15 Chương 15 - Trấn Lăng Phả
Hai cây đa già xoắn làm một, trong thân cây vốn toàn là hang hốc nhỏ to, bình thường toàn nhờ vào đám sợi thịt đỏ mọc ra từ quan tài ngọc mà trụ vững, lúc này đã mất chỗ dựa, trên nặng dưới nhẹ, bị vật to lớn dưới đất đội lên một cái, liền rùng rùng đổ vật ra.
Cỗ quan tài ngọc vốn nằm trong thân cây bị tôi dùng khẩu Thompson bắn nát cũng văng ra rơi xuống đất. Chất lỏng bên trong đã cạn, chỉ còn trơ cái thây ông già râu bạc không quần không áo và con trăn trùng thuật bị lột da, sống nhờ vào chủ nhân nằm trong quan tài. Cả người và trăn dính chặt nhau cùng lăn ra, trong nháy mắt xảy ra biến đổi không ngờ, chưa đến vài ba giây đã thành một đống than khô đen.
Chúng tôi không biết sau đó rốt cuộc sẽ xuất hiện thứ gì nữa bèn lùi lại mấy bước. Tôi lên quy lát súng chĩa vào rễ cây, Tuyền béo thì đã lấy cái bình xịt propane ra khỏi ba lô định dùng chiêu hỏa thiêu liên thành.
Shirley Dương đứng bên đưa tay chắn họng súng của tôi lại, nói :" Đừng vội ra tay ... hình như đó là một bức tượng đá, ta xem cho rõ đã rồi hãy hay".
Chúng tôi nhìn thấy rễ cây đa từ từ rời khỏi nền đất. Tán hai cây đa ấy sum suê khác thường đã là rất hiếm có trong khu rừng này, nhưng bộ rễ ăn sâu vào lòng đất của nó còn to gấp ba lần tán cây. Tất cả rễ cái rễ con đều bật lên hết, thử hỏi chấn động ghê gớm đến nhường nào, mặt đất hình như vừa há ra một cái miệng khổng lồ đen ngòm. Đất trời đột nhiên rung chuyển, mây âm u càng thêm dày nặng, mây đen cuồn cuộn đè trên cánh rừng, sấm nổ liên hồi không dứt, muôn âm thanh hòa lẫn vào nhau.
Cây đa đổ xuống, trong lòng đất ngoi lên một con Tì hí khổng lồ, lưng cõng một tấm bia ngắn. Bình sinh ba chúng tôi đều chưa bao giờ nhìn thấy một con Tì hí to đến thế, tính sơ sơ cũng phải nặng không dưới một tấn, bộ rễ cây đa già bao phủ trên lưng con Tì hí, xem chừng nó vốn bị người ta cố ý chèn bên dưới gốc cây này.
Con Tì hí bằng đá nghển cổ rất hiên ngang, đuôi cong vươn ra, bốn chân bám trên đất, bò trườn ra đất, phía trên mai rùa sừng sững là vân tọa, tấm bia ngắn được dựng ở trên đó, một làn hắc khí bên dưới con rùa đá tuôn ra xông thẳng lên trời, một hồi lâu sau mới tiêu tán. Mây đen trên trời cũng theo đó trôi đi hết, bầu không khí lúc này nồng nặc mùi khí ozone sau cơn sấm sét dữ dội.
Chúng tôi đứng xa nhìn, cho đến khi mặt đất đã hoàn toàn tĩnh lặng, xác nhận chắc chắn không còn mối nguy nào nữa, mới dám bước lại gần quan sát. Tuyền béo lấy làm lạ :" Nhất này, ngày trước hai ta đi Thái An thăm Đại Miếu, cũng chưa thấy con Tì hí nào to như thế này nhỉ. Cổ vật mấy nghìn năm, kéo về tuy rất tốn sức nhưng đúng là một báu vật đấy".
