cổ đều chìm ngập trong nước ngầm, tầng đất ở chỗ ấy đã bị xối cho nát be nát bét ra rồi.
Răng Vàng nghe tôi khua môi múa mép một hồi thì lại càng sùng bái: "Bác Nhất à! Em phục bác rồi, vẫn có câu gì ấy nhỉ, sớm nghe đạo chiều chết được rồi vậy, được nghe cao luận của bác, coi như em đã không uổng sống đến chừng này tuổi. Nhân tài vừa hiểu thuật phong thủy, lại từng làm công binh, hiểu biết về thổ mộc công trình như bác đây, thật đúng là chỉ có thể gặp mà chẳng thể cầu, có bản lĩnh như bác mà không làm Mô Kim Hiệu úy thì tiếc lắm!"
Tôi lắc đầu: "Chuyện thất đức ấy, tôi không muốn làm, những điều tôi nói vừa nãy đều nghe nội tôi kể đó thôi, ông cụ năm xưa cũng từng làm Mô Kim Hiệu úy, kết quả là gặp phải bánh tông bự, suýt nữa đền mạng đấy."
Răng Vàng nói nguy hiểm chắc chắn là có, nhưng thủ vài cái móng lừa đen vào mình là yên tâm ngay, vả lại vẫn có câu trộm cũng có đạo, cái tiếng đổ đấu không được tốt cũng đều do cái bọn trộm vặt hạ lưu làm hỏng thôi, cái ngữ chúng nó căn bản đâu phải người trong nghề, không biết quy củ, chỗ nào cũng phá hoại sao người ta không căm cho được? Lịch sử của nghề đổ đấu này truy nguyên ra, e cũng không dưới ba ngàn năm, xưa kia từ thời Tam Quốc, Tào Tháo có một đám quân chuyên đi đào lấy của cải trong mộ cổ để sung quân phí, thế nên chúng ta mới gọi nghề này là làm Mô Kim Hiệu úy.
Trước giải phóng, nghề đổ đấu cả thảy phân ra làm bốn lưu phái Đông Tây Nam Bắc, đến những năm 80, nhân tài rơi rụng, đã chẳng còn lại được mấy người, vài người sót lại cũng đều rửa tay gác kiếm chẳng làm nữa rồi. Đám ranh bây giờ toàn lũ trai làng nhàn hạ, kéo bè kéo lũ đi đào mồ quật mả, nào có biết các quy định "hai không lấy một", "ba hương ba lạy thổi đèn mò vàng" của nhà nghề, ôi, biết bao đồ quý giá đều bị hủy hoại trên tay chúng cả.
Răng Vàng cảm khái một hồi, đoạn lại nói với chúng tôi: "Thằng em đây cắm ở Phan gia viên chơi mấy món này bao năm rồi, hai ông anh sau này có thứ gì hay, em có thể phụ trách liên lạc bên mua, giá cả hai ông anh cứ tự bàn bạc, nếu thành thì cho em ít hoa hồng là được rồi!"
Tuyền béo cứ mải ăn uống, lúc này cũng đã khá no, bỗng nhiên nhớ ra điều gì, liền lấy miếng ngọc trong người đưa cho Răng Vàng giám định xem được bao nhiêu tiền.
Răng Vàng coi một lúc, lại đưa lên cánh mũi ngửi vài phát, phán rằng: "Anh Béo, miếng ngọc của bác là ngọc tốt đấy, chí ít cũng không dưới ngàn năm lịch sử đâu, ừm... khả năng còn sớm hơn nữa, có lẽ là trước cả thời Đường. Chữ viết phía trên không phải chữ Hán, là gì thì thằng em cũng không nhìn ra được, nhưng chắc chắn đáng giá không ít đâu, nhưng trước khi định được giá cụ thể thế nào, ông anh giữ lại chứ đừng ra tay sớm quá, kẻo lỗ lớn đấy. Miếng ngọc này sao ông anh lại có vậy?"
