6 Chương 6: Hộp sắt oan hồn
Lý Đại Lăng muốn đi theo hỗ trợ. Hắn là kẻ không có lợi đừng hòng đi theo, nghe Ngô lão hiển nói về kỳ ngộ ở vườn rau từ đường Lý công, biết rõ vụ án xác chết ở ngã ba sông và đại tiểu thư nhà họ Thạch mất tích cùng một thời gian, tám chín phần mười là cùng một người, không bắt được Liên Hóa Thanh thì án này không thể giải quyết ngay được. Vì Thạch lão gia đã đồng ý có thưởng nên hắn cũng phải liều mạng, chứ nếu không cũng chẳng được cắc nào.
Quách sư phụ nghĩ thầm, mặc dù Lý Đại Lăng là một tên cầu bất cầu bơ, nhưng hắn lại có thể trà trộn trên đường, chui vào ổ chuột, chỗ nào cũng có thể vào, không có hắn điều tra thì cũng không thể nào biết hết được. Qua cái lỗ tai ấy, dù có là gió thổi cỏ lay thì hắn cũng biết. Có thêm sự trợ giúp của hắn thì cũng không tồi vì thế nên Quách sư phụ đồng ý, bắt đầu đi điều tra. Vạn sự khởi đầu nan, chỉ cần tìm được một chút manh mối là sẽ có thể lần ra Liên Hóa Thanh, rồi có khi lại có thể bắt được. Nhưng án cũ đã qua nhiều năm, đâu có dễ phá, đúng là như mò kim đáy bể.
Hỏi tới hỏi lui, cuối cùng biết được Liên Hóa Thanh sinh ra tại Trần đường trang, cách thành cũng không xa. Quách sư phụ và Đinh Mão ngày nào không tìm ra, sống không yên. Hai người tới Trần đường trang tìm kiếm manh mối. Trần đường trang chính là nơi thờ cha con Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh trong truyền thuyết trấn thủ Trần Đường Quan. Thời xưa, Quan Hạ là vùng biển, về sau biển cạn, biến thành Trần đường trang, thời trước giải phóng còn có miếu Trấn Hải và miếu Na Tra. Quách sư phụ và Đinh Mão tới vùng phụ cận hỏi thăm, khi nhắc tới Liên Hóa Thanh, thật sự có không ít người biết. Nhà của Liên Hóa Thanh vốn là nhà phú hộ ở địa phương nhưng cả nhà đã sớm chết sạch.
Nhưng cả nhà họ Liên chết thế nào, vì sao Liên Hóa Thanh lại trở thành đồ đệ của con sái hầu kia cùng hướng đi phía sau thì cả Trần đường trang cũng chẳng có mấy người biết. Mà cho dù có biết thì cũng chỉ là tin đồn, không thể nào coi là chắc chắn được. Sau một ngày lân la, hai người vẫn không thu được kết quả gì, tới lúc xế chiều định về thì đột nhiên trời u đất ám, sau đó nổi cơn mưa giông.
Vài ngày trước, trời luôn oi bức không giọt mưa, hạn tới mức nhất định là sẽ úng, dưới đất là thời binh hoang mã loạn, ông trời già cũng chẳng thể nào hòa nhã được. Hai người vừa mệt vừa đói lại nhìn thấy trời mưa như trút nước, mà cũng đã tối nên đành phải tới một ngôi miếu thổ địa trong vùng tránh mưa. Có khi mưa hết cả đêm, nên phải trú ít nhất là tới sáng rồi mới có thể tính tiếp. Chỗ trú là một tòa miếu thổ địa tan hoang đã lâu, mạng nhện phủ đè lên bụi, gió lạnh từ tám phương ùa vào như không tường, ở trong còn có một người ăn xin. Cùng cảnh trong miếu, tối lửa tắt đèn, hơn nữa người ăn xin này tóc tai bù xù, mặt còn đen hơn cả Táo quân, căn bản không nhìn ra cái gì.
Người ăn xin thấy có hai người vào miếu thổ địa thì vội vàng bưng cái bát lên cầu khẩn: "Xin nhị vị thương xót, xin ngài thương xót, cho ta xin cái ăn. . ." Quách sư phụ và Đinh Mão cả ngày quên ăn, trong người có cất mấy cái bánh nướng làm lương khô, thấy người ăn xin này cũng đáng thương nên đưa ngay cho hắn một cái bánh nướng. Gã ăn xin nhận lấy cái bánh rồi rúc vào góc tường ăn như hổ đói.
Đinh Mão nói: "Anh à, đừng để đám bọ chó trên người gã kia lây sang, tốt nhất là tránh xa hắn một chút." Nhưng cái miếu thổ địa đổ nát tứ bề, diện tích cũng không lớn, còn có chỗ dột nên hai người đành phải vơ đám cỏ khô trên đất lại rồi ngồi ở góc tường, vừa gặm bánh cho đỡ đói vừa kể lại những tin tức đã nghe được trong ngày ở Trần đường trang.
Gã xin ăn kia cũng lắm miệng, nghe hai người nhắc tới Liên Hóa Thanh thì vội nói: "Nhị vị muốn hỏi chuyện liên quan tới Hà yêu Liên Hóa Thanh à? Không dối gạt hai vị, ta cũng biết không ít, hai vị thưởng thêm cho ta mấy cái bánh nướng, ta sẽ nói toàn bộ cho hai người biết."
Quách sư phụ và Đinh Mão nghĩ đơn giản là người ăn xin này muốn thêm bánh nướng, vừa nói 'chúng ta cả ngày chưa ăn cái gì, chỉ dắt theo có vài cái bánh nướng này, vừa rồi cho ngươi một cái là anh em ta phải nhịn đi một ít, giờ cũng chỉ có thể cho ngươi thêm một cái', nói xong ném cho người ăn xin kia một cái bánh nướng nữa. Gã cảm tạ rối rít rồi nói: "Có không ít người biết Hà yêu Liên Hóa Thanh ở Trần đường trang, nhưng biết rõ thì chỉ có vài người. Ta chính là một trong số đó. Bởi vì năm xưa ta đã từng ăn cơm cùng với Liên Hóa Thanh, nếu hai vị không chê tiểu nhân lắm mồm thì xin nghe tiểu nhân kể lại. . ."