Tôi cười :" Tôi thấy quan điểm thẩm mỹ của cậu hơi giống bọn phát xít Đức đấy nhá, cứ thấy vật gì to xác đều cho là hay. Cái thứ to tổ bố thế này, cậu đưa về được thì cũng có ma nó mua, nhà nào chứa cho vừa?"
Tuyền béo lại không nghĩ thế :" Cậu không hiểu tình hình kinh tế hiện nay rồi, uổng cho cậu vẫn khoe ông nội là nhà giàu có, tôi thấy đời ông nội nhà cậu chỉ là tay địa chủ chưa từng trải sự đời thôi. Thế giới ngày nay tuy hai phần ba quần chúng còn lao khổ chưa được giải phóng đổi đời, vẫn còn một phần ba thuộc về tầng lớp có tiền có của, giàu có thì nhà cửa cũng to theo, trăm ngàn mẫu ruộng tốt chẳng bằng cái lông chim, chẳng lẽ lại không chừa ra một khoảnh để đặt con Tì hí này à? Không tin thì cậu cứ hỏi cô ả người Mỹ xem nhà cô ta ở California rộng đến đâu, nói ra chỉ e cậu sợ chết ngất, toàn bộ nhà ở của cán bộ cấp binh đoàn nước ta cộng lại cũng chẳng bằng cái sân sau nhà cô ta đâu".
Tôi lấy làm kinh ngạc, vội hỏi Shirley Dương :" Có thật thế không? Tôi thấy điêu lắm, nghe như Tuyền béo nói thì sân sau nhà cô đủ chỗ dàn trận đánh thế chiến lần ba ấy chứ nhỉ ..."
Không đợi Shirley Dương trả lời, Tuyền béo đã tranh nói ngay :" Lại còn không đúng chắc? Các cụ tổ nhà người ta bao nhiêu đời trước đã bắt đầu chơi minh khí, lại còn đổ được hàng bao nhiêu đấu lớn, cứ tiện tay vớ lấy dăm món đồ, cũng bằng nhân dân thế giới thứ ba phấn đấu nửa năm trời rồi. Nhất ạ, chỉ có cậu là bôn thôi, tôi nghe thằng cha Răng Vàng nói có người chuyên sưu tầm Tì hí. Chẳng phải là có câu thế này này: xoa đầu Tì hí, vàng bạc nhiều đầy đất nhặt, xoa đuôi Tì hí, thọ tám chín mươi năm. Nó là vật may mắn cực kỳ, trong nhà chỉ cần bày một con thôi, thì mẹ kiếp, đời phất lên như phi tên lửa, chẳng thằng nào cản được!"
Tôi bật cười :" Cậu nghe thằng cha Răng Vàng phét lác rồi. Mấy câu ấy năm ngoái tôi chép cho hắn đấy. Cứ gì phải xoa đầu Tì hí, chứ vuốt lông gà cũng vẫn là mấy câu ấy cả, đây là mấy câu chuyện dùng để phỉnh bọn nước ngoài thôi. Nếu không tin thì cậu cứ ra sờ đầu Tì hí đi, sau này cũng khỏi cần đi vào núi đổ đấu với tôi nữa làm gì, ngày nào ra đường đi dạo, vặn hông một cái, cúi xuống là vớ được cục vàng to như cục ********** chó ngay!"
Tuyền béo bị tôi nói cho ngớ ra, lập tức độp lại :" Bảo sao mấy câu ấy quê không ngửi được, mẹ cha nó, hóa ra là cậu bịa à!"
Shirley Dương không để ý tôi và Tuyền béo ở bên cạnh đấu khẩu, chỉ chăm chú quan sát con Tì hí đá khổng lồ, xem xem rốt cuộc tại sao nó lại đội đất ngoi lên, nhìn đi nhìn lại mấy lần, rồi nói vói tôi và Tuyền béo :" Hai anh đừng đôi co nữa, đây không phải là Tì hí ... mà là một con Tiêu đồ rất giống Tì hí thôi!"
Tuyền béo không hiểu ra sao bèn hỏi lại :" Tôi chỉ biết thịt gà chấm muối tiêu, chứ không biết cái món Tiêu đồ này ở tiệm nào bán..."
