Trở về truyện

Liêu trai chí dị - Chương 35 - Nói Đùa, Tưởng Thật

Liêu trai chí dị

35 Chương 35 - Nói đùa, tưởng thật

Mã anh hoa hạ trúc ly tà

Mộng cảnh tầm lai lộ bất soa

Tái đắc mỹ nhân giang thượng khứ

Cựu đình nhiêu xứ lãng như hoa

Huyện Ðại Danh, tỉnh Hà Bắc, có nho sinh họ Vương, tên Quế Am, hai mươi lăm tuổi, còn độc thân, dòng dõi thế tộc. Song thân mất sớm, để lại một gia tài khá lớn. Sinh thời, thân phụ là bạn thâm giao với quan thái bộc họ Từ ở thủ phủ Chấn Giang, tỉnh Giang Tô.

Năm ấy, một hôm Quế Am có việc phải xuống Hà Nam, ra bờ sông Ðại Danh thuê thuyền thủy hành. Khi thuyền cập bến Hà Nam, Quế Am mở bọc lấy tiền trả chủ thuyền rồi xách bọc lên mui. Ðảo mắt nhìn quanh, thấy quang cảnh ở bến thực là náo nhiệt, trên bộ thì người đông như kiến, chen vai thích cánh, dưới nước thì thuyền tựa lá tre, san sát liền nhau. Chợt thấy ở thuyền bên có một nữ lang đang ngồi cặm cụi thêu giày, Quế Am thầm nghĩ chắc là con gái chủ thuyền, bèn liếc mắt nhìn sang. Thấy nữ lang có nhan sắc vô cùng diễm lệ, Quế Am động tâm, đứng nhìn không chớp mắt. Nữ lang cũng biết là ở thuyền bên có người đang đứng nhìn mình, nhưng cứ giả vờ như chẳng biết. Quế Am bèn cất giọng ngâm bài Gái Lạc Dương thêu giày trong cổng của một thi sĩ đương thời, cốt để nữ lang nghe tiếng. Biết người ấy ngâm thơ ghẹo mình, nữ lang chỉ ngửng đầu liếc nhìn rồi lại cúi xuống cặm cụi thêu giày. Bắt gặp cái nhìn của nữ lang, Quế Am bủn rủn chân tay, tâm thần mê mẩn. Lát sau, khi đã định thần, Quế Am mở bọc lấy một đĩnh vàng, ném sang cạnh nữ lang. Nữ lang nhặt lấy, ném lên bờ, tựa hồ như chẳng biết đó là vàng. Quế Am vội lên bờ nhặt lại, rồi xuống thuyền, mở bọc lấy một xuyến vàng ném sang. Lần này, nữ lang cứ lờ đi, coi như chẳng biết. Quế Am còn đang nghĩ cách làm cho nữ lang phải chú ý tới mình thì bỗng thấy một ông lão từ trên bờ bước xuống thuyền nữ lang. Thầm đoán ông lão là thân phụ của nữ lang, Quế Am lại lo rằng ông lão sẽ nhìn thấy chiếc xuyến. Còn đang nghĩ cách đối phó với cảnh tình bất lợi, bỗng Quế Am thấy nữ lang lấy một đôi giày thêu đặt phủ lên chiếc xuyến. Quế Am mừng quá, trong bụng cứ thầm cám ơn nữ lang. Bỗng thấy ông lão nhổ neo, lái thuyền lên hướng bắc, Quế Am cứ đứng thẫn thờ nhìn theo. Lát sau, như sực nhớ ra điều gì, Quế Am vội chạy vào khoang nói với chủ thuyền. Chủ thuyền liền cho thuyền đuổi theo thuyền ông lão song vì thuyền ông lão lướt nhanh quá, chủ thuyền đành phải quay lại.

Thu xếp xong công việc, Quế Am thuê thuyền ngược bắc. Về nhà, hình bóng giai nhân cứ ám ảnh tâm trí suốt ngày đêm, kể cả lúc ăn lúc ngủ. Quế Am cố công dò hỏi tin tức của giai nhân song chẳng được tin tức gì.

Năm sau. Một hôm có việc lại phải xuống Hà Nam, Quế Am quyết tâm đem theo nhiều tiền bạc để ở lại lâu ngày hầu tìm kiếm giai nhân. Thu xếp xong công việc, Quế Am mua hẳn một chiếc thuyền, thả neo ở bến để cư ngụ. Hàng ngày, Quế Am chỉ ngồi quan sát thuyền bè ngược xuôi qua bến, cầu Trời khấn Phật cho mình được gặp lại giai nhân. Nửa năm sau, Quế Am thuộc lòng từng cột buồm, từng mái chèo của mỗi con thuyền xuôi ngược song vẫn chưa dò hỏi được tin tức của giai nhân. Nửa năm sau nữa, tiền lưng đã cạn, Quế Am đành phải thuê người lái thuyền ngược bắc. Về nhà, Quế Am cứ thẫn thờ như kẻ mất hồn, suốt ngày thở vắn than dài, chẳng lúc nào quên được hình bóng giai nhân.