Vào ban đêm, cơn mưa như khắc khoải trút xuống, người ăn xin ở trong miếu kể lại cho Quách sư phụ và Đinh Mão về lai lịch xuất thân của Liên Hóa Thanh. Liên Hóa Thanh lấy họ của mẹ. Năm xưa, Trần đường trang có gia đình lớn họ Liên, gia cảnh giàu có, trong nhà có hai con trai, một con gái. Con gái tên Thu Nương đã tới tuổi lấy chồng, gả cho một nhà trong làng. Nhà đó cũng khá giàu có. Thời trước, người ta thường rất chú trọng tới tập tục hôn nhân, ví dụ như sau ba ngày bái đường thành thân, vợ chồng cố gắng nói thật ít, nói nhiều là giảm thọ, ngày thứ tư, tân nương có thể trở về nhà mẹ đẻ, ngày này là ngày hồi môn nhưng phải trở về chứ không được ở lại. Ngày thứ tư về nhà gọi là hồi tứ, ngày thứ sáu về nhà gọi là hồi lục. Hồi tứ, hai vợ chồng phải gặp lại mặt nhau trong ngày, tới lúc trời tối không được ở lại nhà mẹ đẻ tới lúc thắp đèn, vì nhìn thấy đèn là sẽ chết tha hương, là điềm xấu.
Khi đó, những gia đình lớn đều rất coi trọng tập tục hôn nhân này. Muốn thành thân thì trước tiên phải được sự đồng ý của cha mẹ, cho người tới mai mối hẳn hoi. Trước hôn lễ, đôi bên nam nữ đều không biết nhau, như kiểu bán trâu qua núi, toàn bộ đều là mai mối hai bên mà ra. Tới nhà gái thì nói nhà trai tốt đẹp ra sao, trong nhà có bao nhiêu tiền, đến nhà trai thì nói gái hiền lành, xinh đẹp nhường nào. Sau khi trưởng bối ở đôi bên đồng ý thì vẫn còn chưa thể đính hôn ngay mà vẫn còn bước kế tiếp.
Trước kia, chuyển thiếp chính là phát danh thiếp, mai mối hôn nhân cũng gần như là trao đổi danh thiếp, có điều trên danh thiếp kia ngoại trừ danh tính còn có cả ngày sinh tháng đẻ, hai nhà tự mời thầy tới xem tuổi, hồi đó cũng không phải xem sao chiếu mệnh, chủ yếu là xem tuổi con gì, giống trâu hay đầu ngựa gì không, có xung khắc gì không, tuổi có hợp nhau không, ví dụ như bạch mã khắc thanh ngưu, thiên long khắc địa thỏ, sinh ban ngày lại ở cùng với sinh ban đêm, giống xà lại ở cùng ổ với chuột, giống rồng ở cùng giống hổ chỉ có đánh nhau ác liệt, hổ ở cùng với dê cũng không ổn, khi đó lại thành dê vào miệng cọp. Những điều đó là phạm kỵ húy. Nhìn vào tuổi rồi lại soi xuống ngày sinh, thầy bói căn cứ vào ngày tháng để nhìn ra mệnh gì. Mệnh chia ra ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim. Phải qua một đại đội tiết mục, nếu hoàn toàn không có vấn đề gì thì mới có thể đính hôn.
Việc hôn nhân đã được quyết, đôi bên sẽ cố gắng tìm ra ngày lành, hai nhà mang sính lễ tới cưới. Nếu như nhà có tiền thì riêng hai việc này là đã bày cỗ to mời khách khứa, bạn bè tới, tiện thể khoe tiền tài quyền thế nhà mình, thu quà tặng về. Ngày thành thân phải là ngày song song, ví dụ như mùng 6 tháng 6 hoặc mùng 8 tháng 8, nói chung là ngày càng may mắn càng tốt. Trước đó tam mai lục chứng (ba bên mai mối, sáu bên làm chứng) đều phải được mời về. Khi đó, giấy hôn thú gọi là thiếp Long Phượng, ở trên có ghi đủ tam mai lục chứng, chứng minh việc hôn nhân là hợp pháp. Liên gia Trần Đường Trang có tiền nên những tập tục kia không miễn cái nào. Hôn sự được làm cực lớn, trước ngày thành thân một ngày đã có một cái kiệu không đặt ở cửa nhà trai, vừa là để khoe của, vừa là để trừ tà, hoá giải toàn bộ tà khí, sau này không lo rước họa vào nhà.
Kiệu hoa được quy cách gồm tám người khiêng, chiêng trống gánh hát đi theo, đoàn ngựa thồ mở đường, cờ quạt treo khắp nơi, dọc đường từ nhà gái tới nhà trai được bày bố đủ cờ phấp phới, chiêng trống động trời. Sau khi diễn tập xong một lần, tới giờ sẽ mang kiệu tới trước cửa, ở cửa đã sớm treo đèn lồng sáng như ban ngày, sau đó bố trí đồng tử chuyển kiệu trừ tà. Tám đồng tử đội mũ thái tử, mặc áo đỏ thẫm, tay cầm đèn lục giác đi quanh kiệu hoa năm vòng xuôi, bốn vòng ngược, một vòng không được thiếu. Nghe nói, do mắt của đồng tử sáng nên có gì không sạch sẽ trong kiệu sẽ làm cho chúng phải khóc ngay.
