1 Chương 1: Tóc dai, váy ngắn, mắt oán hờn
Nhưng vấn đề là tàu lại trễ giờ.
Điều này Na Lan cũng đã quen, nên đối với bất cứ cuộc hẹn nào cô cũng luôn là người đến sớm hoặc đến đúng giờ. Thói quen này đã có từ nhỏ. Đối với tôi hoặc bạn, sau khi bị chưng hửng chờ suông, thì thói quen đúng giờ của chúng ta chắc sẽ bị biến dạng, ta sẽ "không thật thà như thế nữa". Nhưng Na Lan là cô gái rất khó bị "biến dạng" như vậy. Khoa tâm lý trường đại học Giang Kinh vốn nổi tiếng là lắm người đẹp, một cô gái tầm cỡ như Na Lan – nói theo kiểu của các chàng trai hay cợt nhả- cô sẽ sớm bị xã hội "biến dạng" để mà sớm làm vợ, hoặc chí ít cũng là "bồ nhí" của ai đó. Nhưng cô vẫn độc thân, mải miết thi cử, nghiên cứu, khảo sát (tư vấn tâm lý).
Na Lan nhìn về phía đảo Hồ Tâm. Một vùng xanh mơn mởn dưới ánh nắng rực rỡ, chắc đảo đã được phủ kín cây xanh. Cô ước lượng khoảng cách từ đây đến đảo chỉ 3km là cùng, nếu đeo chân nhái thì có thể bơi sang đó ngon lành. Từ năm lên bảy tuổi Na Lan đã được người cha sát sao hướng dẫn tập bơi bất kể mùa hè mùa đông. Sau đó, cô trở thành thành viên đội bơi trường thể dục thể thao thiếu niên, hiện tại cô đang là đội trưởng đội bơi của đại học Giang Kinh.
Sắp đến ngày giỗ cha lần thứ năm mà hung thủ vẫn đứng ngoài vòng pháp luật. Hương hồn của cha giờ đang ở đâu?
Nghĩ đến người cha, cô cố gắng hít thở thật sâu. Giờ không phải lúc bùi ngùi thương cảm.
Con tàu đã bắt đầu rời đảo Hồ Tâm chạy sang bên này. Nó chạy vội vã, hình như biết lỗi vì sang trễ giờ và muốn bù lại thời gian đã phí phạm.
Trong lúc chờ đợi, Na Lan điểm lại một lượt nhiệm vụ ngày hôm nay: gặp rồi sẽ nói gì, nếu không kết quả thì sao, thế nào được coi là có hiệu quả, nếu không có thu hoạch gì thì trở về sẽ báo cáo ra sao...
Nhưng dù sao đối tượng hôm nay cô trò chuyện cũng không phải một tội phạm hình sự nguy hiểm.
Ba tháng vừa qua ngày nào Na Lan cũng đi xe buýt đến trại giam phường Giang Thành để phỏng vấn tội phạm hình sự, thực hiện khóa luận tốt nghiệp theo chỉ bảo của thầy giáo hướng dẫn. Cô cho rằng đó là một đề tài bình thường và có ý nghĩa vừa phải, nhưng lại "được" tập san nội bộ nhà trường thổi phồng thành "một luận văn tốt nghiệp đầy tham vọng của khoa tâm lý". Thông qua thống kê phân tích môi trường trưởng thành, tình trạng tâm lý và động cơ gây án, cô muốn tìm ra quy luật tâm lý của các tội phạm hình sự. Khi nói chuyện với họ, dẫu có cảnh sát đứng bên hỗ trợ, Na Lan cũng chưa bao giờ thấy thân thiện thoải mái. Cô đã phải chịu đựng rất nhiều sự công kích ác độc, lạnh nhạt khinh thường và chớt nhả trắng trợn của họ.
Cho nên, khi kỳ nghỉ hè vừa đến, cô bèn tạm biệt cuộc sống "tự hủy diệt" ấy, lựa cơ hội tìm kiếm một công việc nhàn nhã lành mạnh hơn một chút.