Một đêm, Quế Am thả bộ dọc theo một bờ sông lạ, rồi quá bước, lạc vào một tiểu thôn. Ði qua mấy ngôi nhà quay mặt về hướng bắc, Quế Am thấy một cổng gỗ quay mặt về hướng nam, trong có treo một bức rèm trúc. Ðưa mắt nhìn qua rèm, Quế Am thấy một vườn hoa. Nghĩ rằng đó là công viên, Quế Am bước vào coi thì thấy vườn trồng toàn cây mã anh, tơ hồng giăng đầy cành. Thấy hiện cảnh giống hệt phong cảnh trong bài Cây mã anh trồng trong cổng gỗ của một thi sĩ đương thời, Quế Am thầm nghĩ chắc tác giả bài thơ ấy đã phải đặt chân tới nơi đây rồi! Bước vào trong, Quế Am thấy ở cuối vườn có một hàng rào lau sậy. Băng qua hàng rào, Quế Am thấy một ngôi nhà ba gian, cũng quay mặt về hướng nam, cửa đóng im lìm. Quế Am bèn bước tới bụi chuối ở đầu hồi phía đông, lén dòm qua cửa sổ. Thấy trong phòng có một giá áo trên có treo một chiếc quần thêu, Quế Am biết là phòng ngủ của phụ nữ nên kinh hãi quá, vội quay người trở ra. Ðang dợm bước bỏ đi, bỗng Quế Am nghe có tiếng mở cửa, rồi thấy một nữ lang, điểm trang sơ sài, từ trong phòng chạy ra, đảo mắt nhìn quanh, tựa hồ như để tìm kiếm kẻ dòm lén. Nhận ra nữ lang chính là giai nhân ở bến Hà Nam hai năm về trước, Quế Am mừng quá, vội chắp tay vái chào, nói:"Bấy lâu nay, tiểu sinh vẫn dò hỏi tin tức của nương tử song chẳng được tin tức gì! Bữa nay tình cờ lại được gặp nương tử ở nơi đây! Nương tử có nhận ra tiểu sinh chăng?" Còn đang chờ câu trả lời của giai nhân, bỗng Quế Am thấy ông lão lái thuyền năm xưa từ vườn bước vào sân. Kinh hãi quá, Quế Am tỉnh giấc, biết là mình nằm mộng. Tiếc giấc mộng, Quế Am lại nhắm mắt ngủ, hy vọng được thấy lại mộng cảnh cũ, song chẳng thấy gì. Tuy nhiên, Quế Am vẫn tin rằng giấc mộng là một điềm báo trước, cho mình biết sắp được gặp lại giai nhân. Quế Am giấu kín câu chuyện nằm mộng, chẳng dám thuật cho ai nghe, vì tin rằng nếu có người khác biết thì giấc mộng sẽ chẳng thể thành sự thực.

Năm sau. Một hôm Quế Am có việc phải đi Chấn Giang. Tới nơi, vào quán trọ, Quế Am viết thiếp trình với Từ thái bộc rằng mình vừa tới Chấn Giang và khất rằng sau khi thu xếp xong công việc, sẽ xin tới thăm thái bộc. Sau đó, Quế Am thuê người đưa thiếp tới nhà thái bộc. Thái bộc nhận được thiếp thì mừng lắm, vội sai gia nhân tìm tới quán trọ, mời Quế Am năm hôm nữa, tới nhà mình dự tiệc vào buổi trưa. Quế Am nhờ gia nhân về trình lại với thái bộc rằng mình sẽ xin tuân lệnh. Mới được ba hôm, Quế Am đã thu xếp xong công việc nên phải lưu lại quán trọ để chờ ngày tới thăm thái bộc.