Sau khi xong nghi thức đồng tử dẫn kiệu, kiệu hoa sẽ rời cửa nhà trai, tới thẳng nhà gái, những người đi theo gọi là hỉ nương, toàn bộ đều là phụ nữ, trong đó có cả mẹ, bà, dưới có con cháu, một người không được thiếu, như thế mới tính là toàn vẹn, mới mang lại may mắn. Theo tập tục cũ, đầu tiên phụ nữ bên nhà kia sẽ ra mở cửa nghênh đón, hơn nữa còn đặt một cái ghế trên giường, trên ghế là cô dâu giả, trên ghế có đặt một cái bình lớn cắm cái chổi bên trong. Trước kia, nhà nào cũng có một cái bình lớn và dài hình ống, từ trên xuống dưới không có vai. Đặt trong bình là một cái chổi lông gà, trên đặt mũ phượng, quấn quanh bằng khăn quàng, dưới mặt ghế là một đôi giầy long phượng thêu bằng tay.
Sau giải phóng, những tập tục hôn nhân mê tín kia đều bị giải trừ. Giờ nhắc lại chuyện này lại thấy nực cười. Ghế đặt trên giường, trên ghế lại có cái bình được cắm chổi đội mũ phượng quàng khăn như đúng là cô dâu đang ngồi đấy thật quái. Thế nhưng trước đúng là có loại tập tục này, mà còn có giảng giải hẳn hoi, bình cắm chổi đồng âm với bình đồng âm tức là bình an, chổi lông gà đồng âm với như ý cát tường, thật ra cũng chỉ vì cố gắng làm thế nào cho cảm thấy là tốt nhất mà thôi. Chủ yếu là đồng tử dẫn kiệu, lúc đó trời đã tối, sau khi đi vài vòng quanh ghế, nếu trong phòng có quỷ, đám nhỏ này sẽ bị doạ khóc. Cho nên trước ngày thành thân một ngày, kiêng nhất là đám nhỏ vào nhà khóc.
Trẻ nhỏ khóc chưa chắc là do nhìn thấy gì doạ người. Ai mà chẳng biết lũ nhỏ cười khóc bất thường, việc này sao có thể ép chúng được. Nhưng nó lại làm người khác cảm thấy bực bội, vì thế người lớn nghĩ đủ trăm phương ngàn kế trông chừng.
Vào ngày đưa kiệu, khi kiệu vừa tới Liên gia, chưa kịp nhấc chân gì thì chợt có một trận gió to thổi tới cát bay đá chạy. Cả hai nhà lúc đó cũng coi thường nghĩ là không có gì, mà cùng ngày cũng không mang đồng tử vào nhà.
Ngày hôm sau là ngày đẹp để cưới hỏi, cô dâu lên kiệu hoa. Trên đường tới nhà trai không hề thiếu bất kỳ tập tục hôn nhân nào. Người ngày trước mê tín, rất tin vào những tập tục này, e sợ rước vào nhà sao rủi. Cũng không biết số kiếp thế nào, Thu nương Liên gia đi lấy chồng, ngày hôm trước kiệu không có đồng tử, tới ngày thành thân, ngay khi chuẩn bị bước qua chậu than vào nhà thì xảy ra chuyện. Bước qua chậu than là tập tục phổ biến, ví như những quả phụ tái giá, việc đầu tiên phải làm là vấn tóc bước qua chậu than. Đây là do người ta sợ hồn chồng cũ bám theo vào nhà. Ngoài ra, những ai đi viếng đám ma hay thăm mộ về nhà cũng phải bước qua chậu than, cũng là do sợ cô hồn dã quỷ theo về nhà. Vào hôm Thu nương Liên gia thành thân, ở cửa nhà cũng đặt một chậu than, trong chậu có chút than cháy hồng tượng trưng, ngụ ý là sau này sẽ là những ngày đầm ấm. Nhưng không biết tại sao, cuối cùng tân nương tử lại không bước qua nổi chậu than.
Ngày qua cửa của Liên Thu nương, ở cửa có chậu than, nhưng bước mãi không qua. Mà lúc đó, trời cũng đã tối tới mức phải thắp đèn, điều này khác hẳn những nơi khác. Ở nơi khác, phần lớn cưới vợ vào ban ngày. Trong khi đó, ở đây thì bình thường rước vợ tới cửa là trời tối phải thắp đèn, ở trước cửa nhà treo đèn rực rỡ. Trong đó có rất nhiều người mê tín nói, do buổi sáng chuẩn bị, tân nương tử ngồi lên cái ghế được đám đồng tử đi qua. Nhưng mọi người đừng quên, trước ngày cưới một hôm, Liên gia không có cho đám đồng tử đi qua kiệu.
Nghe nói sáng sớm hôm đó, Thu nương theo tập tục cũ ngồi lên cái ghế, chải đầu sơ, bởi vì con gái trước đi lấy chồng đều phải chải đầu sơ, sau khi lấy chồng sẽ búi tóc lại, quấn ra đằng sau, thoa son đánh phấn, tỉa mày, rửa mặt chải đầu đầy đủ, sau đó đeo toàn bộ trang sức lên, đầu đội mũ phượng, trùm khăn đỏ, mặc quần lụa xanh, tân nương mặc hỉ phục màu hồng pha xanh là dựa theo câu: ‘Hồng quan nhân, lục nương tử’, lại lấy khăn quàng trùm kín lại không thể để người trông thấy quần lụa xanh. Sau khi làm xong hết những việc này, tân nương còn phải khóc một trận, tỏ vẻ luyến tiếc khi rời cha mẹ gả cho người ta. Tới lúc lên kiệu thì cũng là lúc trời tối thắp đèn.
Khuê nữ nhà đại gia gả đi mang theo đủ các thứ, đặc biệt còn có cả người đi theo ra cửa, người ôm tráp, vác hòm trang sức, ôm gà, ôm chậu, ôm bình, tóm lại là đủ các loại của hồi môn. Tới cả kiệu hoa mà Thu nương lên cũng là kiệu tám người khiêng, trong ngoài có kiệu lớn lồng kiệu nhỏ, giữa là kiệu tâm, đại kiệu chưa vào sân, kiệu nhỏ chưa vào phòng.
