8 Chương 8: Còi ơi, ta sẽ đến với mi, chú bé của ta
Vị giáo sư trẻ, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, nói năng chính xác.
"Vâng" ông ta nói "bạn bè tôi đợt này định hướng dẫn tôi chơi gôn, tôi định đi ra bờ biển phía Đông – thực tế là Burnstow (dám chắc ông biết nơi này) độ một tuần hay mười ngày để tập gôn cho khá lên. Mai tôi đi".
"Ồ, Parkins" người ngồi cạnh ông phía bên kia nói "anh đi Burnstow thì thử đến thăm nơi mà xưa kia là giáo đường của các hiệp sĩ Templars [1] xem sao, anh cho tôi biết có đáng đào lên một chút để khảo cổ mùa hè này không nhé"
Các bạn có thể hình dung đây là một người theo đuổi khảo cổ học, ta không cần biết chức vị và tên tuổi vì chỉ xuất hiện ở đoạn đầu này mà thôi.
"Nhất định rồi" giáo sư Parkins đáp "anh cứ mô tả cho tôi biết nơi này ở chỗ nào, tôi sẽ cố cho anh một ý niệm về sự thể ra sao khi tôi trở về, hoặc tôi sẽ viết cho anh về nó, chỉ cần anh cho hay anh muốn đến đâu?"
"Cám ơn anh, chẳng phải viết ra đâu. Chẳng là tôi đang nghĩ đến việc chuyển cả gia đình về hướng Long, và sực nhớ ra rất ít giáo đường Anh được v ẽ bản đồ đâu ra đó thành ra biết đâu tôi có cơ hội làm một điều gì đó, hữu ích dựa trên những ngày xa xưa".
Vị giáo sư khịt mũi trước ý nghĩ việc vẽ bản đồ một giáo đường thời xưa có thể đem lại ích lợi. Người kia nói tiếp:
"Địa điểm này – tôi rất nghi không biết hiện còn vết tích gì đó trên mặt đất không – giờ hẳn phải rất gần bãi biển. Biển đã ăn vào đất liền khá sâu ở riêng rẻ bờ biển Tây như anh biết đấy. Theo như bản đồ, tôi cho là cách quán Globe ba phần tư dặm, cái quán ở tận cùng mạn Bắc thị trấn ấy. Thế anh đến đó sẽ ở đâu?"
"Thì ở quán Globe chứ đâu!" Parkins nói "Tôi đã đặt phòng ở đó. Biết ở đâu được, phần lớn nhà cho thuê đóng cửa vào mùa đông, và người ta nói cỡ tôi muốn toàn là phòng hai giường cả, bỏ bớt giường ra không biết xếp vào chỗ nào, v..v..Tuy nhiên tôi vẫn cần một buồng khá rộng vì tôi mang theo nhiều sách vở, định ti ện thể làm một số công việc, và mặc dù chẳng hình dung được mình có thêm một chiếc giường trống để làm gì, chưa nói đến hai, trong những lúc gọi là làm công việc nghiên cứu.Nhưng thôi, trong thời gian ấy mà, gọi là sống tạm".
"Parkins, có thêm một giường trong phòng mà ông cho là sống cho qua ngày đoạn tháng?" một nhân vật chất phác ngồi đối diện nói "Để tôi xuống đó ở một vài ngày, làm bạn cùng với ông".
Vị giáo sư run nhưng cố cười xã giao.
"Rogers, mời anh cứ việc xuống, còn gì hơn, chỉ sợ anh không chịu thôi, anh không chơi gôn, đúng không?"
"Không, nhờ Trời!" ông Rogers cục mịch đáp.
"Những lúc không viết lách, tôi ở ngoài sân gôn, anh ở nhà một mình chán chết!"
"Ồ, tôi cũng chưa biết, thế nào ở nơi đó chẳng có người tôi quen, nhưng dĩ nhiên, Parkins, nếu không thích anh cứ nói thật nhé, tôi không tự ái đâu. Sự thật, như anh vẫn bảo chúng tôi, không bao giờ làm mếch lòng ai".
Quả thật Parkins là người hết sức lễ phép nhưng cũng vô cùng chân thật. Rogers đã đánh trúng vào tính cách này. Trong lòng Parkins mâu thuẫn đang giằng xé, mất độ một lát mới trả lời được.
"Rogers, nếu anh muốn biết sự thực thì để tôi xem căn phòng có đủ rộng cho hai người ở thoải mái không đã, vả lại để xem (sở dĩ tôi nói vì anh cứ thúc ép tôi) anh có gây trở ngại gì cho công việc của tôi không"
Rogers cười to.
"Parkins! Xin hứa không làm trở ngại công việc của anh, anh đừng lo. Không, anh mà không muốn, tôi sẽ không đến đâu, nhưng tôi nghĩ ít nhất thì tôi cũng giữ cho ma khỏi vào phòng anh".
Nói đến đây ông ta nháy mắt và thúc khuỷu tay vào người bên cạnh. Parkins có lẽ trông thấy, đỏ mặt lên.
"Xin lỗi Parkins," Rogers nói tiếp "tôi không nên nói vậy. Tôi biết anh không thích ai khinh suất trong những vấn đề như thế".
"Phải," Parkins nói "nhân tiện anh đã nói thì tôi cũng thừa nhận luôn là tôi không thích ai nói một cách khinh suất đến cái thứ mà anh gọi là ma. Một người ở cương vị tôi" ông ta nói tiếp, hơi cao giọng
"không thể được coi là thận trọng khi tỏ ra ủng hộ những niềm tin vào đề tài đó. Anh đã biết đấy, Rogers, hẳn là anh phải biết chứ, bởi có bao giờ tôi giấu giếm những quan điểm của mình đâu…"
"Không, quả là anh không giấu" Rogers nói, giọng nhỏ nhẹ.