Ðúng ngày, Quế Am dậy sớm sửa soạn y phục rồi cưỡi ngựa tới nhà thái bộc. Vì còn sớm, Quế Am buông cương cho ngựa bước tự do. Lát sau, ngựa lạc vào một tiểu thôn. Thấy hiện cảnh phảng phất như mộng cảnh năm ngoái, Quế Am bèn rong ngựa tới chiếc cổng gỗ bỏ ngỏ thì thấy trong cổng có treo một bức rèm trúc. Ðưa mắt nhìn qua rèm thì thấy có một vườn trồng toàn cây mã anh. Vừa kinh ngạc, vừa hồi hộp, Quế Am bèn rong ngựa vào vườn. Thấy ở cuối vườn có hàng rào lau sậy với ngôi nhà ba gian như trong mộng cảnh, Quế Am càng tin rằng giấc mộng năm ngoái là một điềm báo trước. Quế Am bèn xuống ngựa, dắt qua hàng rào, buộc ở góc sân, rồi bước tới đầu hồi phía đông, lén dòm qua cửa sổ. Thấy một nữ lang đang ngồi điểm trang ở trong phòng, Quế Am định thần nhìn kỹ thì thấy chính là giai nhân ở bến Hà Nam ba năm về trước. Giai nhân biết có kẻ dòm lén, bèn lớn tiếng, quát:"Kẻ kia là ai mà dám tự tiện xông vào nhà người ta như thế?" rồi đứng dậy, chạy ra sập cửa sổ xuống. Quế Am hoang mang chẳng biết là mình đang tỉnh hay mơ, song cũng đáp:"Nương tử chẳng nhận ra kẻ đã ném xuyến sang thuyền nương tử ba năm về trước hay sao?" Vừa dứt lời, Quế Am liền nghe thấy tiếng giai nhân vọng lại:"Ủa! Thế ra công tử là người ở bến Hà Nam năm nọ đó ư? Công tử đi đâu mà lại lạc vào đây?" Ðáp:"Tiểu sinh cưỡi ngựa đi thăm một người quen, chẳng dè lại lạc vào đây! Thấy hiện cảnh giống mộng cảnh năm ngoái nên tiểu sinh mới đánh bạo vào đây để tìm nương tử!" Hỏi: "Quý tính là chi?" Ðáp: "Họ Vương, tên Quế Am" Hỏi: "Quý quán ở đâu?" Ðáp: "Huyện Ðại Danh, tỉnh Hà Bắc" Hỏi: "Lệnh tôn làm gì?" Ðáp: "Gia phụ trước kia làm triều quan, song nay đã thất lộc" Hỏi: "Lệnh đường còn tại thế không?" Ðáp: "Gia mẫu mất đã từ lâu!" Nói: "Công tử là con nhà quan thì muốn tìm gặp bao nhiêu người đẹp mà chẳng được, cần chi phải tới đây tìm gặp thiếp?" Ðáp: "Nương tử lầm rồi! Nếu chẳng phải là vì nương tử mà bị đau khổ từng giờ từng phút trong suốt ba năm qua thì tiểu sinh đã lập gia thất từ lâu rồi!" Nói: "Thiếp nói thế thôi, chứ thiếp cũng biết là công tử có cảm tình với thiếp! Năm xưa, thoáng thấy tướng mạo công tử, thiếp đã đoán là người chung thủy. Vì thế, thiếp tin là thế nào rồi công tử cũng sẽ tìm gặp thiếp. Gần đây, có mấy người tới làm mai, cha thiếp hỏi ý, thiếp đều từ chối! Giờ đây, nghe giọng nói chân thành của công tử, thiếp lại càng tin là mình đoán đúng!" Hỏi: "Chiếc xuyến năm xưa, nương tử còn giữ không?" Ðáp:"Vẫn còn đây!" Hỏi:"Song thân nương tử đâu?" Ðáp:"Gia mẫu mất rồi, còn gia phụ thì đi vắng. May mà hôm nay gia phụ sang thăm bên ngoại chứ người mà ở nhà thì chắc là rắc rối to!" Hỏi:"Tiểu sinh muốn được kết nghĩa phu thê cùng nương tử, chẳng hay ý nương tử thế nào?" Ðáp: "Nếu công tử nhờ bà mối tới đây thưa chuyện cùng gia phụ để người hỏi ý thiếp thì thiếp sẽ xin vâng. Còn nếu công tử muốn thiếp bỏ nhà trốn theo công tử thì thiếp chẳng thể nào vâng lời được!" Hỏi: "Nương tử có thể thưa lại việc này với lệnh tôn chăng?" Ðáp: "Chẳng thể được! Thôi, công tử về đi, kẻo gia phụ về bất thần thì thiếp chẳng biết phải ăn nói làm sao!" Vì sung sướng quá, Quế Am đâm ra nể sợ giai nhân, nên khi thấy giai nhân giục về, Quế Am vội tuân lệnh, tháo ngựa cưỡi đi, quên bẵng những điều mình định hỏi. Bỗng giai nhân gọi giật lại:"Vương công tử!" Quế Am liền dừng cương, hỏi: "Nương tử muốn dạy bảo điều chi?" Giai nhân hỏi lại: "Công tử đã biết tên thiếp chưa?" Lúc đó Quế Am mới như người tỉnh mộng, đáp: "Chưa! Ðột nhiên tâm trí tiểu sinh bị u mê, chẳng còn nhớ là định hỏi nương tử những điều gì nữa!" Giai nhân nói:"Tên thiếp là Vân Nương!" Quế Am nhẩm kỹ rồi lại dợm cưỡi ngựa đi. Giai nhân lại hỏi: "Thế công tử đã biết họ tên gia phụ chưa?" Ðáp: "Cũng chưa!" Nói: "Gia phụ họ Mạnh, tên Giang Ly!" Quế Am lại nhẩm kỹ rồi cưỡi ngựa ra đi.

