8 Quyển 1 - Chương 7: Hồ Gả Con Gái (Hồ Giá Nữ)
Thượng thư bộ Lại họ Ân* người Lịch Thành (tỉnh Sơn Đông) lúc trẻ nhà nghèo, có can đảm. Trong làng có phủ đệ của nhà thế gia cũ, rộng vài mươi mẫu, lầu gác san sát nhưng thường thấy sự quái dị, vì vậy bỏ trống không ai ở. Lâu ngày cỏ hoa mọc đầy, ban ngày cũng không người nào dám vào. Có lần ông cùng các bạn bè học trò uống rưọu, có người nói đùa “Có ai dám vào đó ngủ lại một đêm, thì cả bọn góp tiền đãi một bữa rượu”. Ông nhảy phắt dậy nói “Chuyện đó có khó gì?”, bèn ôm một cái chiếu đi, mọi người đưa tới tận cổng, đùa nói “Bọn ta chờ ở đây, nếu thấy có gì lạ, cứ kêu to lên”. Ông cười nói “Nếu có ma quỷ hồ tinh, sẽ bắt về làm chứng”.
*Thượng thư bộ Lại họ Ân: bản Hương Cảng chú nhân vật này tên Sĩ Chiêm, tự Đường Xuyên, đỗ Cử nhân năm Canh tý (1540), đỗ Tiến sĩ năm Đinh mùi (1547) niên hiệu Gia Tĩnh thời Minh, làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại.
Bèn bước vào trong, thấy gai góc khuất lối, cỏ dại um tùm. Lúc ấy là đầu tháng, trăng non mờ mờ có thể nhìn thấy cổng nẻo, bèn lần theo vách đi một lúc mới tới lầu phía sau, lên hiên ngắm trăng thấy quang quẻ sạch sẽ đáng yêu liền dừng lại, trông về vầng trăng phía tây chỉ thấy như núi ngậm một sợi dây sáng mà thôi. Ngồi một lúc lâu chẳng thấy gì lạ, cười thầm lời đồn đãi hão huyền rồi trải chiếu xuống đất, gối đầu lên hòn đá nằm ngắm sao Ngưu lang Chúc nữ, một lúc thì thiu thiu ngủ.
Chợt duới lầu có tiếng giày lẹp kẹp đi lên, ông bèn giả ngủ hé mắt nhìn, thấy là một tỳ nữ cầm chiếc đèn lồng hình hoa sen, chợt trông thấy ông giật mình lui lại nói với người đi sau “Có người lạ ở đây”. Người đi sau hỏi "Ai vậy?”, trả lời “Không biết nữa". Giây lát có một ông già lên tới, tới sát ghé mắt nhìn ông rồi nói "Đây là quan Thượng thư họ Ân, nhưng đã ngủ say, cứ làm việc của ta đi, tướng công là ngươi không câu nệ, chắc không lấy làm lạ mà quát nạt đâu”.
Bèn kéo nhau lên cả trên lầu, mở hết cửa nẻo ra. Một lúc sau người qua lại càng đông, trên lầu đèn đuốc sáng như ban ngày, ông bèn khe khẽ trở mình, cất tiếng ho hắng. Ông già thấy ông tỉnh dậy bèn bước ra quỳ gối xuống nói "Tiểu nhân có đứa con gái gả chồng đem nay làm lễ rước dâu, không ngờ làm kinh động quý nhân mong ông bỏ qua”. Ông đứng dậy đỡ ông già lên nói “Không biết đêm nay gia đình có việc vui mừng, thật thẹn không có lễ vật để tặng". Ông già nói "Được quý nhân quang lâm, trấn áp sự hung hiểm là may lắm rồi. Xin ông cảm phiền ngồi chơi thì càng quý hóa lắm". Ông vui vẻ nhận lời, bước vào trong lầu nhìn, thấy bày biện đẹp đẽ, lại có người đàn bà tới vái lạy, tuổi khoảng hơn bốn mươi, ông già nói “Đây là vợ quê của ta", ông bèn đáp lễ.