Những điều này đều là tổng kết của Đào Tử.
Đào Tử và Na Lan là hai nữ hoàng sắc đẹp của khoa Tâm lý đại học Giang Kinh. Các giáo sư cao tuổi nhớ lại rằng, hồi xưa khoa Tâm lý đã từng cùng lúc xuất hiện hai cô bạn thân tài sắc vẹn toàn, ấy là 25 năm về trước. Hai nữ nhân vật trong thế kỷ trước, giờ đây một người đang là Thứ trưởng Bộ ngoại giao, người kia là Tổng Giám đốc chuỗi Trung tâm phục hồi sức khỏe bên Mỹ, "đẳng cấp" triệu đô.
Tàu đã cập bờ, cửa mở toang. Khách xuống tàu vội vàng, khách lên tàu cũng vội chẳng kém. Không kể Na Lan, xem chừng những người kia đều là nội trợ hoặc người giúp việc, họ đi chợ sớm mua sắm, tay xách làn to túi nhỏ, muốn trở về đảo Hồ Tâm mát mẻ trước giờ cao điểm mặt trời ra oai nắng gắt.
Ông chủ tàu trạc ngoài 40 tuổi, đầu nhẵn thin, chẳng rõ do hói đầu hay cắt trọc, mắt đeo kính râm to đùng che gần hết nửa khuôn mặt. Kể cũng phải. Suốt ngày lái tàu dưới nắng chói chang mà không đeo kính thì mới là lạ! Ông ta thấp người nhưng rất vạm vỡ, đùi to tướng như hai cây cột, lái tàu rất êm, hành khách không hề thấy tròng trành. Ông ta hầu như quen khắp lượt hành khách, trò chuyện rất cởi mở tự nhiên. Nhìn thấy Na Lan, ông ta cười nói: "Tôi đánh liều đoán thử nhé, cô sang gặp Tần Hoài, đúng không?"
Na Lan tươi cười đáp lại: "tàu của ông có gương không?"
Ông ta ngớ ra. Cô nói tiếp: "Lúc sớm ra khỏi nhà tôi đã soi gương, chẳng thấy mẩu giấy nào dán vào tôi viết rằng tôi đi gặp ai, sao ông lại đoán thế?"
Vài hành khách dỏng tai lắng nghe, rồi bật cười. Ông chủ tàu nói: "Đoán thì khó gì? Một cô gái xinh đẹp, đóng bộ nghiêm chỉnh, lại đi một mình... Tôi dám chắc là sang tìm Tần Hoài"
"Chắc cô hâm mộ nên mới sang gặp?"
"Hoặc là bạn gái, ai mà biết được? đó là chuyện riêng tư của người ta"
Ông ta lại nhìn Na Lan một lượt: "À, chắc cô là..."
Na Lan nghĩ bụng, đây là chuyện riêng của tôi, nhưng ngoài miệng lại cười: "Tôi có việc công"
"Việc công à?"
"Về chuyện viết sách" là việc công hay tư, Na Lan chẳng muốn nói thêm nữa.
Ông ta vỗ lên cái đầu nhẵn thin của mình: "Ôi, tôi rõ thật là... Anh ta chuyên viết văn, thì công việc chính là nói về bản thảo. Cô là nhà xuất bản nào thế?"
"Tôi chỉ là nhân viên nhà xuất bản. Họ cử sang để... làm trợ lý cho anh ta." Nhưng cô biết ngay mình đã nói hớ, không thể rút lại lời đã buột miệng, chỉ mong tiếng còi tàu thủy đủ để làm nhiễu "ra-đa" của mấy người khách đi tàu.
Nhưng "máy bắt sóng vệ tinh" của họ chống nhiễu rất tốt, ai cũng tủm tỉm tỏ ra mình đã thừa hiểu cả, các tờ báo lá cải hay loan tin nên họ đều biết "trợ lý" nghĩa là gì.
Có lẽ đeo thêm chân nhái mà bơi sang đảo Hồ Tâm cũng là một ý không tồi.