Tới nhà thái bộc, Quế Am buộc ngựa ở ngoài cổng rồi vào trình diện. Thái bộc vồn vã đón tiếp, giới thiệu với trưởng nam Từ Ðại, rồi hỏi thăm về gia cảnh. Lát sau, thái bộc bảo Quế Am cùng nhập tiệc với mình và Từ Ðại. Vì Quế Am đang để tâm trí tận đâu đâu nên trong tiệc, thái bộc và Từ Ðại hỏi câu gì thì Quế Am trả lời câu ấy chứ chẳng hề khơi chuyện trước. Thấy thế, thái bộc cho rằng Quế Am là người ít nói. Tiệc vừa tan, Quế Am đã vội đứng dậy xin cáo biệt. Cha con thái bộc bèn tiễn Quế Am ra về.

Dọc đường về, khi cưỡi ngựa qua nhà Mạnh ông, Quế Am thầm nghĩ chắc giờ này Mạnh ông đã về nên chỉnh lại y phục rồi ghé vào xin gặp. Mạnh ông đang ngồi trong phòng khách, chợt thấy một công tử ăn mặc sang trọng bước vào nhà, bèn chạy ra hỏi: "Công tử là ai?" Quế Am đáp: "Thưa lão trượng tiểu sinh là một học trò ở huyện Ðại Danh, tỉnh Hà Bắc, họ Vương, tên Quế Am! Hôm nay, tiểu sinh mạo muội tới đây để xin được thưa chuyện cùng lão trượng!" Thấy người phong nhã, ăn nói lễ độ, Mạnh ông bèn mời vào phòng khách. Sau một tuần trà, Mạnh ông hỏi:"Công tử có chuyện chi muốn nói?" Ðáp: "Thưa lão trượng, cách đây hơn ba năm, một hôm tình cờ tiểu sinh được nhìn thấy lệnh ái ngồi thêu giày trên một chiếc thuyền đậu ở bến Hà Nam. Tiểu sinh chưa tìm được cách cầu thân với lệnh ái thì lão trượng đã cho thuyền ngược bắc. Trong suốt ba năm qua, tiểu sinh vẫn để tâm dò hỏi nơi cư trú của lão trượng song chưa dò hỏi được! Nay có việc phải tới Chấn Giang, tình cờ tiểu sinh được biết lão trượng cư trú ở nơi đây. Vì tiểu sinh chưa lập gia thất nên hôm nay tiểu sinh mạo muội tới đây để xin lão trượng nhận cho tiểu sinh được làm tế tử trong nhà!" Hỏi: "Công tử có thể cho lão phu biết lệnh tôn là ai chăng?" Ðáp: "Thưa lão trượng, gia phụ trước kia làm triều quan, song nay đã thất lộc!" Hỏi: "Thế còn lệnh đường?" Ðáp: "Thưa lão trượng, gia mẫu mất đã từ lâu!" Rồi Quế Am đứng bật dậy, nói: "Xin lão trượng cho phép tiểu sinh được ra lấy sính lễ đem vào!" Mạnh ông vội ngăn lại, nói: "Xin công tử cảm phiền, lão phu mới nhận gả tiện nữ cho người khác rồi!" Nghe thấy thế, Quế Am choáng váng mặt mày, cứ đứng ngây người như tượng gỗ. Lát sau, như tỉnh cơn mê, Quế Am chẳng biết nói chi thêm, đành chắp tay vái chào Mạnh ông, xin phép được ra về. Mạnh ông bèn tiễn chân ra cổng.