Nhà chồng bên kia cũng chuẩn bị từ sáng sớm. Chú rể được một người khác giúp rửa mặt, chải đầu, mặc quần áo. Chú rể thân mặc long bào đỏ thẫm, trên có thêu 'Hải Thuỷ Giang Nhai', trước ngực có hình hoa hồng, chân đi triêu ngoa, đầu đội mũ mềm hai cánh. Cách ăn mặc của trạng nguyên khi xưa thế nào thì chú rể mặc y hệt, bởi thành thân là ngày đại sự trong đời, thời xưa hay gọi là tiểu đăng khoa. Trong đám cưới ngoài lạy trời lạy đất để hoà hợp đôi bên, còn phải cúng bái ba vị Phúc, Lộc, Thọ cùng với tượng Nguyệt Lão. Trên bàn cúng có đặt một đôi nến màu đỏ tượng trưng cho chữ Hỉ, ở giữa đặt lư hương, phía sau đặt cái đấu, trong đấu chứa đầy cao lương đỏ. Toàn bộ ba thứ đó ở trên cùng với cái bình cắm chổi tạo thành một chỉnh thể được coi là trấn trạch bảo vệ bình an.
Khi kiệu tới cửa, người nhà chồng không được ra ngoài đón, mà ngược lại còn phải đóng cửa chính lại. Đó là một trong những tập tục lằng nhằng của xã hội cũ. Chính vì có quá nhiều quy củ thành ra không có mấy nhà làm đủ được. Theo tình hình gia cảnh khác nhau mà các gia đình khác cũng sẽ điều chỉnh. Theo tập tục xưa, cửa nhà sẽ được đóng chặt, người ở bên ngoài gọi bà bà ra mở cửa, câu nói này coi như sửa lời thừa nhận mình là người nhà chồng, lúc đó bà bà sẽ ra mở cửa. Bà bà ra mở cửa nhưng phải đi ngay vào nhà, vì trước khi thành thân, không được nhìn mặt tân nương. Sau đó, chú rể đi ra, cầm cung lên bắn ba mũi tên vào kiệu, lấy ý 'Tam tiễn cập đệ', và tránh tà ma. Tới lúc dưới đất trải nỉ đỏ đủ thì cô dâu mới rời kiệu, mọi người đi theo sau tới trước chậu than. Nói chung toàn bộ quá trình có thể gói gọn lại là ra mở cửa, chú rể giương cung bắn ba mũi tên vào kiệu hoa nhưng không mũi nào trúng.
Việc này cũng không thể trách chú rể được, bởi ngày đó đã chẳng còn ai thèm học bắn tên nữa rồi, tới cung còn kéo không lên thì bắn nỗi gì. Bắn tên cũng chỉ là làm ra vẻ cho có, bởi vì bắn tên, bước qua chậu than khi vào cửa được coi là có thể chắn tà khí ngoài cửa. Nhưng hôm đó, tân nương tử tới trước chậu than thì bước mãi không qua. Đây có thể coi là điềm xấu nên toàn bộ người bên cạnh vội tới giậm chân, thúc dục nương tử: "Cô chủ mau bước qua đi!" Đằng sau vừa thúc vừa đẩy làm cho cuối cùng cô dâu giẫm chân thẳng vào chậu than, làm lửa bắn tung toé ra.
Cô dâu cũng ngạc nhiên với việc mình vừa làm, cảm giác thấy chân mình như có người túm lấy, kéo khăn lên nhìn thì toàn bộ những người đón dâu phải choáng váng. Dưới khăn là một đứa nhỏ thanh tú, một hàng mi dài, đôi mắt song đồng đang ôm chân Thu nương, chẳng trách tại sao không bước qua nổi. Đứa nhỏ kia cũng không hề nói gì, cũng chẳng nói là từ đâu tới.
Nhà chồng cũng mặc kệ. Đầu tiên, việc dẫm đổ chậu than khi xuất giá chính là mang tà khí tiến trạch, huống hồ lại còn đứa nhỏ không rõ lai lịch kia. Cả nhà chồng đều cho rằng Thu nương tư thông sinh ra dã chủng kia, nhất quyết không cho vào nhà. Cuối cùng việc hôn nhân phải hoãn lại. Không còn cách nào, kiệu hoa lại trở về điểm xuất phát.
Gia chủ nhà họ Liên nghe xong chuyện kia cũng tức giận, thoạt nhìn là việc mười mươi rồi, Thu nương là cô nương chưa chồng, bên người đột nhiên lại mọc ra đứa bé, dĩ nhiên là phải có tư tình với người ta, mang thai mới đẻ ra. Loại chuyện này không phải là chưa từng có trong các gia đình lớn, đây là bất hạnh của cả gia đình, bôi nhọ tổ tông, từ nay về sau ra cửa không ngóc đầu lên nổi, người ngoài cứ thế nói xấu sau lưng, chủ nhà chỉ còn nước tức đến hộc máu. Thu nương cũng là cô gái tính tình cứng rắn, trong lúc nhất thời quá xấu hổ và giận dữ không chịu nổi, đâm đầu tự tử ngay vào bàn gỗ cúc lê trong nhà trước mặt bố mẹ anh em.