Tôi thì có biết chuyện con Tiêu đồ này, nhưng đây chẳng phải là Tì hí đội bia còn gì? Nghĩ đoạn, tôi bèn nói với Shirley Dương :" Tôi có một cái thói, cứ hễ đứng trước mặt những đứa kém hiểu biết kiểu như cậu Tuyền béo này ấy, là tôi không tài nào khiêm tốn được. Mấy cái thứ này, tôi thực là đã quen quá đi rồi, theo tôi biết thì ' rồng sinh chín con, mỗi con mỗi vẻ', Tì hí, Tiêu đồ, là hai trong số đó, ngoài ra còn có các con Toan nghê, Bát hạ, Bệ ngạn, Ly vẫn, Nhai thự, Thao thiết, Bồ lao (1). Tiêu đồ là thú trấn cửa, tôi thấy con thú đá trước mắt ta đây phải là con Tì hí, giống hệt con rùa già còn gì?"
Shirley Dương gật đầu đáp :" Đúng thế, ngoại hình của con thú đá này rất giống thần thú Tì hí cõng bia, nhưng anh nhìn xem, toàn bộ nó đều được tạo hình bằng thủ pháp chạm nổi, đường vân trên mai rùa rất rõ nét, riêng móng ở bốn chân nhọn hoắt như mũi giáo, trong miệng toàn răng sắc nhọn, các đặc điểm này phù hợp với đặc trưng của Tiêu đồ, chỉ có điều chắc là vùng văn hóa nước Điền cổ có khác biệt nên nó không thật giống với con Tiêu đồ của Trung Nguyên mà thôi".
Nói đoạn cô nàng đưa cho chúng tôi xem mấy tấm ảnh do giáo sư Tôn chụp, đó là sáu con thú mà Hiến vương dùng để tế trời tế đất, một trong số đó rất giống với con Tiêu đồ bằng đá này. Tôi đối chiếu kỹ lại, quả nhiên trên đầu con Tiêu đồ cũng có một hình tròn tựa hình con mắt, trước đó bị rễ cây che khuất nên không phát hiện ra.
Shirley Dương nói tiếp :" Sách cổ chép rằng, Tiêu đồ giỏi chắn, ý nói có thể trấn trạch tránh tà. Tác dụng chủ yếu của Tiêu đồ là trấn áp tà khí ở gần mộ của bậc đế vương, sau khi mộ của vương được xây xong, thì chôn nó ở rìa ngoài, giống như lễ đổ móng trong các nghi thức xây dựng kiến trúc hiện đại vậy. Tôi đoán nó là Tiêu đồ, chủ yếu bởi tấm bia gắn trên lưng nó không phải bia đá bình thường, mà có khả năng là lăng phả của mộ Hiến vương".
Ba chúng tôi đều trèo lên mai rùa của con thú đá khổng lồ, lấy dao lính dù khẽ cạo đất bùn bám trên bề mặt lăng phả, chữ và các hình vẽ chạm khắc trên đó dần hiện ra, quả nhiên là không ngoài dự đoán của Shirley Dương. Giờ thì tôi và Tuyền béo không thể không phục cô nàng, hôm nay bọn tôi tỏ ra non kém quá, đành chờ dịp khác gỡ lại sĩ diện vậy.
Shirley Dương giơ máy ảnh chụp lại hết lăng phả khắc trên bia đá. Thông tin trên lăng phả này nhiều đến bất ngờ, miêu tả tường tận quá trình xây mộ của Hiến vương, thậm chí còn có cả một phần ghi chép về bồi lăng nữa. Hiềm nỗi câu văn cổ xưa thâm ảo, có chữ nó biết mặt tôi mà tôi chẳng biết mặt nó, đành để Shirley Dương giải thích thêm, ba chúng tôi chụm đầu lại một chỗ, lần đọc từng chữ từng câu.
