49 Quyển 3 - Chương 48: Trúc Thanh
Ngư Dung người Hồ Nam, người kể chuyện quên mất quận huyện. Nhà nghèo đi thi bị trượt trở về, dọc đường hết sạch tiền nhưng xấu hổ không dám ăn xin, đói quá vào tạm nghỉ trong miếu Ngô Vương*, bi phẫn khấn vái trước án thờ rồi ra nằm ở hành lang. Chợt có một người dẫn đi yết kiến Ngô Vương, quỳ xuống tâu "Đội Hắc y còn thiếu một lính, xin lấy người này sung vào," Ngô Vương ưng thuận, Ngư liền được trao cho chiếc áo đen, vừa mặc vào thì biến thành quạ vỗ cánh bay ra. Thấy các bạn quạ họp thành bầy bèn bay theo chia nhau đậu trên cột buồm. Khách trên thuyền tranh nhau ném thịt cho ăn, đàn quạ lượn lờ trên không đón lấy. Sinh cũng bắt chước, giây lát no bụng, bay đậu lên cành cây, cũng rất mãn nguyện. Qua hai ba ngày, Ngô Vương thương còn lẻ loi ghép cho một con mái tên Trúc Thanh, rất thương yêu nhau.
*Ngô Vương: Tức Cam Ninh, đại tướng Đông Ngô thời Tam quốc, trong trận Hào Đình bị tướng Tây Thục là Sa Ma Kha bắn trúng gáy đeo cả tên mà chạy rồi chết dưới một gốc cây to ven sông, có đàn quạ mấy trăm con sà xuống che kín xác. Duẫn lang ngẫu bút của Mục Trọng thời Tống chép Cam Ninh được dân trấn Phú Trì ở Sở Giang lập miếu thờ, linh hiển phi thường, đến thời Tống được phong tước vương, cạnh miếu luôn có vài trăm con quạ tụ họp, người ta gọi là “Quạ thần của Ngô Vương" (Ngô Vương thần nha).
Ngư mỗi khi đi kiếm mồi không hề đề phòng, Thanh nhiều lần khuyên nhưng Ngư không nghe. Một hôm bị người lính đi thuyền qua bắn trúng bụng, may được Trúc Thanh quắp mang đi mới không bị bắt. Bầy quạ nổi giận vỗ cánh quạt nước, sóng nổi cuồn cuộn lật úp hết thuyền bè. Trúc Thanh tha mồi mớm cho Ngư nhưng Ngư bị thương nặng quá, một ngày thì chết, chợt như tỉnh mộng thì ra đang nằm trong miếu. Nguyên là trước đó dân chung quanh thấy Ngư chết, không biết là ai, sờ vào người thấy còn ấm nên cứ lâu lâu lại tới xem. Đến lúc ấy họ hỏi biết duyên do, liền góp tiền giúp cho về quê.
Ba năm sau Ngư lại qua chốn cũ liền vào bái yết miếu Ngô Vương, bày thức ăn gọi bầy quạ xuống ăn, khấn “Trúc Thanh như có ở đây, xin ở lại gặp", nhưng bầy quạ ăn xong đều bay đi hết. Sau Ngư đỗ Cử nhân về qua lại vào bái yết miếu Ngô Vương, dâng cỗ cúng tế. Kế bày cỗ lớn mời hết các bạn quạ, lại khấn như trước. Đêm ấy ghé vào nghỉ ở Hồ Thôn, đốt đèn ngồi chơi chợt thấy trước bàn như có con chim đáp xuống, thì ra là một mỹ nhân khoảng hai mươi tuổi. Nàng tươi cười hỏi “Từ khi chia tay chàng vẫn khỏe chứ?”. Ngư kinh ngạc hỏi, nàng đáp "Chàng không nhận ra Trúc Thanh à?". Ngư mừng rỡ hỏi từ đâu tới, nàng đáp "Thiếp nay là thần nữ Hán Giang, ít có dịp về cố hương. Trước đây bạn quạ hai lần kể lại tình chàng nên tới gặp nhau một lần". Ngư càng bồi hồi cảm động, hai người như vợ chồng xa cách lâu ngày, rất mực nồng nàn.
Sinh định đưa nàng về nam, nàng lại muốn sinh theo về tây, không quyết được bề nào. Sinh thức giấc thì nàng đã dậy rồi, mở mắt thấy mình đang trong một ngôi nhà lớn, đèn đuốc sáng choang chứ không phải trong thuyền nữa. Sinh kinh ngạc trở dậy hỏi đây là nơi nào, nàng cười đáp "Đây là Hán Dương (huyện thuộc Hồ Bắc). Nhà thiếp tức là nhà chàng, cần gì phải về nam?”. Trời dần sáng, đám tỳ nữ vú già nhao nhao kéo tới, rượu thịt đã bày, kê giường rộng, đặt ghế thấp, vợ chồng cùng nhau ăn uống. Ngư hỏi đầy tớ của mình đang ở đâu, nàng đáp “Ở trên thuyền”. Ngư lo nhà thuyền không thể chờ lâu, nàng nói “Không sao, thiếp sẽ báo giúp cho". Từ đó ngày đêm vui thú, Ngư vui quên cả chuyện về.
Nhà thuyền thức dậy chợt thấy đang ở Hán Dương sợ lắm. Người hầu của Ngư đi tìm chủ khắp nơi không thấy, nhà thuyền muốn đi thì chèo lái bị cột chặt không cởi ra được, đành cùng ở lại giữ thuyền. Được hơn hai tháng, sinh chợt nhớ quê, nói với cô gái "Ta ở đây tuyệt đường thân thích, vả lại ta với nàng tiếng là vợ chồng mà chưa một lần biết tới nhà cửa họ hàng thì làm sao được?". Nàng đáp "Chưa nói tới chuyện thiếp không đi được, nếu đi được thì ở nhà chàng đã có vợ, vậy sẽ xử với thiếp ra sao? Chi bằng cứ để thiếp ở đây làm một phòng khác của chàng là được rồi".