Nhắc đến lịch sử gia đình, Tuyền béo liền trở nên hứng khởi: "Lai lịch của miếng ngọc này à, kẻ ra thì dài lắm. Thôi tôi cứ kể vắn tắt thế này, miếng ngọc này à, kể ra thì dài lắm. Thôi tôi cứ kể vắn tắt thế này, miếng ngọc này bố tôi được ông bạn hồi tham gia cuộc bạo động Hoàng Ma tặng cho, ông bạn bố tôi bấy giờ là thủ trưởng đứng đầu bộ tư lệnh quân dã chiến, lúc mang quân vào Tân Cương, đội quân của ông ta gặp phải một nhóm thổ phỉ, bọn này cũng thật là muốn chết, quân cảnh vệ hộ tống lãnh đạo cấp cao nhất của quân giải phóng lẽ nào toàn ăn cơm không? Chẳng đến năm sáu phút, hơn trăm tên thổ phỉ đã bị tiêu diệt sạch, khi thu dọn chiến trường, quân lính phát hiện ra miếng ngọc này trên người tên đầu sỏ, ông ta liền lấy luôn làm quà lưu niệm đem tặng bố tôi. Còn chuyện trước đó của nó thế nào, thì tôi cũng không rõ lắm."
Chúng tôi cứ thế ăn nhậu cho đến hơn mười hai giờ đêm mới rã đám, trước lúc ra về, Răng Vàng tặng cho hai chúng tôi mỗi người một món đồ cong như móc câu, dài hơn một tấc, đen bóng cứng nhắc, bên trên còn khắc hai chứ Triện, xem dạng chữ thì có lẽ là hai chữ "Mô Kim". Món đồ này niên đại xa xưa, chắc là cổ vật, một đầu bị đục lỗ, luồn dây đỏ qua, có thể đeo lên cổ làm đồ trang sức. Răng Vàng nói: "Anh em mình mới gặp mà như quen biết từ lâu, hai chiếc bùa hộ mệnh làm bằng vuốt con tê tê này, hai bác cứ giữ làm kỷ niệm, khi nào rảnh rỗi thì đến Phan gia viên tìm thằng em, "nước trôi đi mãi, non còn đứng trông", anh em ta còn gặp lại nhiều."
Tôi và Tuyền béo quay về căn phòng nhỏ thuê ở gần Sùng Văn môn, vì uống quá nhiều, đặt lưng xuống là hai thằng nằm mê mệt luôn đến giữa trưa hôm sau.
Sau khi tỉnh giấc, nằm trên giường nhìn trần nhà thấp lè tè, tôi đã nghĩ ngợi rất nhiều, cái nghề trộm mộ này, đối với tôi thực ra chẳng lấy gì làm lạ, tôi chắc mình sẽ tìm được một số lăng mộ lớn. Tiền chẳng phải thứ quan trọng nhất với tôi, có thể nói tôi chẳng bận tâm là có tiền hay không, nhưng cuộc sống luôn đầy rẫy những mâu thuẫn, tôi của ngày hôm nay lại quá cần đến tiền.
Bố mẹ đều được nhà nước cấp dưỡng, tôi không có gánh nặng gia đình, tôi no thì cả nhà cũng chẳng ai chết đói, nhưng những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường thì sao, cha mẹ họ có ai phụng dưỡng, săn sóc? Tiền khám bệnh uống thuốc, tiền học phí của em gái, em trai họ, dựa vào mấy đồng tiền tuất còn chẳng đủ mua lấy con cá gỗ.
Trên chiến trường, hình như ngoài tôi ra, ai cũng có lý do để tuyệt đối không thể chết, nhưng kẻ sống sót cuối cùng lại là tôi, cái mạng này của tôi được đổi lại bởi chính mạng sống của hàng bao chiến hữu, giờ tôi phải làm gì cho họ đây?
Lúc này, Tuyền béo cũng tỉnh, dụi dụi hai con mắt, thấy tôi ngây ra nhìn lên trần nhà, liền nói: "Này Nhất! Cậu đang nghĩ gì thế? Thực ra cậu không nói tớ cũng biết, tối qua nghe mấy lời thằng cha răng vàng nói nên giờ động lòng chứ gì? Tớ cũng thấy ngứa ngáy lắm, anh em mình rốt cuộc thế nào, tớ chờ nghe một câu của cậu thôi đấy!"
Tôi lấy chiếc bùa hộ mệnh Răng Vàng tặng ra: "Tuyền béo này! Cậu chớ coi thằng cha ấy là người tốt, nó cũng là con buôn thôi, có ăn mới nhúng tay vào. Cái móng vuốt này, các Mô Kim Hiệu úy, thuộc hạ của Tào Tháo thời Tam Quốc vẫn thường đeo, thứ quý giá như vậy lẽ nào lại tặng anh em mình dễ thế? Nó biết tỏng bản lĩnh của chúng ta rồi, định kiếm chút lợi lộc từ đó đây."
Tuyền béo bực mình: "Khốn nạn! Sớm biết bợm chẳng tốt đẹp gì, lát ông đến Phan gia viên bẻ phăng cái răng ********** của bợm, ông quăng hố xí!"