Chợt nghe tiếng đàn sáo inh tai, có người chạy mau từ dưới lên nói “Tới rồi”. Ông già vội ra đón, ông cũng đứng chờ. Phút chốc có ngửơi cầm chiếc đèn lồng bằng sa đưa chàng rể vào, thấy tuổi khoảng mười bảy mười tám, dáng vẻ tuấn tú, ông già bảo làm lễ chào khách quý trước. Thiếu niên nhìn ông, ông như người giữ việc tiếp khách, bèn nhận nửa lễ chủ nhân, kế cha vợ chàng rể làm lễ với nhau, rồi ngồi vào bàn. Giây lát đám phụ nữ kéo lên đông đúc, rượu thịt bày ra la liệt, chén ngọc bình vàng sáng rực bàn ghế. Rượu được vài tuần, ông già gọi tỳ nữ mời tiểu thư ra, hồi lâu không thấy tới. Ông già đứng dậy vén màn hối thúc, giây lát một đám bà vú tỳ nữ đưa cô dâu ra, tiếng vòng ngọc lanh canh, mùi lan xạ thơm phức. Ông già bảo lạy người trên, nàng lạy xong đứng dậy tới ngồi cạnh mẹ, ông liếc nhìn thấy trâm phuợng dát ngọc biếc, vòng tai khảm minh châu, dung mạo đẹp tuyệt trần. Kế đó rót rượu vào chén vàng lớn chứa được vài đấu, ông nghĩ vật này có thể lấy để làm chứng với bạn bè bèn lén bỏ vào tay áo rồi giả say nằm phục lên bàn ngủ vùi. Mọi người đều nói "Tướng Công say rồi".
Không bao lâu nghe chàng rể xin rước dâu về, tiếng đàn sáo lại trỗi vang, nhộn nhịp xuống lầu ra đi. Kế chủ nhân dọn dẹp mâm chén thấy thiếu một cái chén uống rượu, tìm mãi không được, có người nói trộm là ông khách đang ngủ lấy, ông già vội bảo im, sợ ông nghe được. Lát sau trong ngoài yên ắng, ông mới trở dậy, thấy tối om không có đèn đuốc gì, chỉ còn mùi hương hơi rượu vẫn sực nức cả bốn bên.
Nhìn ra phía đông thấy trời đã rạng bèn thong thả bước ra, mò trong tay áo thì cái chén vàng vẫn còn, ra tới cổng thì các bạn bè học trò đã chờ sẵn, ngờ là ông đang đêm trở ra rồi gần sáng mới vào. Ông bèn đưa cái chén ra cho họ xem, mọi người kinh ngạc hỏi thăm, ông bèn kể lại mọi việc. Bạn bè đều nghĩ rằng học trò nghèo không thể có được vật này mới tin lời.
Về sau ông đỗ Tiến sĩ, làm quan ở huyện Phì Khâu (tỉnh Sơn Đông). Có nhà thế gia họ Chu mời ông ăn tiệc, sai lấy chén lớn uống rượu, lâu không thấy đem ra. Có đứa hầu nhỏ nói thầm với chủ nhân, chủ nhân có dáng tức giận. Giây lát mang chén vàng ra rót rượu mời khách uống, ông nhìn thì kiểu chén nét chạm giống hệt với cái thén của hồ, lấy làm ngờ vục bèn hỏi ở đâu chế tạo, chủ nhân đáp “Bộ chén này có cả thảy tám cái, đời cha ta làm quan khanh trong kinh tìm thợ giỏi chế ra, là vật gia bảo truyền đời, cất kỹ đã lâu. Nay được phủ quân hạ cố mới cho lấy trong hòm ra, thì chỉ còn có bảy cái. Ngờ là người nhà ăn trộm, nhưng dấu niêm phong mười năm vẫn còn nguyên, thật là không sao hiểu nổi”. Ông cười nói “Chén vàng mọc cánh bay rồi, nhưng vật báu truyền đời không nên để mất, ta có một cái cũng hơi giống, xin đưa lại tặng".
Xong tiệc về dinh, lấy cái chén ruợn sai người đưa tới, chủ nhân xem kỹ rất hoảng sợ, đích thân qua cám ơn ông, hỏi từ đâu mà có. Ông bèn kể rõ đầu đuôi, mới biết vật trong vòng ngàn dặm thì hồ vẫn có thể lấy được, chỉ không dám giữ luôn mà thôi.