Sinh buồn nỗi đường xa không thể tới thường, cô gái đưa chiếc áo đen ra, nói "áo cũ của chàng còn đây, lúc nào nhớ thiếp cứ mặc vào thì có thể tới ngay, tới rồi thiếp sẽ cởi ra cho". Rồi sai bày tiệc lớn đưa tiễn, sinh say rồi ngủ, khi tỉnh dậy thì thấy mình trong thuyền, nhìn ra thì vẫn là cảnh vật chỗ ghé thuyền ở hồ Động Đình cũ. Nhà thuyền và đầy tớ đều có đó, nhìn nhau kinh sợ xúm lại hỏi đi đâu. Sinh làm ra vẻ bàng hoàng sợ hãi, thấy bên gối có cái bọc, mở ra xem thì là áo mới, giày thêu của cô gái tặng, chiếc áo đen cũng xếp để trong đó. Lại có cái túi thêu buộc dây thắt ngang, mở ra thì thấy đầy tiền bạc. Rồi đó đi thẳng về nam, khi cập bến Ngư trả công hậu cho nhà thuyền rồi về.
Về nhà được mấy tháng sinh nhớ Hán Thủy, liền ngầm lấy chiếc áo đen ra mặc, hai tay mọc ra đôi cánh bay vút lên không, qua hai giờ đã tới Hán Thủy. Bay vòng nhìn xuống thấy giữa đảo nhỏ có một dãy lầu gác bèn đáp xuống. Đã có một tỳ nữ nhìn thấy từ xa gọi lớn "Quan nhân tới”. Không bao lâu Trúc Thanh ra, sai mọi người cởi áo cho, sinh thấy lông cánh đều trút xuống hết. Nàng cầm tay sinh đi vào nhà, nói "Chàng tới vừa hay, chỉ nay mai là thiếp sinh nở”. Sinh đùa hỏi “Sinh con hay đẻ trứng?” nàng đáp "Thiếp nay là thần, xương cốt đều thay đổi, chắc phải khác trước chứ".
Vài hôm sau quả nàng lâm bồn, bọc thai to dày nhìn như quả trứng lớn, xé vỏ ra thì là con trai. Sinh mừng rỡ đặt tên là Hán Sản. Sau ba ngày các thần nữ ở Hán Thủy đều tới, đem đủ quần áo đồ chơi quý lạ chúc mừng, người nào cũng xinh đẹp, tuổi đều không quá ba mươi. Họ vào phòng tới bên giường lấy ngón tay cái ấn lên mũi đứa nhỏ, gọi là “Tăng thọ". Họ về rồi, sinh hỏi là ai, cô gái đáp “Đều là bạn thiếp, nàng mặc áo trắng đi cuối cùng chính là người cởi ngọc ở Hán Cao* đấy".
* Người cởi ngọc ở Hán Cao: Liệt tiên truyện chép Trịnh Giao Phủ đi chơi Hán Giang, tới dưới đài Hán Cao gặp hai cô gái đeo hai viên ngọc to bằng quả trứng gà, Giao Phủ tới chuyện trò rồi xin ngọc, hai nàng bèn cởi ra cho. Giao Phủ chào đi, lại muốn được cả hai nàng, ngoảnh nhìn thì không thấy đâu nữa mà ngọc cũng biến mất.
Được vài tháng, nàng cho thuyền đưa sinh về, thuyền không cần dùng cánh buồm mái chèo mà cứ tự lướt đi. Tới bờ đã có người dắt ngựa chờ bên đường, sinh liền cưỡi về, từ đó qua lại không dứt. Được vài năm, Hán Sản càng khôi ngô, sinh yêu quý lắm. Vợ sinh họ Hòa khổ vì không sinh nở đưọc, cứ đòi gặp Hán Sản một lần. Sinh nói với cô gái, nàng liền sắp sửa hành trang cho con theo cha về, hẹn ba tháng phải quay lại. Về tới nhà, Hòa thị yêu quý Hán Sản còn quá con đẻ, giữ lại hơn mười tháng không nỡ cho về. Một hôm đứa nhỏ phát bệnh mà chết, Hòa thị đau xót muốn chết. Sinh bèn đi Hán Thủy báo cho cô gái, vào cửa thì thấy Hán Sản cởi truồng nằm trên giường, mừng quá vội hỏi. Cô gái đáp "Chàng lỡ hẹn lâu quá, thiếp nhớ con nên gọi nó về”. Sinh nhân giải thích vì Hòa thị quá mến con, nàng nói "Chờ thiếp sinh lần nữa sẽ cho Hán Sản về hẳn bên đó”.
Hơn năm sau nàng đẻ sinh đôi, một trai một gái. Trai đặt tên là Hán Sinh, gái đặt tên là Ngọc Bội, sinh bèn đưa Hán Sản về. Nhưng mỗi năm ba bốn lần đi lại không tiện, nên sinh dời nhà tới ở Hán Dương. Năm Hán Sản mười hai tuổi vào học ở trường quận. Cô gái cho là ở trần gian không có người đẹp, gọi con tới Hán Thủy cưới vợ cho rồi bảo về. Vợ tên Hỗ Nương, cũng là con gái thần nữ. Sau Hòa thị mất, Hán Sinh và em gái đều tới chịu tang. Chôn cất xong, Hán Sản ở lại còn sinh dắt Hán Sinh và Ngọc Bội đi, từ đó không trở về nữa.