Về quán trọ, Quế Am cứ thắc mắc chẳng hiểu lời nói của Mạnh ông là thực hay hư. Vì thế, Quế Am cứ trằn trọc suốt đêm, chẳng sao ngủ được. Chợt nghĩ có thể là vì mình đường đột tới nhà, chẳng nhờ người mối lái, làm Mạnh ông tức giận mà từ chối khéo chăng, Quế Am lại cảm thấy còn hy vọng, tinh thần phấn khởi. Quế Am bèn nằm suy nghĩ xem mình nên nhờ ai làm mối. Thoạt tiên, thấy ở Chấn Giang, ngoài Từ thái bộc, mình chẳng quen ai, Quế Am nảy ý muốn nhờ thái bộc. Nhưng rồi, lại sợ thái bộc cười là con nhà thế tộc mà đi hỏi cưới con nhà chủ thuyền, Quế Am lại ngập ngừng. Rồi lại tự nhủ nếu chẳng nhờ thái bộc thì biết nhờ ai? Cuối cùng Quế Am quyết tâm tới nhờ thái bộc.

Sáng sau, Quế Am dậy sớm sửa soạn y phục, rồi cưỡi ngựa tới nhà thái bộc. Tới nơi, Quế Am trình bày câu chuyện Vân Nương với thái bộc, rồi thưa:"Thưa thế phụ, vì gia nghiêm mất sớm nên tiểu điệt xin thế phụ thay gia nghiêm mà lo giùm việc trăm năm cho tiểu điệt!" Thái bộc hỏi:"Thế thân phụ của Vân Nương là ai?" Ðáp: "Thưa thế phụ, là Mạnh ông, húy Giang Ly!" Thái bộc giật mình, nói: "Tưởng là ai chứ Mạnh Giang Ly thì là chỗ ngoại thích của ta! Hiền điệt muốn làm rể nhà ấy thì để ta nói cho!" Hỏi: "Thưa thế phụ, Mạnh ông có liên hệ ra sao với thế phụ?" Ðáp: "Tổ phụ của Giang Ly là bào đệ của tổ mẫu ta" Rồi tiếp: "Sao chẳng nói với ta từ trước mà lại đường đột tới nhà Giang Ly cho sinh chuyện?" Ðáp: "Vì tiểu điệt sợ thế phụ cười là con nhà thế tộc mà đi hỏi cưới con nhà chủ thuyền!" Nghe thấy thế, thái bộc bỗng tỏ vẻ hoài nghi, nói: "Chẳng biết Giang Ly mà hiền điệt nói đây có phải là ngoại thích của ta không vì trong thiên hạ thiếu gì người trùng tên trùng họ! Ngoại thích của ta tuy nghèo thực song có làm nghề chủ thuyền bao giờ đâu? Hay là hiền điệt có lầm chăng? Thôi, để ta thử cho người tới hỏi xem sao!" Rồi gọi trưởng nam lên, dặn dò cặn kẽ mọi điều, sai tới nhà Mạnh ông.

Từ Ðại vâng lệnh cha, cưỡi ngựa tới nhà Mạnh ông. Nhận ra Mạnh ông đúng là người cậu họ của mình, Từ Ðại bèn chắp tay vái chào rồi lên tiếng: "Thưa cữu phụ, gia phụ sai tiểu điệt tới đây để hỏi xem cữu phụ đã nhận gả Vân muội cho ai chưa?" Mạnh ông đáp: "Chưa! Song quan thái bộc hỏi để làm chi?" Từ Ðại đáp: "Thưa cữu phụ, gia phụ muốn xin cữu phụ gả Vân muội cho con của một người bạn gia phụ!" Hỏi: "Công tử ấy tên chi?" Ðáp: "Thưa cữu phụ, tên Quế Am, họ Vương!" Hỏi: "Có phải là công tử hôm qua đã tới đây để xin hỏi cưới em Vân Nương đó không?" Ðáp: "Dạ, thưa phải!" Nói: "Ta đã trả lời cho công tử biết rồi mà!" Ðáp: "Thưa cữu phụ, nhưng hôm qua cữu phụ lại nói là cữu phụ đã nhận gả Vân muội cho người khác!" Mạnh ông cười, nói: "Vì công tử coi thường gia đình ta quá, tự nhiên sồng sộc tới nhà ta, chẳng nhờ ai mối lái. Vả lại, công tử nói là chưa lập gia thất song ta cũng chẳng tin, chỉ sợ công tử muốn lấy em Vân Nương về làm thứ thất thôi! Rồi lại còn việc công tử đang ngồi nói chuyện với ta mà đứng bật dậy, đòi ra lưng ngựa lấy sính lễ đem vào. Chắc công tử nghĩ rằng ta nghèo, thấy vàng ắt phải động tâm nên mới có hành động như thế. Tuy ta nghèo thực song ta chẳng tham tiền, chẳng muốn gả em Vân Nương như bán một đồ vật. Nay công tử đã phải tới nhờ quan thái bộc đứng ra làm mối thì ta tin là công tử chưa lập gia thất. Tuy nhiên, em Vân Nương bướng bỉnh lắm. Mấy đám con nhà đàng hoàng tử tế tới hỏi, nó đều từ chối. Vậy hiền điệt hãy ngồi đây chơi để ta vào hỏi ý nó xem sao? Có thế nào, ta sẽ ra trả lời cho hiền điệt biết để về trình lại với quan thái bộc!" Nói xong, Mạnh ông đứng dậy, vào nhà trong. Lát sau, Mạnh ông trở ra, nói:"Hiền điệt về trình lại với quan thái bộc rằng ta xin tuân lệnh!" Từ Ðại nói: "Vì Quế Am sắp phải về Hà Bắc, kính xin cữu phụ ấn định cho các ngày nạp thái và nghênh hôn để tiểu điệt có thể về trình lại với gia phụ!" Mạnh ông bèn lấy lịch ra coi, chọn ngày nạp thái, ngày nghênh hôn rồi nói cho Từ Ðại biết. Từ Ðại bèn cám ơn Mạnh ông rồi xin phép ra về.

