39 Chương 39
Đọc chữ cũng như gặp người.
Anh chưa từng kể với em về cái lần gặp ma ngày ấy.
Ở gần trường cấp 3 Nam Minh có một nhà máy sản xuất gang thép đã phá sản, em cũng biết cạnh đó có một bãi đất hoang phải không. Năm 1988, anh vẫn còn đang học lớp 12, vẫn hay cùng bạn học đến đó đá bóng, mỗi lần đá bóng bay qua tường nhà máy là anh lại phải trèo sang nhặt. Có hôm đá bóng rất muộn, khi anh trèo qua tường, quay đầu nhìn lại đã thấy mọi người chạy hết sạch rồi. Trời mùa đông tối rất nhanh, gió rít dữ dội, trước mắt anh là nhà máy vắng tanh không một bóng người, chỉ có nhà xưởng ở khu Ma nữ ấy và đám dây leo mọc hoang khô úa mà thôi. Người ta đồn rằng, những lúc thế này dễ gặp ma nhất.
Quả nhiên, anh đã gặp cô ấy.
Cô ấy bước ra từ bụi cỏ hoang, mặc một chiếc sường xám mỏng manh, chẳng hề sợ tiết trời giá lạnh, kiểu tóc của cô ấy giống y như trong những bộ phim chúng ta thường xem. Cô ấy dùng ánh mắt kỳ quái nhìn chằm chằm vào anh. Năm đó anh mới 17 tuổi, ấy thế mà cô ấy cũng chủ động nói chuyện với anh cơ đấy. Giọng cô ấy nhỏ nhẹ cất lên khẩu âm Quảng Đông. Anh cũng không nhớ rõ đã nói những chuyện gì, nhưng cảm giác khi đó không phải là sợ hãi. Anh theo cô ấy tản bộ giữa vô vàn hoang phế lạnh lẽo, ngắm màn đêm chầm chậm buông để nâng vành trăng khuyết lên đỉnh ống khói vỡ nát. Anh nhìn thấy nỗi u sầu bi thương nơi đáy mắt cô ấy, anh nghe cô ấy kể những câu chuyện hay ho từ hồi xửa hồi xưa, còn cả cuộc đời ngắn ngủi của cô ấy nữa. Gương mặt mãi mãi ngưng đọng ở tuổi 25 của cô gái dừng lại giữa khoảng đất hoang vu, không bao giờ biến đổi hay tổn thương nữa.
Thời gian dần hóa thành những lớp bụi phủ dày, cô ấy vẫn như xưa diễm lệ xinh tươi, được chôn vùi dưới những lớp đất sâu. Anh của thời niên thiếu ấy cứ đứng mãi dưới trăng lạnh, ôm một quả bóng đá trong lòng, cỏ dại nằm bên đang ca hát còn gió thì cứ mãi lay động ánh mắt sáng trong.
Cô ấy cười với anh một cái, nhưng chẳng hề dẫn anh theo cùng.
Cho nên anh lại được giống như những người khác, chầm chậm lớn lên, vào đại học, ra xã hội, không thay đổi được thế giới, ngược lại còn bị thế giới cải tạo, trở thành một người mà cô ấy không thể nhận ra được nữa.
Khi ấy, anh đã già mất rồi.
Cô ấy sinh năm 1910, mất ngày 8 tháng 3 năm 1935, sau khi chết được chôn ở nghĩa trang người Quảng Đông. Sau này nghĩa trang bị san phẳng để xây nhà máy xí nghiệp, xương cốt của cô ấy cứ thế lẫn vào khu Ma nữ ấy. Anh cũng sẽ giống như cô ấy, chết ở tuổi 25, có phải không?
Thầy Minh của em
Ngày 8 tháng 3 năm 1995
Năm 2011, mùa thu, Tiểu Chi quay lại trường cấp 3 Nam Minh, trở thành giáo viên dạy ngữ văn.
Cô ngồi một mình trong góc thư viện, mở lá thư đã được giữ gìn mười sáu năm, trên trang giấy ố vàng là những hàng chữ ngay ngắn đẹp đẽ của Thân Minh.
Phải đến ngày học cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh mùng 1 tháng 10 dài ngày, Âu Dương Tiểu Chi mới bước vào thư viện. Năm xưa không biết cô đã từng đến đây bao nhiêu lần, dù có sự tồn tại của căn gác nhỏ trong truyền thuyết thì đây vẫn là nơi cô thích nhất. Năm xưa không có mạng Internet, sách giáo khoa hoàn toàn không thể đáp ứng được nhu cầu học tập và tìm kiếm tri thức của các em, mỗi cuốn sách ở đây đều vô cùng quý giá. Cô thường ngồi trong phòng đọc hai tiếng đồng hồ, có lúc còn quên cả ăn bữa tối...