Cha mẹ Thu nương thương đứa con gái chết thảm, hối hận không ngăn nó lại. Đứa nhỏ kia thì không ai rõ là tự dưng chạy tới hay là do Thu nương sinh ra, nhưng Liên gia cảm thấy là cốt nhục nhà mình, không muốn đuổi đi nên nuôi nấng coi như con trong nhà, đặt tên là Liên Hoá Thanh, cấm không cho người khác nhắc tới chuyện này, nhưng vẫn không ngăn được người ngoài đồn đại. Bởi đứa nhỏ này biết bơi từ bé nên có rất nhiều người cho rằng năm xưa Thu nương rời nhà đi thăm người thân, lên thuyền qua sông Vĩnh Định thì bị lật, toàn bộ người trên thuyền đều chết cả, chỉ có duy nhất Thu nương thoát hiểm, về nhà thì mang bầu, nhất định là Hà yêu đầu thai, bởi ngày xưa có câu 'gặp đại nạn không chết nhất định có chuyện'. Còn về việc có phải Hà yêu đầu thai không thì cũng chỉ là một câu chuyện vẫn còn để ngỏ.
Trước kia, con gái thường hay mặc áo rộng, Liên gia nhà cao cửa rộng, bụng to cũng chỉ ở trong nhà nên người ngoài chẳng ai biết được, tới hai tháng cuối thoái thác thân thể không khoẻ, ở lỳ trong phòng thì đẻ con cũng chẳng ai hay, sau đó Thu nương đưa con nhờ người khác nuôi, tới ngày thành thân, đứa nhỏ mới chạy tới ôm chân không cho Thu nương qua cửa, làm Thu nương phải tự sát tại nhà. Xem ra Hà yêu này đúng là loại ma quỷ.
Dù sao đó cũng chỉ là lời đồn đại, việc xấu trong nhà Liên gia cũng không tiện nói ra bên ngoài, không bao giờ đề cập tới việc này với người. Nhưng càng cố giấu thì lời đồn bên ngoài lại càng nhiều. Qua mười năm sau, hai lão nhân đứng đầu Liên gia lần lượt qua đời, hai huynh đệ trong nhà tranh đoạt gia sản, nhân cơ hội đuổi thẳng Liên Hoá Thanh ra khỏi nhà. Hai anh em kia cơ bản là không muốn chia của cho đứa nhỏ kia, mà cũng không muốn nuôi không nó, tốt nhất là để mặc chết đói ngoài đường, hoặc tốt nhất là cho lang sói xé xác, thế là gọn. Từ đó về sau, Liên Hoá Thanh lưu lạc đầu đường, ngày ngày nương thân ở ngôi miếu nát, dựa vào nghề ăn mày mà sống qua ngày. Sau đó, vào một đêm tối trời, Liên gia cháy, gió đẩy thế lửa, lửa giúp uy gió. Trận hoả hoạn biến toàn bộ nhà cửa Liên gia thành mảnh đất khô. Già trẻ trai gái Liên gia chết tổng cộng bảy mươi người, không một ai trốn thoát. Nghe nói tối đó có người thấy một đứa nhỏ ăn mày lén lén lút lút khoá chặt cửa sau lại.
Lai lịch của Liên Hoá Thanh thật quá khó phân biệt. Ai cũng có ngày sinh tháng đẻ, nhưng hắn lại không có. Người ở Trần đường trang đều sợ hắn mang xui xẻo tới, thành ra ai cũng xa lánh. Thường ngày hắn cũng chỉ kiếm cơm trong thành, tới đêm trở về, trộm cắp lặt vặt đều làm. Có một đêm, gặp hai đứa ăn mày khác trong miếu thổ địa, tuổi gần xấp xỉ, cũng đều tầm mười tuổi, Liên Hoá Thanh thấy hai đứa là lập tức nổi lên dã tâm.
Liên Hóa Thanh nói với hai đứa ăn mày: "Nhị vị, chúng ta đều là người bơ vơ không nhà không cửa, chi bằng học theo 'kết nghĩa vườn đào', ba anh em chúng ta kết nghĩa, ở với nhau có thể giúp đỡ lẫn nhau được."
Hai đứa nhỏ ăn mày vừa nghe thì vui mừng nói: "Thật tốt quá, đang lo không có người thân."
Lúc đó, ba người kết bái, không có tiền mua hương nên dúm đất làm lư, cắm vài nhánh cỏ như hương, dập đầu trước thổ địa, kết bái huynh đệ.
Liên Hóa Thanh lớn hơn hai đứa kia một hai tuổi nên trở thành đại ca. Y nói với hai đứa nhỏ: "Sau này chúng ta là huynh đệ có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Người xưa đã có câu: "Có cha theo cha, chết cha theo anh. Hai người các ngươi không cha không mẹ, từ nay về sau nên nghe lời đại ca ta."
Hai đứa nhỏ ăn mày lập tức đồng ý: "Đại ca nói rất đúng. Từ này về sau, huynh chính là đại ca. Chúng ta đều phải nghe theo lời đại ca."
Từ ngày đó, Liên Hóa Thanh không còn đi ăn xin bên ngoài nữa, cả ngày ngủ trong ngôi miếu nát, để hai đứa nhỏ kia ra ngoài phố xin ăn, mặc kệ sống chết ra sao, mỗi bữa hắn đều ăn trước. Hai đứa nhỏ ăn mày kia nghĩ, dù thế nào hắn cũng là đại ca, có được cái gì cũng phải cho đại ca ăn trước, nhưng dù sao không thể ngày nào cũng thế được. Mặc dù trong lòng có chút bất mãn nhưng ngoài miệng thì cũng không dám nói ra.
Vào một năm khi hoa màu mất mùa, chết đói không ít người, muốn xin ăn cũng không biết đi xin ở đâu. Hai đứa nhỏ kia phải nằm chờ chết đói trong ngôi miếu nát. Liên Hóa Thanh chỉ lo cho bản thân mò ra ngoài kiếm cái ăn, cũng không biết từ đâu, hắn kiếm được một ít cơm trắng, ở trên còn cả chút đồ ăn, trong thức ăn có nguyên cả tảng thịt. Đồ ăn cũng không nhiều, một người thì no nhưng ăn hai ba người thì thiếu. Khi đó, hắn đem cái hũ về đặt trên đống lửa trong miếu.