Tới nhà, Từ Ðại trình lại với cha. Thái bộc bèn cho gọi Quế Am lên, báo tin cho biết. Nghe tin, Quế Am cực kỳ vui sướng. Thái bộc nói:"Bây giờ, ta cho hiền điệt mượn một căn phòng ở nhà ta mà làm lễ nghênh hôn. Cưới xong, ở lại đây chơi ít bữa rồi hãy dắt vợ về Hà Bắc" Quế Am càng vui sướng, cám ơn thái bộc rối rít rồi xin phép được ra chợ sắm sửa nữ trang cho Vân Nương.

Vào ngày nạp thái, thái bộc dẫn Quế Am tới nhà Mạnh ông nạp sính lễ. Vào ngày nghênh hôn, thái bộc sai gia nhân dựng rạp, tổ chức lễ cưới thực linh đình, rồi dẫn Quế Am cùng khách khứa, gia nhân tới nhà Mạnh ông đón dâu. Tối đến, tiệc cưới thực là náo nhiệt. Ðêm hợp cẩn, hai vợ chồng Quế Am rất tương đắc.

Ba hôm sau, Quế Am xin phép thái bộc cho mình được đưa vợ về Hà Bắc. Thái bộc ưng thuận, rồi sai Từ Ðại tiễn hai vợ chồng ra tận bến sông.

Ðêm ấy, nằm dưới thuyền, hai vợ chồng thủ thỉ ôn chuyện cũ. Quế Am hỏi:"Nàng còn nhớ hôm chúng mình mới gặp nhau, ta ném xuyến sang thuyền nàng không?" Vân Nương đáp:"Nhớ chứ! Hôm ấy, thoạt nhìn thấy chàng, thiếp đã nghĩ chàng là một nho sinh phong nhã, nên muốn làm quen. Thế nhưng, khi thấy chàng ném vàng với xuyến sang thì thiếp lại nghĩ chàng là một kẻ khinh bạc, chuyên dùng của cải để rủ rê đãng phụ, nên thiếp đổi ý, chẳng muốn làm quen nữa. Tuy cha thiếp nghèo, song cha thiếp vẫn dạy thiếp chẳng được tham của phù vân. Lúc ấy, thiếp cười là chàng có con mắt mà chẳng có con ngươi, toan lấy vàng để làm chuyển lòng thiếp. Cha thiếp mà thấy được chiếc xuyến thì chắc chắn là chàng đã bị rắc rối to, đâu còn có ngày nay? Chàng đã thấy thiếp thương chàng chưa?" Quế Am không đáp mà hỏi lại:"Hôm ấy, cha vừa từ trên bờ xuống đã vội lái thuyền đi đâu thế?" Ðáp:"Cha thiếp thuê thuyền, lái lên Giang Bắc, thăm chú Giang Ðoài!" Hỏi:"Thế còn chuyện hôm ta tới xin hỏi nàng, sao cha lại nói là cha đã nhận gả nàng cho người khác?" Ðáp:"Vì cha thiếp ngờ là chàng đã có chính thất, chỉ muốn lấy thiếp về làm thứ thất thôi!" Quế Am bỗng cười lớn, nói:"Cha tinh thực. Chỉ có nàng ngây thơ nên mới bị mắc bẫy của ta!" Vân Nương hỏi: "Bẫy gì?" Quế Am chẳng đáp. Vân Nương cứ gặng hỏi mãi:"Bẫy gì? Bẫy gì?" Bấy giờ Quế Am mới mỉm cười, đáp: "Bẫy lường gạt chứ còn bẫy gì!" Hỏi:"Chàng lường gạt thiếp chuyện gì?" Ðáp:"Chuyện ta chưa lập gia thất! Bây giờ ván đã đóng thuyền, chúng mình cũng sắp về tới nhà rồi, ta chẳng thể giấu được nàng nữa, đành phải thú thực với nàng rằng ta đã có chính thất!" Vân Nương chẳng tin, nói:"Chàng nói đùa! Làm chi có chuyện đó!" Quế Am nghiêm nét mặt, đáp:"Ta nói thực đó! Chính thất của ta tên Phong Nương, ái nữ của quan thượng thư họ Ngô ở kinh đô!" Nghe thấy thế, Vân Nương bỗng thất sắc, chẳng nói chi thêm, chỉ nằm im lặng.