Tuy nói vậy, nhưng chúng tôi bàn bạc, thấy vẫn nên lợi dụng nhau thì hơn, tạm thời chưa trở mặt với thằng cha ấy vội, tôi có một khuyết điểm là quá bộp chộp, làm việc không nghĩ mấy tới hậu quả, thấy con đường trộm mộ này có thể đi được, Mao chủ tịch nói bất kỳ sự việc gì trên thế giới này đều có hai mặt, việc tốt có thể biến thành việc xấu và ngược lại, đó chính là phép biện chứng.
Trong lăng mộ của các bậc đế vương khanh tướng có vô số của cải báu vật, nhưng có thể nói những thứ ấy chỉ thuộc về chủ mộ thôi hay sao? Chẳng phải đều bóc lột của nhân dân hay sao, của lấy từ dân, theo lẽ phải dùng cho dân, sao có thể để chúng vĩnh viễn ngủ yên dưới đất với đám xương khô ấy được. Muốn làm gì thì phải làm lớn, lăng mộ trong dân gian cũng chẳng nhằm nhò gì, đa số là chẳng có gì đáng tiền, vả lại thó đồ của nhân dân thì tổn hại âm đức lắm.
Tôi từng nghe ông nội giảng về quy củ của Mô Kim Hiệu úy, khác hẳn với bọn giặc trộm mộ. Bọn ấy toàn một lũ khó chơi bời, thó bừa, xuống tay quá tuyệt tình, mặc xác ông là trung thần hay lương tướng, kệ thây ông là quan lại hay dân đen, bới được ông nào xơi ông ấy, chẳng có quy củ gì, mà có thì cũng chỉ là mấy tên nông dân tự nghĩ ra, căn bản chẳng ra thể thống gì.
Mô Kim Hiệu úy lại khác,phàm là khai quật mộ lớn, họ đều phải thắp một cây nến bên trong địa cung của hầm mộ, đặt ở góc đông nam. Sau đó mới mở quan tài "mô kim", vật quý giá nhất của người chết, luôn mang trên người, một số mộ chủ là bậc vương hầu trở lên, miệng đều ngậm ngọc châu, mình đắp vàng ngọc, trước ngực còn có ngọc hộ tâm,trong tay chắp ngọc như ý, thậm chí cả hậu môn cũng được nhét bảo thạch. Lúc động thủ, không được làm tổn hại đến di hài người chết, phải nhẹ nhàng sờ nắn từ đỉnh đầu đến gót chân, sau cùng nhất quyết phải để lại cho người chết vài món bảo vật, trong lúc đó, nếu như ngọn nến ở góc đông nam hầm mộ bị tắt, thì phải trả ngay những thứ cầm được về chỗ cũ, kính cẩn rập đầu ba lạy, rồi men theo đường cũ mà chuồn ra.
Bởi theo truyền thuyết thì trong một số ngôi mộ có hồn ma, còn vì sao những hồn ma ấy không vào cõi luân hồi, cứ ở trong mộ cả trăm năm ngàn năm thì khó mà giải thích được, rất có thể là vì không nỡ rời xa sự vinh hoa phú quý khi còn sống, chết rồi vẫn ngày ngày trông coi đống của cải, gặp phải chủ mộ yêu của hơn mạng như vầy, thì chớ có gượng cướp đồ của nó.
Cuối cùng, tôi với Tuyền béo quyết định, đã thế dứt khoát làm Mô Kim Hiệu úy cho xong, cái gì mà tự vấn lương tâm, thì cứ coi như bị chó nó ăn hết lương tâm rồi đi, mà không, chỉ bị sen hết một nửa thôi, à... mà vẫn không đúng. Cứ thử nhìn từ một góc độ khác xem, giờ là thập niên tám mươi rồi, chẳng phải đều kêu gọi cống hiến đó sao? Giờ cũng đã đến lúc để bọn vương công quý tộc bóc lột nhân dân lao động kia cống hiến chút ít rồi. Nhưng cái bọn ma quỷ ấy giác ngộ kém lắm, chẳng mong chúng tự bò ra cống hiến đâu, mấy việc này, thôi để chúng tôi lo giúp vậy, vòi tiền bọn giai cấp phong kiến thống trị, thu dọn từng cái đĩa bạc âu vàng, phân chia ruộng đất, kể ra công việc cũng không mấy rảnh rang.
Phương hướng chiến lược đã xác định, mục tiêu chiến thuật cụ thể và thực hiện ra làm sao còn cần phải bàn bạc kỹ lưỡng.