Hai đứa nhỏ ăn mày ngửi thấy mùi thịt, vội vàng đứng lên nói: "Vẫn là huynh trưởng có bản lĩnh, vừa ra ngoài đã kiếm ngay được cái ăn. Chúng ta có phần cơm này thì không lo chết đói nữa rồi." Liên Hóa Thanh lập tức nói: "Các huynh đệ, đây là ta phải đánh liều mạng đi ăn trộm đồ ăn trong hiệu ở thành, không ngờ lại có người nhìn thấy, vì thế đã ăn không ít gậy. Các ngươi ngủ ngon trong miếu, không biết xấu hổ hay sao mà còn ăn cả phần cơm ta phải đánh đổi cả mạng đi lấy về này?"
Hai đứa nhỏ ăn mày nói: "Sao đại ca lại nói lời ấy. Hôm nay hai đứa ta đói quá không lết nổi nữa chứ bình thường không phải chúng ta lấy cơm về cho ngươi ăn sao?"
Liên Hóa Thanh nói: "Bây giờ khác trước. Vào những lúc mất mùa lớn thế này, mạng người còn không bằng chó. Với phần cơm này, ta có thể sống qua được, nhưng nếu chia cho hai đứa ngươi thì ta lại chẳng thể sống nổi. Hai người các ngươi cũng đừng trách huynh ta bạc tình quả nghĩa, muốn trách thì trách số mệnh mình đen đủi. Huynh ta ăn được chỗ này, giữ được mạng sẽ không quên hai người anh em các ngươi. Từ nay về sau, nếu ta phát tài, tam tiết nhị cung sẽ lấy rượu ngon cơm trắng tế tự các ngươi. Hai người các ngươi cứ an tâm mà chết đi."
Ở Trần đường trang còn truyền lưu một chuyện khác. Kể về lúc Liên Hóa Thành còn ở Liên gia, từng có một vị thầy bói đi qua Trần đường trang. Liên lão gia tìm thầy bói kia về, mời thầy xem tướng số cho đứa nhỏ Liên Hóa Thanh. Thầy bói kia vừa nhìn Liên Hóa Thanh, thấy đứa nhỏ mày ngang trên mặt, mắt có hai đồng tử thì chỉ nói là kẻ đoản mệnh, còn lại thì sống chết cũng không dám nói ra, thà dẹp biển cũng nhất quyết không nói tướng số của đứa nhỏ kia. Người ở Trần đường trang đoán rằng, thầy bói kia nhìn ra đứa nhỏ là Hà yêu đầu thai, vì vậy không dám nói ra.
Không uổng công mọi người khen chê, đừng nhìn bộ dạng không tệ của Liên Hóa Thanh, tâm địa của hắn thật sự ác độc. Hắn không những không cho hai huynh đệ kết bái của mình ăn mà còn nói, hai người các ngươi cố sống lay lắt cũng chỉ thêm giày vò, chi bằng chết đi cho thoải mái. Lúc nói những lời này, mí mắt y không hề nháy chút nào, chỉ chăm chăm lo cái hũ trên đống lửa, chẳng khác gì vừa làm việc nhà vừa nói chuyện. Điều này nói lên rằng, y căn bản không coi hai huynh đệ ra gì cả, như thể y coi đây là hai con chó hoang sắp chết đói. Ngày trước nói cái gì là đồng sinh cộng tử, đơn giản chỉ là để bắt hai đứa nhỏ kia đi ăn xin hộ.
Hai đứa nhỏ ăn mày thấm lạnh, thầm mắng: "Hay cho tên Liên Hóa Thanh ngươi. Hai chúng ta mắt mù mới nhận ngươi làm đại ca. Chẳng trách mọi người đều nói ngươi là Hà yêu đầu thai. Dám làm như thế với hai huynh đệ đã từng dập đầu kết nghĩa với ngươi, quả thật là quỷ sống khoác da người."
Liên Hóa Thanh nhìn thấy hai đứa nhỏ kia đang nhìn chằm chằm vào hũ đồ ăn, nói không cho là bọn chúng sẽ liều, dù sao hai đấm khó đánh bốn tay, huống chi lúc người tức giận liều mạng, nếu đánh nhau thật thì e là khó giải quyết, nên y nói: "Hai vị huynh đệ, vừa rồi huynh ta cũng chỉ là nói đùa thôi. Chúng ta đều đã dập đầu kết nghĩa, chẳng lẽ đại ca ta lại không biết xấu hổ để các ngươi ngồi nhìn ta ăn một mình sao?"
Hai đứa nhỏ ăn mày nghe thấy thì hơi bất ngờ, vội lau nước mắt nói: "Đại ca là người nhân nghĩa, huynh đệ ta đã hiểu lầm ngươi." Liên Hóa Thanh nói: "Nhân nghĩa thì vẫn là nhân nghĩa. Đồ ăn này chỉ có một phần, một người ăn có thể giữ mạng, nhưng chia cho ba người thì phải chết cả ba. Không bằng tự nói số khổ, xem ai khổ nhất, đáng thương nhất thì phần cơm này sẽ thuộc về người đó."
Hai đứa nhỏ ăn mày nói: "Được, cái này gọi là theo số mệnh, ngươi là đại ca nên nói trước đi."
Liên Hóa Thanh nghĩ thầm: "Hai cái đứa vắt mũi chưa sạch có thể nói lại được ta sao? Ta nói vài câu là các ngươi câm họng, sau đó ăn cơm. Hai ngươi cứ thế mà chờ chết đói đi."
Năm đó, ăn xin toàn phải kể khổ ra như kiểu vừa niệm vừa hát, đánh vào tâm lý người nghe, làm người ta phải cho ăn. Việc này không thể làm khó được Liên Hóa Thanh, chỉ nghe y nói vài câu: "Nhà ở miếu nát, cỏ làm đệm chăn, đầu gối khối gạch, người mặc áo rách, ba năm không mặn, nay mới thấy thịt." Nói dứt lời, hắn lập tức vươn tay ra với đồ ăn.