Lát sau, Vân Nương bỗng vùng dậy, từ trong khoang chạy vọt lên mui. Thấy thế, Quế Am cực kỳ kinh hãi, cũng vùng dậy, chạy theo, chẳng kịp xỏ giày. Vừa lên tới mui, bỗng nghe thấy có tiếng người nhảy ùm xuống nước, Quế Am vội tri hô ầm ĩ. Cả thuyền náo động, kinh hoàng. Chủ thuyền vội sai bốn chân sào nhảy xuống tìm vớt. Thế nhưng vì đêm tối như mực, chẳng ai nhìn thấy Vân Nương đâu mà chỉ nhìn thấy ánh sao lấp lánh khắp mặt sông. Chủ thuyền bèn cho thả neo giữa dòng để tìm vớt. Quế Am cực kỳ hối hận về việc mình đã nói đùa vợ để đến nỗi xảy ra cơ sự này! Quế Am chẳng dám hé môi nói cho ai biết, chỉ ngồi trên mui, ôm đầu khóc suốt đêm. Sáng sau, Quế Am bỏ tiền ra nhờ chủ thuyền thuê thợ lặn mò vớt Vân Nương song thợ lặn mò từ sáng tới chiều cũng chẳng thấy chi. Trời tối, chủ thuyền đành cho thuyền nhổ neo lên đường.

Về nhà, Quế Am buồn bã, bỏ ăn bỏ ngủ, thân hình tiều tụy. Người lão bộc thân tín lân la tới hỏi nguyên do, Quế Am bèn thuật lại cho nghe. Quế Am lại sợ Mạnh ông tới thăm thì chẳng biết sẽ phải đối đáp ra sao. Song, may cho Quế Am là Mạnh ông đang bận việc nhà nên chưa có thì giờ liên lạc với con và rể.

Buồn quá, Quế Am giao hết gia vụ cho người lão bộc rồi xuống Hà Nam thăm người anh rể làm quan tại đó. Người chị thấy em buồn thì hỏi nguyên do. Quế Am bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, người chị bảo Quế Am cứ ở lại chơi cho khuây khỏa, khi nào hết buồn thì hãy về. Thời gian rồi cũng làm vơi mối sầu.

Hai năm sau. Quế Am xin phép anh chị cho mình trở về Hà Bắc. Thấy em đã hết buồn, người chị để cho về. Dọc đường, gặp trời mưa, Quế Am vào trú mưa dưới mái hiên của một ngôi nhà bên đường. Nhìn vào phòng khách Quế Am thấy có một bà vú đang nô đùa với một đứa bé. Ðứa bé nhìn thấy Quế Am thì tự nhiên cứ giơ hai tay ra, đòi bế. Quế Am lấy làm lạ song vì thấy đứa bé dễ thương nên chạy vào xin bế nó ra hiên. Bà vú thuận cho. Lát sau bà vú chạy ra xin lại thì đứa bé nhất định không chịu theo bà vú. Khi trời tạnh mưa, Quế Am bế đứa bé vào nhà trả bà vú rồi khoác hành lý lên vai thì đứa bé bỗng khóc thét lên, bập bẹ nói:"Bố đi rồi! Bố đi rồi!" Bà vú ngượng quá, mắng nó. Nó càng khóc lớn. Bà vú dỗ mãi song nó chẳng chịu nín. Bà vú đành bế nó vào nhà trong.