Trên lăng phả trước tiên nói rằng nước Điền cổ là ba quận do Tần Thủy Hoàng đặt ra, cuối thời Tần, Hán - Sở dấy lên, thiên hạ đại loạn, thủ lĩnh của ba quận áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, phong tỏa mọi ngả giao thông với phương Bắc, tự lập thành một nước. Về sau nhà Hán bình định được thiên hạ, nhưng ngay từ khi dựng nước, Hán triều đã bị Hung Nô phía Bắc uy ***********, phải lo giữ mình nên không có thì giờ để mắt đến Điền vương.
Vào thời kỳ cuối của nước Điền, sức ép của đế quốc đại Hán ở phương Bắc ngày càng lớn, việc nước ngày càng rối ren, ý trời đã xa lánh, Hán Vũ Đế đòi Hiến vương giao nộp thần vật thượng cổ Mộc trần châu, trong nước vì chuyện này bị chia rẽ gay gắt, Hiến vương mang theo Mộc trần châu thật rời bỏ nước Điền, lặn lội đến tận vùng núi ngất cao miền Tây nước Điền. Điền vương chỉ còn cách dâng một viên "Ẳnh châu" lên cho Hán Vũ Đế.
Đọc đến đây, Shirley Dương đã hơi không kìm nén được cảm giác kích động trong lòng :" Vậy là vấn đề tôi lo nhất đã được làm rõ. Vì Mậu Lăng chôn cất Hán Vũ Đế trong lịch sử đã bị dân binh đào bới tung tóe hết lên rồi, Mộc trần châu bồi táng trong mộ cũng theo đó mà lưu lạc trong dân gian. Thời kỳ lịch sử ấy khó mà đối chiếu xác định được với thời gian xây mộ Hiến vương, thì ra bên trong Mậu lăng chỉ có một viên Ẳnh châu giả mạo mà thôi".
Đoạn sau của lăng phả viết : Mộc trần châu là phượng hoàng do địa mẫu hóa thành, từ thời Thương - Chu đã có thuyết cho rằng có thể dựa vào thần vật ấy mà tu luyện thành tiên, công hiệu thoát thai hoán cốt, nhưng cần có một địa điểm đặc biệt nó mới phát huy được tác dụng. Chu Văn Vương đã từng chép tường tận những nội dung này vào Thiên thư.
Có điều những chuyện cơ mật này thủy chung vẫn nằm trong tay tầng lớp thống trị, hầu hết các vị quân vương đều mơ ước mình có thể đắc đạo thành tiên, trường sinh bất tử để nắm giữ giang sơn ngàn vạn năm, cho nên tất cả đều gắng hết sức hòng khám phá bí mật về Mộc trần châu. Cuối đời Tần, Mộc trần châu lưu lạc đến miền Nam nước Điền, Hiến vương không muốn mất ngọc nên mới bỏ nước mà đi, tìm một nơi trong núi để tu tiên, trong mắt các thuật sĩ phong thủy thì địa điểm mà Hiến vương chọn đáng đượcc gọi là động phủ thần tiên.
Mộ Hiến vương trước sau đã mất hai mươi bảy năm xây cất, nhân lực xây lăng lúc nào cũng duy trì ở khoảng mười vạn người, gần như là đã dốc sạch quốc lực, ngoài nô lệ ra còn có rất nhiều dân chúng man di ở địa phương.
Đọc đến đây chúng tôi đều không khỏi lắc đầu lè lưỡi, thì ra cả đời Hiến vương chẳng làm gì khác, chỉ dốc tinh lực vào việc xây lăng mộ cho mình, muốn mình chết rồi thân xác sẽ được hóa hết ở trong "thủy long huân" mà đặng thành tiên, chuyện này dù sao người ta cũng khó mà tin được. Truyền thuyết về Mộc trần châu chúng tôi đã nghe nói không ít, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được một nội dung nào xác đáng, còn chuyện Hiến vương chết rồi có thành tiên hay không thì lăng phả này không ghi chép, có lẽ phải chờ khi chúng tôi tìm thấy mộ Hiến vương mới giải đáp được.