Giờ đây, thư viện đã được sửa sang lại, phòng đọc sách vẫn ở chỗ cũ, bàn ghế được thay mới hoàn toàn, sách sưu tầm đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn còn đó những cuốn sách cũ từ hơn mười năm trước. Cô loanh quanh thật lâu trước những giá sách xưa, mãi mới tìm thấy cuốn “Sự hưng vong của đế quốc thứ ba”, trên bìa sách màu nước biển in hình Hitler. Tấm thẻ mượn sách đã ố vàng được gài vào trang cuối cùng của cuốn sách, giữa những cái tên viết chi chít bên trên lấp ló hai chữ “Thân Minh”. Cô đặt tấm thẻ mượn sách lên môi, dường như đang hít hà hương thơm từ kiếp trước. Cuốn sách này đã được biết bao nhiêu người mượn, ấy vậy mà chẳng ai phát hiện ra một bí mật, rằng trên mặt sau tấm thẻ mượn sách dày dặn kia, có người đã dùng bút chì phác họa ra gương mặt của cô.
Tại sao lại chọn “Sự hưng vong của đế quốc thứ ba”? Bởi vì, làm gì có cô gái nào đọc loại sách như thế cơ chứ?
Một điều bất ngờ là, năm 1995, trong một bộ phim được công chiếu tại Nhật Bản cũng có một tình tiết tương tự như vậy.
Bỗng nhiên, trong thư viện có thêm một người, Âu Dương Tiểu Chi cất bức thư năm xưa đi, nhét cuốn “Sự hưng vong của đế quốc thứ ba” về giá sách y như cũ. Cô nấp sau giá sách, quan sát người vừa đến từ phía sau những cuốn sách. Lại là cậu ta?
Cậu học sinh mới tên Tư Vọng này cực kỳ thông thuộc đi qua đi lại trong phòng đọc sách, ngón tay lướt qua từng hàng từng hàng sách, tựa hồ lướt qua trước mắt cô. Ngón tay cậu dừng trên gáy của một cuốn sách, chính là “Sự hưng vong của đế quốc thứ ba”. Tư Vọng quyết đoán rút cuốn sách ra, lật thẳng tới trang cuối cùng, lấy ra tấm thẻ mượn sách, rồi cũng đặt mặt sau của tấm thẻ ấy lên môi.
Không thể nào, cậu ta không thể nào nhìn thấy động tác vừa rồi của Âu Dương Tiểu Chi được.
Rất lâu sau, Tư Vọng đặt cuốn sách về chỗ cũ, ngẩng đầu lên liếc qua căn gác nhỏ rồi rời khỏi thư viện. Lúc này Tiểu Chi mới dám thở phào nhẹ nhõm, cô đứng khuất sau khung cửa sổ tầng 2, dõi theo bóng cậu trên sân vận động.
Nửa tiếng sau, Âu Dương Tiểu Chi trở lại phòng giáo viên, trong văn phòng không có thầy cô nào khác, có người vẫn đang ăn cơm ở nhà ăn, có người đã về nhà trước. Trên bàn chất đầy những bài tập ngữ văn sáng nay cô vừa thu, trên màn hình chờ là bức ảnh Fuji Itsuki, nhân vật nam chính trong bộ phim “Thư tình”. Cô bỗng thấy mệt mỏi, toan ngồi xuống ghế nhắm mắt dưỡng thần thì tay bỗng đụng phải chuột trên bàn, tắt đi cảnh trên màn hình chờ. Lúc này cô mới phát hiện bên dưới con chuột có một tờ giấy, bên trên là mấy câu thơ, được viết bởi bút tích của ai đó.
Đâu khi tiêu thổi dưới hoa
Tường hồng lặng ngắm ngân hà trên cao
Sao kia đã chẳng đêm nào
Vì ai vẫn đứng nghẹn ngào gió sương
Mỏi mòn kiệt sức tơ vương
Lòng đau thân chuối canh trường càng trơ.
Tháng năm vò võ thoi đưa
Thương thay ly rượu mãi chưa cạn sầu.
Là bài thơ số 14 trong chùm “Mười sáu bài Ỷ hoài” của nhà thơ đời Thanh Hoàng Trọng Tắc. Cô không những nhớ bài thơ này, mà còn nhớ rất rõ nét chữ này, từng nét từng nét đều chưa từng thay đổi... Âu Dương Tiểu Chi ngồi sụp xuống ghế, ôm chặt lấy trái tim mình, rút từ trong túi ra lá thư cũ kỹ đó, so sánh những nét mực còn chưa ráo này với bút tích đích thân Thân Minh viết năm xưa... dường như chắc chắn rằng chúng là do một người viết!
Cô vô thức vươn tay về phía cốc trà, lại lập cập làm đổ cái cốc, nước trà hoa hồng lênh láng khắp mặt bàn. Cô vội vã luống cuống thu dọn, dùng hết cả hộp giấy ăn mới lau sạch, tờ giấy kia đã ướt đẫm nước, liệu có bị nhòe mực hay không? Cô thương tiếc đặt lá thư viết bài thơ của Hoàng Trọng Tắc lên bậu cửa sổ, đặt chặn cái chặn giấy lên đợi hong cho khô.
Tiểu Chi lao ra khỏi phòng, mịt mờ nhìn xung quanh, trên hành lang dần đông người đi lại, ai cũng có thể bước vào văn phòng, ai cũng có thể là nơi ký thác vong hồn của Thân Minh.
Cuối cùng, cô đưa mắt nhìn thẳng lên sân thượng của tòa nhà tổng hợp, từ đây có thể nhìn rõ văn phòng của cô.
Dường như ở nơi đó có ánh sao sớm lưu lạc từ đêm qua, bởi vì ai mà sừng sững cản giông ngăn bão.