Quế Am toan đi thì bỗng thấy một nữ lang bế đứa bé từ nhà trong bước ra. Nhìn kỹ, Quế Am bàng hoàng cả người vì thấy nữ lang chính là Vân Nương, vợ mình. Chợt Vân Nương lên tiếng:"Phụ tình lang! Ðể cục thịt này lại cho người ta. Bây giờ hãy đem nó đi đi!" Lúc đó Quế Am mới biết rằng đứa bé chính là con mình. Bị nỗi chua cay vò xé ruột gan, Quế Am vội thốt:"Trước kia ta chỉ nói đùa nàng thế thôi chứ ta đã có chính thất nào đâu!"Vân Nương nói:"Chẳng tin được!" Quế Am bèn chỉ trời vạch đất mà thề, thuật lại sự thực cho vợ nghe. Lúc bấy giờ Vân Nương mới tin, đổi giận làm buồn, nhìn Quế Am mà khóc. Quế Am cũng chảy nước mắt, nói: "Nàng hãy thuật cho ta nghe kể từ lúc nàng trầm mình xuống sông! Làm thế nào mà nàng còn sống sót để lưu lạc tới đây?" Vân Nương bèn thuật:"Chủ ngôi nhà này là Mạc ông với Mạc bà, cùng ngoài sáu mươi tuổi, cư ngụ ở đây với một bà vú và một gia nhân. Hai năm về trước, ông bà sai gia nhân lái thuyền chở cả nhà xuống Hà Nam du ngoạn. Lượt về, đúng vào đêm thiếp trầm mình, ông bà bảo gia nhân neo thuyền ở bên sông để nghỉ. Bị sóng cuốn đi, thiếp đụng vào thuyền của ông bà. Ông bà bèn sai gia nhân nhảy xuống vớt thiếp lên. Thấy thiếp còn thoi thóp thở, ông bà ra sức cấp cứu. Tới gần sáng, thiếp tỉnh lại. Ông bà hỏi chuyện, thiếp kể đầu đuôi. Ông bà bèn nhận thiếp làm con nuôi, chở về cho ở chung. Ba tháng sau, ông bà muốn gả chồng cho thiếp song thiếp chẳng chịu. Mười tháng sau, thiếp hạ sanh thằng bé này, đặt tên là Vương Ký Sinh. Hôm nay là sinh nhật đầu tiên của nó!" Quế Am bèn thở phào nhẹ nhõm rồi bỏ hành lý trên vai xuống, nói: "Nàng hãy dắt ta vào nhà trong chào ông bà đi!" Vân Nương gật đầu rồi dắt Quế Am vào nhà trong. Gặp ông bà Mạc, Quế Am vội chắp tay cúi đầu thi lễ. Ông bà cũng gật đầu đáp lễ. Nghe Vân Nương trình bày mọi chuyện, ông bà mừng lắm. Quế Am nói:"Tiểu sinh xin đa tạ ông bà đã thi ân cứu mạng cho tiện nội. Nay tiểu sinh xin ông bà cho tiểu sinh được nhận ông bà làm nhạc phụ mẫu!" Mạc ông nói:"Dĩ nhiên là vợ chồng lão phu ưng thuận rồi! Thế nhưng, hãy ở lại đây chơi với vợ chồng lão phu một tuần rồi hãy đưa vợ con về!" Tuy muốn đưa vợ con về ngay song vì nể lời Mạc ông, Quế Am đành phải ở lại.

Tuần sau, Quế Am xin phép ông bà cho mình được đưa vợ con về Hà Bắc. Ông bà vui vẻ tiễn chân hai vợ chồng và đứa con ra về.

Ở nhà Quế Am, Mạnh ông tới chơi đã được hơn hai tháng. Khi mới tới, nghe người lão bộc thuật chuyện Vân Nương trầm mình, Mạnh ông hốt hoảng song vẫn chưa tin. Mạnh ông bèn ở nán lại, chờ Quế Am về để hỏi cho rõ đầu đuôi câu chuyện.

Sáng ấy, người lão bộc ra mở cổng thì chợt thấy Quế Am về, dẫn theo một nữ lang bồng một đứa bé trên tay. Người lão bộc bèn hoán hô ầm ĩ. Cả nhà cùng chạy ùa ra cổng để đón chào, vui mừng tíu tít. Khi vào phòng khách, Quế Am nhìn thấy Mạnh ông thì vừa mừng vừa sợ, còn Vân Nương thì vừa tủi vừa mừng, chạy tới ôm chầm lấy cha mà khóc. Mạnh ông khuyên giải con rồi hỏi chuyện trầm mình. Vân Nương thuật lại đầu đuôi cho cha nghe. Mạnh ông bèn quyết định ở lại thêm một tuần để chơi với con và cháu. Tuần sau, Mạnh ông ra về.

Từ đó, Quế Am và Vân Nương chung sống rất tương đắc trong cảnh gia đình đầm ấm, cạnh đứa con trai cùng người lão bộc và đám gia nhân.

Phải chăng muốn được hưởng hạnh phúc lâu dài, ai cũng phải trải qua một khúc chông gai, như người đời thường nói?

TruyenC

Copyright © 2024 TruyenC.