Một đứa nhỏ ăn mày lập tức ngăn lại nói: "Đại ca từ từ đã. Ngươi nói chưa gọi là khổ, ngươi nghe huynh đệ ta một chút xem sao. Ta không nơi dung thân, cỏ nát làm đệm, đầu gối nửa viên gạch, ngày ngày rách tới da, thỉnh thoảng uống nước lạnh, nay mới thấy cơm." Tính ra thì đứa nhỏ này đúng là kể khổ hơn Liên Hóa Thanh. Lần đầu thấy cơm nên nói xong định với tay ra lấy đồ ăn ngay.
Đứa nhỏ ăn mày còn lại đỡ: "Đại ca, nhị ca kể vẫn chưa coi là khổ. Nghe ta chút xem sao. Ta không chỗ dừng chân, đầu gối cùi chỏ, quanh năm cởi chuồng, trời làm chăn, đói từ lúc sinh. chỉ chờ phần cơm này. Nhất định là hai anh không thể nào khổ bằng ta được, xin lỗi huynh đệ, ta ăn . . ."
Cái hũ đặt trên lửa đã lâu, đồ ăn nóng bốc hương nghi ngút. Đứa nhỏ ăn mày kia đói tới mức tái xanh cả mặt, đang định với tới ăn thì tên ăn mày trước không đồng ý nói: "Tam đệ nói hươu nói vượn, từ lúc sinh ra đã đói thì sao còn sống tới bây giờ được?" Người kia lập tức nói: "Nhị ca uống nước lạnh mười mấy năm thì sao có thể sống được đến bây giờ đây? Vì sao ta không thể đói từ lúc mới sinh?"
Trong lúc hai đứa nhỏ kia đang tranh luận không ngớt, Liên Hóa Thanh vô thanh vô tức cầm một viên gạch lớn, thu vào trong tay, nhè thẳng vào gáy hai đứa kia, một cú quật ngã một đứa. Hai đứa nhỏ ăn mày đáng thương còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã phơi thây tại chỗ. Liên Hóa Thanh chửi chó chết rồi ném viên gạch trong tay đi, dọn sạch hai xác chết, sau đó lấy cái hũ trên đống lửa ra, thổi sạch khí nóng, ném đồ ăn nóng hổi vào miệng. Chợt, y nghe thấy một tiếng bùi ngùi: "Thật ác độc. Vì tranh một miếng cơm thừa mà ngươi dám ra tay hại chết anh em kết nghĩa với mình, không sợ gặp báo ứng sao?"
Liên Hóa Thanh ngẩng phắt đầu lên, thấy ngoài cửa có một cái đầu của một lão già, trên mặt có một vết sẹo dài, chỉ nhìn thoáng qua mà lòng đã phát lạnh, đằng sau còn có một con mã hầu lớn, xem qua bộ dạng thì có vẻ đây là một con sái hầu chuyên đi biểu diễn. Liên Hóa Thanh cũng không nén nổi giật mình, nhưng vẫn làm ra vẻ trấn tĩnh: "Hai bọn chúng là lũ chuột nhắt xin ăn, đấu tranh nội bộ. Vì tranh ăn nên mới bỏ mình, làm gì có liên quan tới ta?" Con sái hầu như vớ được của, cười lạnh hai tiếng ha hả, nói: "Được đấy, dám trợn mắt nói lời bịa đặt." Liên Hóa Thanh nói: "Ngươi là một con sái hầu, việc gì phải quản ta. Ở chỗ chết đói này thì cần quái gì trong sạch, đúng là ta gạt ngươi đấy, có sao không?" Sái hầu nói: "Ta không định lừa ngươi mà muốn mời ngươi đi tìm một vật dưới sông."
Hóa ra con sái hầu này sống trên núi hoang, vô tình nhặt được một quyển kỳ thư tà ma. Bàng môn tà đạo này cũng không có pháp môn trường sinh bất tử xuất thần gì, chỉ có tà pháp chiêu hồn xác chết. trong đó cũng có không ít trận pháp âm dương. Con sái hầu này chỉ là loại biểu diễn kỹ nghệ nay đây mai đó, trình độ văn hóa có hạn, mà cũng không có dã tâm gì lớn, chỉ tính tới nước kiếm tiền tài, sau khi biết phong thủy ở Thiên Tân Vệ, bảo vật trấn sông ở ngã ba sông, có thể nuôi thi ở dưới đáy sông. Nếu đem người sống dìm chết giữa mắt sông, sau khi chết oán khí sẽ không tiêu tan, để thêm vài năm tới nạn lụt, hạn hán, xác chết sẽ mọc đầy rêu, giống y hệt cương thi lông rậm, ai thấy đều khiếp vía, chỉ có mình con sái hầu này biết là chuyện gì. Tới lúc đó, nó chỉ cần xưng là cao nhân có dị thuật, thi triển thần thông hàng thi quái, kêu gọi xây miếu tạo tháp trấn sống để bình an thì liệu từ quan to hiển quý cho tới người buôn bán nhỏ. . .;liệu có ai không quyên tiền không?