Rốt cuộc cũng đã sang đến nơi. Con tàu chầm chậm chạy nửa vòng quanh đảo Hồ Tâm, mé bên kia không có đá ghềnh thì mới có thể cập bờ.
Trong số vài người lèo tèo đang chờ tàu, có một cô gái tóc dài, mặc váy ngắn là trông bắt mắt hơn cả.
Ông chủ tàu cố ý nói cho Na Lan nghe thì phải: "Kìa, có một người" Là ai? Là người sang đây "có chuyện riêng" với Tần Hoài!
Cô gái ấy đeo kính râm. Không hiểu tại sao Na Lan có cảm giác sau cặp kính râm ấy đôi mắt cô ta đã "tia" vào mình từ rất xa. Cô thậm chí cảm thấy đôi mắt ấy đỏ dòng dọc, đuôi mắt ươn ướt, ánh mắt oán hờn.
Nhưng chỉ là cảm giác, rất vô căn cứ.
Hành khách lần lượt xuống tàu, Na Lan đi sau cùng. Ánh mắt cô gái kia bám sát khi cô cảm ơn ông chủ tàu, khi cô bước lên bậc thềm, khi cô khẽ vuốt tóc mai, khi cô và cô ta đi ngược chiều nhau trong giây lát, dõi theo khi cô bước ra cửa rào chắn bến tàu.
Vào cái giây lát ấy, Na Lan ngửi thấy mùi nước hoa oải hương.
Mọi cử chỉ của Na Lan đều lọt vào tầm mắt một người.
Xem ra, Na Lan xinh đẹp vừa xuống tàu kia đúng là một "người mới" đáng để bao kẻ khao khát. Tuy đã sớm đoán biết người mới này rất lộng lẫy, nhưng người ấy vẫn phải kinh ngạc trước vẻ diễm lệ sáng ngời của Na Lan với làn da trắng ngần, trang phục đẹp mà không lòe loẹt, điềm đạm nhưng toát ra nét đoan trang đầy sức sống. Chỉ trên trời mới có mỹ nhân như thế này.
Nghĩ đến đây, người ấy thấy tiếc cho Na Lan. Một người đẹp nhường này mà lại sắp trở thành vật hy sinh.
Ánh mắt người ấy có nét xót thương, ham muốn, hứng khởi và cả thất vọng nữa. Nhưng một bóng người đã chắn mất tầm nhìn.
"Cô là Na Lan phải không?" bên ngoài bến tàu, một giọng nói vang lên, một bàn tay to đầy nhiệt tình chìa ra. Đó là một thanh niên rất điển trai, mạnh mẽ.
"Vâng, anh là..." thoạt nhìn Na Lan ngỡ là chính Tần Hoài đón cô, nhưng cô lập tức nhận ra anh chàng này không giống ảnh Tần Hoài vẫn đăng trên các báo. Chẳng khác gì ảnh của các nhà văn mà báo chí vẫn đăng, Tần Hoài trong ảnh cũng cố tỏ ra thâm trầm, tư lự. Còn anh chàng này thì khác hẳn, đôi mắt to, cặp lông mày rậm, hàm răng trắng bóng, trông rất sáng sủa.
"Tôi là Phương Văn Đông, anh Tần Hoài nhờ tôi ra đón cô."
Na Lan nhớ ra các bước cô đã chuẩn bị cho công việc này, biết rằng Phương Văn Đông cũng là văn sĩ hay viết tiểu thuyết kinh dị, bắt đầu hành nghề gần như cùng lúc với Tần Hoài nhưng thành công của anh còn thua xa. Hai người là bạn chí thân, thường cùng xuất hiện trong các buổi tọa đàm, các dịp bán sách ký tặng độc giả và các diễn đàn ở trường học.
