Trở về truyện

Liêu trai chí dị - Chương 2 - Đạo Sĩ

Liêu trai chí dị

2 Chương 2 - Đạo sĩ

Hàn sinh nhà thế gia, thích khách. Người cùng xóm có anh chàng họ Từ, thường hay đến uống rượu. Một hôm khi họp vui, ở ngoài cổng có kẻ đạo sĩ đến ăn xin. Người nhà cho tiền, cho gạo không lấy, cũng không đi. Lũ người nhà tức giận, cũng mặc kệ. Hàn nghe thâý tiếng xô xát cãi cọ nhau đã lâu, hỏi các người nhà, chúng thưa thực như vậy. Nói chưa dứt lời đạo sĩ đã cứ vào. Hàn cho mời ngồi. Đạo sĩ đến với chủ nhân và các khách giơ tay chào khắp một lượt, rồi liền ngồi. hỏi qua gốc tích thời nguyên ở trong cái miếu đổ nát ở xóm đông.

Hàn nói:

-"Không hay con hạc lại về từ bao giờ, thành ra tôi thiếu cái lễ địa chủ".

Trả lơì thưa rằng:

-"Kẻ quê kệch mơí đến, không có chơi bời quen ai, nghe rằng ông ở đây rộng tính, cho nên muốn được đến để uống rượu mà thôi".

Hàn bảo rót rượu. Đạo sĩ uống được nhiều. Từ thấy quần áo rách bẩn, lại trông ra khốn đốn, có ý khinh bỉ không cần làm lễ tiếp chi. Hàn cũng coi là một người khách thoáng qua vậy. Đạo sĩ uống luôn đến hơn hai chục chén, rồi chào mà ra đi.

Từ đấy, mỗi lần yến họp khách, đạo sĩ cứ đến gặp ăn thời ăn, gặp uống thời uống. Hàn cũng hơi thấy là đáng chán. Trong khi uống rượu vui, Từ đùa giễu rằng:

"Đạo sĩ chỉ cứ làm khách mãi, sao không làm chủ một bận chăng?"

Đạo sĩ cười mà rằng:

"Đạo sĩ với cư sĩ cũng như nhau, chỉ có hai vai đem một cái mồm mà thôi". Từ thẹn không nói được nữa.

Đạo sĩ nói:

"Tuy vậy, kẻ theo đạo này có lòng thành đã lâu, thế nào cũng cố hết sức gọi là kiếm một hai chén nước để báo đền lại".

Uống xong, dặn rằng:

"Đến trưa mai xin mời quá bộ".

Ngày hôm sau, chúng rủ nhau cùng đi, còn ngờ là không đặt rượu, mà đạo sĩ đã đón đợi ở ngang đường. Vào cổng thời thấy nhà cửa mới làm hết, gác rộng liền mây, rất lấy làm sự lạ, cùng bảo với nhau rằng:

-"Lâu chúng ta không đến đây, không biết làm nhà mới từ khi nào?"

Đạo sĩ nói:

- "Vừa mới làm xong không bao lâu".

Vào đến trong nhà, thời bày đặt rất lịch sự sang trọng những vật mà các nhà gia thế không thể có. Hai người thấy mà phải kính sợ. Mời ngồi xong rót rượu, bưng thức ăn lên, toàn là đứa hầu nhỏ khoảng mười sáu tuổi cả, mà mặc áo gấm đi giày điều. Rượu và thức ăn, thơm tho đầy nhiều. Ăn xong các thứ đồ nước bưng lên, nhiều quả không biết tên gọi đựng bằng những đồ thủy tinh quý, ngọc thạch sáng soi khắp bàn ghế và giưòng phản. Rượu uống bằng thứ chén pha lê, chu vi đến một thươc. Đạo sĩ nói:

- Gọi chị em họ Thạch lên đây.

Đứa nhỏ chạy lúc lâu. Có hai mỹ nhân đến. một người nhỏ dài như thể cành liễu yếu, một người mình ngắn tuổi trẻ hơn. Hai đằng cũng đẹp cả, đạo sĩ sai hát để mua vui cho cuộc rượu. Người trẻ tuổi đánh phách mà hát, người lớn tuổi thổi sáo mà họa lại. Tiếng nghe trong mà nhỏ tuyệt hay. Một khúc hát đã xong, đạo sĩ sai rót rượu mời cả khách một lượt. Lại quay lại hỏi người đẹp rằng:

- Lâu không múa còn nhớ chăng?

Liền có những đầy tớ đem chiếu trải ra ở dưới chỗ chiếu rượu, hai người con gái múa đối nhau. Áo dài phất tung, hương thơm bay loạn. Múa xong tựa nghiêng mình ở bức họa hình. Hai người khách thần hồn bay mất, không ngờ say quá lúc nào. Đạo sĩ cũng chẳng cần sự khoản tiếp nữa, chỉ cứ cất chén uống thật mạnh. Rồi đứng dậy bảo khách rằng:

- Xin các ông cứ xơi rượu cho, tôi đi nghỉ một thoáng xin ra ngay. Nói xong liền đi.

Ở dưới vách phía nam nhà, có bày một cái giường khảm xà cừ. Đứa con gái đem nệm gấm ra trải, ôm đỡ đạo sĩ lên nằm. Đạo sĩ kéo người đẹp mà dài, lên giường cùng gối nằm, sai người bé tuổi đứng ở bên dưới để xoa, gãi. Hai người khách thấy bộ trạng ấy, lấy làm khó chịu quá. Từ bèn nói to bảo rằng:

- Đạo sĩ không được hỗn thế.

Nói rồi định đến để quấy rối. Đạo sĩ vội trở mình trốn đi mất.

Trời đã sáng, rượu và mộng cùng tỉnh ra, thấy một vật gì ở trong lòng lạnh thấu điếng người. Dậy nhìn xem, thời là mình ôm một hòn đá dài mà nằm dưới hầm vậy. Vội trông lại Từ, thấy Từ vẫn chưa tỉnh, mà đầu gối vào một hòn gạch vỡ, ngủ say bét ở trong chỗ như chuồng tiêu vậy. Đá cho vậy, cùng nhau lấy làm sợ lạ, trông nhìn khắp bốn phía thời một sân cỏ rậm, hai gian nhà nát mà thôi.

TruyenC

Copyright © 2024 TruyenC.