Từ đó nó có thể một phát lên trời, có điều con sái hầu này không biết bơi, muốn kiếm một tên cướp sông để làm đồ đệ, lại nghe tới Hà yêu Liên Hóa Thanh từ lúc đẻ ra đã giỏi bơi lội nên nó lập tức chạy thẳng tới tìm. Tới nơi thì đúng lúc Liên Hóa Thanh đang tranh ăn với hai đứa ăn xin, đứng sau lấy gạch giết chết hai người, xong rồi không thèm để ý cứ thế ăn cơm. Con sái hầu thấy đứa nhỏ này quá lợi hại, có thể giết huynh đệ kết nghĩa thì nhất định cũng có thể giết sư phụ, nhưng trước mắt lại cần đứa nhỏ này nên đành phải dùng lời ngon tiếng ngọt, hứa hẹn với Liên Hóa Thanh: "Nếu ngươi nguyện ý làm đồ đệ ta, sau này sẽ có ăn có uống, sư phụ còn có thể truyền pháp thông thiên. Từ này về sau sống yên phận thì không ai dám bắt nạt ngươi." Liên Hóa Thanh đã đường cùng, nghe xong con sái hầu già nói một phen thì không khỏi động tâm, ngay lập tức bái sư, đào hố sau miếu chôn hai cái xác, sau đó theo con sái hầu vào thành. Về sau, con sái hầu gây tội ác chồng chất bị trời phạt, chết dưới giếng cạn ở vườn rau Lý công từ. Liên Hóa Thanh may mắn chạy thoát, nhưng do có án trong người nên cũng không dám lộ diện trong thành.
Quách sư phụ và Đinh Mão hỏi chuyện lúc ban ngày ở Trần đường trang đều không thể tường tận được bằng câu chuyện của lão ăn mày. Cho dù có vẽ ra thì cũng không thể tường tận tới vậy được. Hai người thầm nghĩ, nhất định là tên ăn mày này năm xưa từng xin cơm cùng với Liên Hóa Thanh nên mới biết rõ tới vậy, có điều theo những gì hắn nói thì hai đứa nhỏ ăn mày ở miếu thổ địa năm xưa đã sớm bị Liên Hóa Thanh ra tay dùng gạch đánh chết. Lúc này, hai người sực tỉnh: "Chẳng lẽ ma quỷ trong miếu thổ địa kể oan khuất?"
Quách sư phụ nghĩ tới đây, trong lòng nhất thời kinh ngạc, mở miệng hỏi lão ăn mày: "Làm sao ngươi biết rõ ràng tới vậy? Rốt cuộc ngươi là ai?" Lời nói vừa ra tới miệng thì bỗng nhiên cảm thấy lạnh toát cả ngươi, ông ta và Đinh Mão giật mình như vừa tỉnh mộng, nghe được tiếng gà gáy văng vẳng từ xa xa, dụi dụi mắt thì thấy mưa gió ngoài trời đã ngưng, trời đã hửng sáng. Không ngờ ngủ lúc nào không hay mà đã qua một đêm. Hai người đứng dậy nhìn về chỗ lão ăn mày ngồi ở góc tường. Nếu ở đó có người thì chỉ có thể là cái tượng thổ địa nghiêng sát vào góc tường.
Không biết là ma quỷ năm xưa kể oan tình, hay là thổ địa hiển linh, hay cũng có thể là người ăn mày kể chuyện thật. Trời đã sáng mà hai người vẫn vừa sợ vừa nghi. Mấy câu cuối không nghe rõ nên chỉ còn nước dựng bức tượng thổ địa lên, gạt cỏ với bùn đất ra, cúi đầu như lạy vài cái.
Đinh Mão nói với Quách sư phụ: "Nửa đêm qua, lão ăn mày có nói, Liên Hóa Thanh từng chôn thi ở dưới cây sau miếu thổ địa, không biết là có thật hay không." Hai người đứng dậy ra sau miếu xem thì thấy đúng là có một gốc cây khô đã nghiêng ngả, qua mưa gió nên mối mọt gần hết. Hai người tới thôn mượn công cụ, đào dưới gốc cây một trận thì không lâu dưới bùn đất hiện ra một cái hộp sắt, bên trong hộp sắt có hai bộ xương khô.
Hộp sắt là hộp hương thường dùng trong miếu thổ địa ngày trước, bởi dân gian thường cho rằng vật làm bằng sắt có thể trừ tà trấn quỷ. Liên Hóa Thanh lo sợ oan hồn của hai đứa ăn mày níu chân, cho nên bỏ hai xác chết vào hộp sắt, năm đó do vội đi nên cũng không chôn sâu cho lắm. Hai người Quách sư phụ nghiến răng nghiến lợi trước hành động của Liên Hóa Thanh, đứng trước tượng thổ địa thề: "Trời có mắt, bất kể Liên Hóa Thanh trốn ở đâu, dù có liều hai cái mạng này chúng ta cũng không quan tâm, nhất định phải bắt hắn ra trước công lý."
Sau này hai bộ xương khô được đưa tới nghĩa trang, lập hồ sơ án đầy đủ, có điều khi đó thời thế đang loạn, cục cảnh sát phá đại án, trọng án không hết, vừa nhìn thấy hai đứa ăn mày chết mười mấy năm rồi thì cũng không tìm hiểu nhiều, sau khi lập án cũng không hỏi gì nhiều. Nhưng nhóm người Quách sư phụ thì vẫn quyết tâm bắt Hà yêu Liên Hóa Thanh, hỏi thăm tung tích y ở khắp nơi, nhờ vả toàn bộ bạn bè, ngoại trừ đội cảnh sát năm sông, tới cả Hỏa Thần Miếu và Sơn Đông Câu Tử Bang cũng đi theo hỗ trợ. Hơn nữa Lý Đại Lăng lại quen biết với đám du côn vô lại chuyên buôn bán vặt, nên mạng lưới giăng khắp nơi, trong ngoài thành đều có cơ sở. Bởi vậy mới nói muốn phá án trước tiên phải quen thuộc địa bàn, phàm nơi nào có gió thổi cỏ lay là phải biết. Cứ gây sức ép như vậy, chẳng lẽ lại không tìm được dấu vết nào để lại sao?
Nhưng cũng một phần là do khí số Liên Hóa Thanh đã tận, quỷ thần cũng không dung. Ngày đó xảy ra một chuyện ngẫu nhiên làm đội tuần sông phát hiện ra 'con rết đầu vàng', dẫn tới cảnh 'Âm dương hà gặp nạn, chó dữ thôn bắt yêu."