Na Lan gật đầu mỉm cười: "Ngưỡng mộ anh đã lâu"
"Không dám. Tôi không phải chịu nhiều áp lực vì luôn có nhà xuất bản đặt viết như Tần Hoài, nên thường làm chân sai vặt cho anh ấy. Tôi sắp thành lái xe riêng cho Tần Hoài cũng nên. Nhưng chúng tôi là bạn thân, anh ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều." Phương Văn Đông dẫn Na Lan đến chỗ chiếc xe BMW đang đỗ ngoài bến tàu.
Tiếng còi tàu bỗng rền vang, dường như nhắc nhở Na Lan: ánh mắt sắc như dao cạo vẫn bám theo cô đến chỗ ô tô đỗ.
Cô từ từ quay người lại, vì thấy sau gáy đau nhói như bị mũi dao chích.
Con tàu đã rời bến nhưng ánh mắt ấy vẫn còn. Cô gái tóc dài váy ngắn đang đứng nơi đuôi con tàu, mặt hướng về đảo Hồ Tâm. Cô vẫn nhìn xoáy vào Na Lan.
Cô không thấy đôi mắt sau cặp kính râm nhưng cô cảm nhận được hình như ánh mắt ấy chất đầy oán hờn.
Cô ta là ai?
Na Lan quay người, vẻ ngập ngừng. Phương Văn Đông hiểu ra ngay, anh định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Na Lan cũng không hỏi anh nửa lời.
Phương Văn Đông mở cửa mời cô lên xe, tỏ ra rất đàn ông, rất chuyên nghiệp. Na Lan cảm ơn. Rồi đóng cửa xe. Từng làn hương thơm ngát phả vào cô, mùi nước hoa của phụ nữ, mùi thơm của hoa oải hương.
Chiếc xe hơi này đã chở cô gái kia đến bến tàu, bây giờ lại đón Na Lan.
Tần Hoài nổi tiếng trong làng văn là "nhà văn sưu tập tem", tiếng đồn không ngoa!
"Tôi biết cô đang nghĩ gì" Phương Văn Đông khởi động xe, nhưng anh chưa vội quay xe "Cô ấy là Ninh Vũ Hân, tôi vừa chở cô ấy đến bến tàu để quay về thành phố Giang Kinh. Chắc lúc này cô đang nghĩ rằng cô ấy là một trong số đông các bồ nhí của Tần Hoài mà dư luận vẫn đàm tiếu"
Lúc nãy là ông lái tàu thủy, bây giờ là anh lái xe, hôm nay Na Lan toàn gặp siêu thầy bói Gia Cát Lượng thì phải? Cô có nghe nói Ninh Vũ Hân là nữ văn sĩ cũng có chút tiếng tăm, hay viết tiểu thuyết tình cảm u buồn.
"Đàm tiếu hay không, chẳng liên quan gì đến tôi"
"Có chứ! Rất liên quan đấy!" Phương Văn Đông mở chiếc cặp da lục tìm "Rồi cô sẽ biết ngay" Cuối cùng anh lấy ra một tờ báo đưa cho Na Lan : "Cô có nhận ra người này không?"
Na Lan nhìn thấy ảnh cô gái trên trang báo, chính là Ninh Vũ Hân đang trên tàu thủy trở lại Giang Kinh kia. Báo lá cải hôm qua giật tít đỏ rất bắt mắt: "Nhà văn xinh đẹp thố lộ lịch sử tình yêu trên mạng", ở một góc khác là bức ảnh Tần Hoài – chủ nhân của thuộc hạ Phương Văn Đông.
"Tôi không hiểu tại sao anh lại đưa tôi xem cái này? Tôi sang làm trợ lý sáng tác, đâu có làm trợ lý quan hệ công chúng cho anh ấy?" Na Lan cau mày, cô thấy rất phản cảm.
Phương Văn Đông vội nói: "Tôi hoàn toàn không có ý đó" Rồi anh lái xe ra khỏi bến tàu "Chẳng cần tôi nói, chắc cô cũng biết Tần Hoài bị dư luận chế nhạo về cái chuyện kia. Nhưng tôi rấ muốn làm cho mọi người hiểu rằng anh ấy không phải hạng người đó. Chẳng qua là một số cô gái nghĩ lệch lạc cực đoan và một số trong giới truyền thông rách việc đã tô vẽ Tần Hoài thành một gã ăn chơi đàng điếm..."