Ba vùng Hà Nam, Hồ Nam, Thiểm Tây là nơi phong trào trộm mộ thịnh nhất, mộ cổ không dễ tìm, vả lại nơi đông người thì hành sự bất tiện, ngoài ra còn phải che giấu bằng việc cày cấy, lợp nhà, muốn làm thì tốt nhất đến những nơi rừng sâu núi thẳm, vắng dấu chân người mà làm.
Nếu nói đến rừng sâu núi thẳm, xét trong những ngôi mộ lớn mà tôi từng gặp, chắc chắn phải xếp ngôi ở núi Tim Trâu đứng hàng đầu, hồi lên núi về nông thôn ấy tôi hẵng còn quá trẻ, chẳng hiểu biết gì, dựa vào sự từng trải của tôi hiện nay mà phán đoán, ngôi mộ ấy có lẽ trước thời Bắc Tống, thời thịnh Đường, đa số chuộng lấy núi làm lăng, nếp ấy kéo dài cho đến tận đầu thời Tống, sau thời Nam Tống, quốc lực dần suy vi, từ ấy chẳng còn lăng mộ hoàng gia nào dám làm công trình lớn như vậy nữa.
Tuyền béo hỏi: Chẳng phải cậu bảo trong núi Tim Trâu có ma đấy ư? Tìm chỗ nào không có ma mà làm, anh em ta đối phó với người rừng hay gấu chó cũng chẳng sao, nhưng gặp phải ma thì chẳng biết nên ra tay thế nào đâu đấy nhé!"
Tôi bảo: "Thứ nhất, trên đời này không có ma, những gì lần trước tớ nói với cậu có thể chỉ là ảo giác do sốt cao; thứ hai, đây là lần đầu tiên mình hành động, không nhất thiết phải vào núi. Cậu còn nhớ ở làng Yến Tử có rất nhiều nhà cổ vật không? Mình cứ lên thu mua lấy vài cái mang về bán đã, đỡ phải tốn sức đắn đo làm gì."
Ngày hôm ấy, chúng tôi chia nhau chuẩn bị, Tuyền béo đi xử lý hết đống băng cát xét tồn đọng, còn tôi đi chợ đồ cũ mua một số dụng cụ cần thiết như đèn pin, găng tay, khẩu trang, nến, dây thừng, bình nước... Cái làm tôi sướng ngất ngây chính là mua được hai chiếc xẻng công binh của Đức, tôi cầm xẻng trong tay, cảm giác cứ như gặp lại bạn cũ vậy.
Loại xẻng công binh này vốn dĩ được trang bị cho sư đoàn đột kích vùng núi của Đức trong thế chiến thứ hai, sau bị quân Liên Xô đoạt được rất nhiều, hồi quan hệ Trung - Xô còn hữu hảo, một phần đã được mang vào lãnh thổ Trung Quốc. Xẻng công binh của Đức rất tiện, nhẹ có thể gấp lại treo ở thắt lưng, hơn nữa chất thép rất tốt, đừng nói là chỉ có đào đất phạt đá, đến khi nguy cấp, có thể dùng làm binh khí, vung một cái là có thể chém phăng nửa cái đầu của kẻ thù như chơi.
Chỉ tiếc một điều là không mua được mặt nạ phòng độc, năm xưa hồi cả nước tiến hành "ba phòng chống", dân chúng cũng được phân phát không ít mặt nạ phòng độc loại Sáu Không, thỉnh thoảng vẫn thấy bán ở chợ đồ cũ, nhưng hôm nay hơi xui nên không mua được, đành để tính sau vậy. Ngoài ra còn thiếu một số thứ, những thứ ấy đợi đến trại Cương Cương chuẩn bị sau vậy.
Tổng cộng tiêu hơn một nghìn năm trăm tệ, chủ yếu là vì hai chiếc xẻng quá đắt, sáu trăm tệ một chiếc, giá như cắt cổ. Cuối cùng trên người tôi chỉ còn lại sáu tệ, vậy không ổn, hết tiền mua vé tàu rồi?
Cũng may Tuyền béo bán tống bán tháo hết đống băng cát xét, trả lại phòng trọ, bán nốt chiếc xe xích lô, cộng lại cũng hòm hòm được tiền lộ phí. Hai thằng ra mua vé tàu luôn trong đêm, năm xưa khi rời nơi ấy tôi còn chưa đầy mười tám, giờ mười mấy năm không quay lại rồi, cứ nghĩ sắp được thấy lại bà con đã nhiều năm không gặp, chúng tôi thấy hơi xúc động trong lòng.