Thế nhưng lăng phả này chỉ cho biết về quá trình xây dựng mộ Hiến vương, mà không có một chữ nào về địa cung của ngôi mộ.
Những ghi chép kế đó là về bồi lăng. Không kể các hố tuẫn táng, thì bồi lăng thật sự chỉ chôn một viên quan chủ tế, sau khi Hiến vương nhập liệm, người xưa vào thung lũng sâu tìm hai cây đa có thể thay đổi kết cấu phong thủy, trước tiên chôn trấn lăng phả xuống, rồi trồng cây đa trấn lên trên, cuối cùng bắt về một con trăn to nuôi bằng tượng người. Trong lăng phả, con trăn này được miêu tả là con rồng xanh cực kỳ hung mãnh tàn bạo, là loài mãnh thú chỉ núi Già Long mới có. Sau khi ăn đủ tượng người rồi, con trăn sẽ lăn ra ngủ. Lúc này sẽ lột da nó, rồi nhập quan cùng với vị chủ tế kia, thịt trăn thịt người, cộng với đáy quan tài gỗ trẩu, sẽ dần dần gắn kết với cây đa thành một khối, thân xác sẽ được bảo vệ lâu dài không rữa nát.
Vì quan tài ngọc đã bị bắn nát nên kết cấu phong thủy ở đây bị phá vỡ, địa khí ép dưới lòng đất mấy ngàn năm nay có cơ hội phát tiết. Sấm nổ, mây đen đều là đo địa mạch biến đổi mà sinh ra, thế nên mới đẩy trấn lăng phả nằm dưới gốc cây trồi lên.
Phần cuối cùng, trấn lăng phả chép những lời ngợi ca công đức, chẳng có mấy giá trị gì. Tuyền béo thấy lăng phả không ghi chép trong mộ Hiến vương có những kỳ trân dị báu gì bèn không khỏi có phần chưng hửng, còn với tôi thì những thông tin này đã rất đủ để giúp tìm ra mục tiêu một cách thuận lợi. Đã nắm được kết cấu phong thủy ở đây, thì chỉ cần dùng la bàn để định vị, dù không lần ra sông Rắn cũng vẫn có thể tìm thấy mục tiêu đổ đấu.
Thấy chẳng còn nội dung gì đáng xem nữa, tôi thu xếp các vật dụng, suốt một ngày một đêm không ngủ, ai cũng mệt rồi, hôm nay phải tranh thủ sớm tìm ra lối vào khê cốc, sau đó nghỉ ngơi cho đẫy.
Shirley Dương thấy tôi và Tuyền béo chuẩn bị thu dọn đồ đạc để xuất phát, bèn nói :" Đừng vội thế, mặt sau của trấn lăng phả còn một số nội dung nữa, chúng ta nên đọc nốt, đừng bỏ sót thì hơn".
Tôi đành đi vòng sang phía bên đó, thấy lưng bia còn một số nội dung gì đó. Shirley Dương đã cầm dao cạo sạch đất bám bên trên, chúng tôi xán lại và cùng ngớ ra không nói được gì nữa. Thì ra phía sau của trấn lăng phả là một bức phù điêu choán hết bề mặt, một tòa cung điện trang nghiêm tráng lệ nhất trên đời đặt trên tầng mây nhiều màu rực rỡ. Chẳng lẽ mộ Hiến vương thật sự được xây dựng trên trời hay sao?
--------------------------------
Chú thích:
1. Chín đứa con của rồng thực ra đều là sản phẩm tưởng tượng của người Trung Quốc sau khi đã cho rồng phối giống với các loài động vật khác. Ở đây, Tì hí là con của rồng sau khi phối giống với rùa, cho nên mình thì là mình rùa, nhưng đầu lại là đầu rồng. Ở Trung Quốc, Tì hí là con vật chuyên cõng bia đá, nhưng khi Việt Nam ta du nhập con Tì hí về lại biến nó thành con rùa quen thuộc, thành thử ở Việt Nam, con vật đội bia chỉ đơn giản là con rùa