Đường ven núi ngoằn nghoèo, hai bên đường cây cối um tùm thấp thoáng bóng những tường gạch mái ngói. Họ đã đi qua vài chục ngôi biệt thự hoặc những khu biệt thự liền kề.
"Ninh Vũ Hân có quen Tần Hoài, họ cùng là văn sĩ ở Giang Kinh, nhưng xưa nay họ chưa từng đi quá giới hạn của tình bạn bình thường" Phương Văn Đông điều khiển xe rất êm "Nhưng chẳng hiểu tại sao cô ấy cứ nghĩ hai người đã là một cặp rồi. Tối qua cô ấy lại sang đây, nói là Tần Hoài không nên chung chạ rồi ruồng rẫy. Oan cho anh ấy! Phải có cả hai phía thì mới nên chuyện chứ! Chỉ là đơn phương, thì chung chạ hay ruồng rẫy cái gì? Cái tật lớn nhất của Tần Hoài là dễ mềm lòng. Đêm qua anh ấy vẫn để cô ta ngủ phòng khách, sáng nay mới bảo tôi đưa ra bến tàu"
Bất chấp nhiệt độ bên ngoài trên 35 độ, Na Lan hạ cửa kính xe, vì hình như Phương Văn Đông càng giải thích càng khiến không khí bên trong xe ngột ngạt.
"Những điều này thì ảnh hưởng gì đến công việc của tôi?" cô nhã nhặn hỏi, và không mong được nghe câu trả lời có logic nào hết.
Phương Văn Đông ngớ ra, nghĩ ngợi một lát rồi nói "Cô sẽ phải hàng ngày tiếp xúc với Tần Hoài nếu hiểu được bản chất của anh ấy thì tốt. Anh ấy không phải "nhà văn chơi tem" tệ hại như báo chí đã viết. Tôi biết anh ấy đã mấy năm, tôi phát ngôn rất chuẩn."
Xem ra Phương Văn Đông đúng là trợ lý quan hệ xã hội của Tần Hoài.
"Cảm ơn. Tôi sẽ chú ý, sẽ không tùy tiện hạ thấp nhân cách của người ta... và sẽ gắng quan hệ hài hòa với anh ấy"
"Tôi không nói anh ấy là người hoàn hảo, vào việc rồi cô sẽ biết... anh ấy... anh ấy hơi kỳ dị, tính cách có chút khiếm khuyết. Ai mà chẳng thế, ngọc có tỳ vết nhưng vẫn lung linh."
Na Lan nhớ đến những lần vào trại giam điều tra tâm lý "Trước đây tôi tiếp xúc với nhiều người, họ cũng đều có chút khuyết điểm..."
Phương Văn Đông không nhận ra tâm trạng "gượng gạo" của cô, anh đáp: "Thế thì tốt" Rồi anh lẩm bẩm như nói với chính mình "Mong sao Ninh Vũ Hân sẽ không làm phiền cô như đã bám riết Tần Hoài. Hiện giờ tâm trạng cô ấy hết sức cực đoan, tôi cảm thấy thậm chí cô ấy nghĩ bừa cô là..."
"Tình địch?" lúc này Na Lan đã hiểu tại sao lúc ở bến tàu Phương Văn Đông do dự muốn nói gì đó. Cô có thể hinhfdung Ninh Vũ Hân lúc ngồi trên xe đã căn vặn Phương Văn Đông sắp đi đón một "quý khách" lai lịch ra sao.
"Nhưng chẳng đến mức ấy đâu. Có lẽ tại tôi đã cả nghĩ đó thôi" Anh ta thở dài
Na Lan bỗng cảm thấy có lẽ công việc này của mình chẳng dễ chịu hơn vào trại giam điều tra tâm lý là mấy.