"Tôi cho là nếu như nhượng bộ hoặc gần như nhượng bộ quan điểm rằng những thứ đó có thể vẫn tồn tại thì chẳng khác nào từ bỏ những gì tôi vẫn cho là thiêng liêng nhất. Nhưng có lẽ tôi không thành công trong việc làm cho anh chú ý thì phải"
"Hoàn toàn chú ý thì đúng hơn, như Dr. Blimber đã nói" Rogers ngắt lời, muốn lời nói của mình thật chính xác "nhưng xin lỗi Parkins, tôi đã làm anh ngừng lời"
"Không, không đâu" Parkins nói "Tôi không nhớ Blimber, có lẽ ông ta sống trước thời đại tôi. Nhưng tôi không cần nói thêm. Anh quá hiểu tôi nói gì".
"Vâng, vâng" Rogers vội nói "anh cứ đi đi, ta sẽ nói tiếp ở Burnstow hay ở đâu đó sau" .
Nhắc lại cuộc đối thoại trên đây là tôi đã cố truyền đạt cho các bạn cảm tưởng của tôi về Parkins, ông ta có vẻ gì đó của một mụ già – tính đàn bà, lề mề, với các lề thói nhỏ nhặt và – Hỡi ôi! Không chút hài hước, tuy nhiên niềm tin của ông rất dũng cảm và chân thành, và ông là một người đàn ông đáng trọng. Ông là người như vậy hay không thì bạn đọc cứ suy luận ra sẽ biết.
Ngày hôm sau Parkins rời trường Đại học, tới Burnstow, được quán Globe chào đón, xếp vào phòng rộng hai giường mà ta đã nghe thấy ở trên kia, thoải mái nghỉ ngơi để sắp đặt các tư liệu dùng cho công việc một cách hết sức gọn gàng, ngăn nắp, trên một cái bàn thuận tiện đặt ở góc xa của gian phòng có ba cửa sổ vây xung quanh, cửa giữa trông thẳng ra biển, cửa bên trái và bên phải quay ra phía Bắc và phía Nam của bờ biển. Phía Nam nhìn thấy làng Burnstow. Phía Bắc thì không nhìn thấy nhà cửa gì hết chỉ thấy bãi biển tựa vào vách đá thấp màu đen. Ngay trước mặt thì là một dải cỏ không lớn lắm, đây đó điểm những cái neo, cái tời…sau đến một con đường rộng, tiếp theo là bãi biển. Không biết lúc khởi thủy nó như thế nào chứ hiện nay thì khoảng cách giữa quán Globe và biển không đầy sáu chục mét.
Người sống trong quán đa số, dĩ nhiên, là dân đánh gôn, không có gì cần mô tả kỹ lắm. Có lẽ người đáng chú ý nhất là một cựu quân nhân (ancien millitaire) thư ký của một Câu lạc bộ London. Giọng nói của ông ta toát ra một sức mạnh khó tin, ông thuộc loại người theo quan điểm Tin lành rõ ràng. Những quan điểm này có điều kiện thuận lợi đ ể được phát biểu ra sau khi ông tham dự vào việc giúp cha xứ - một người đáng mến có xu hướng theo các lễ nghi sinh động đi ngược lại truyền thống nhà thờ Tân giáo Anh.
Giáo sư Parkins, người mà một trong những đặc tính chính là can trường, sau hôm đến Burnstow để tập gôn cho khá lên, đã dành phần lớn thì giờ trong ngày đầu ở cạnh ông đại tá Wilson này. Buổi chiều – chẳng hiểu quá trình tập luyện có làm ông khá lên chút nào không, tôi không dám chắc – phong thái của đại tá mang màu sắc ghê gớm quá khiến Parkins không dám có ý nghĩ cùng đi từ chỗ gôn về nhà. Thoáng liếc nhìn bộ ria sáng bóng lên và nét mặt nhuộm màu hồng tươi của Đại tá, Parkins quyết định mình nên khôn ngoan để mặc cho ảnh hưởng của trà và thuốc lá nên ông ta ra sao thì ra, trước khi bắt buộc phải gặp ông ta vào bữa tối.
"Đêm nay ta thả bộ dọc theo bờ biển" Parkins nghĩ "Thật phải đấy, có ánh sáng khá tỏ mà, nhìn cảnh đổ nát mà ông Disney đã nói với ta xem thế nào. Chẳng biết chính xác ở đâu, nhưng thế nào ta chẳng phải đụng nó"
Parkins thực hiện được điều này. Từ sân gôn ông đi theo con đường ra bờ biển nhìều đá cuội, chân đạp vào rễ cây kim tước và các tảng đá lớn, cứ thế đi. Cho đến lúc đứng thẳng lên, nhìn quanh, ông thấy mình đang đứng trên một mảnh đất nhiều chỗ lồi lõm, các chỗ lồi lên nhìn kỹ là những tảng đá lửa có vữa gắn vào, trên là lớp đất mặt. Hẳn ông ta đã đến địa điểm giáo đường rồi đây, ông nghĩ và nghĩ đúng. Xem ra người khám phá không phải là không được đền đáp, móng còn đủ để chẳng mất công gì mấy cũng hình dung ra được bản đồ chung của giáo đường. Ông mang máng nhớ lại các hiệp sĩ Templars, những người sở hữu nơi này – thường có xu hướng xây cất nhà thờ tròn, các ụ đất gần chỗ ông đứng có vẻ như hình vòng tròn. Thường ít người ngăn nổi mình bị cám dỗ nghiên cứu theo chút kiểu nghệ sĩ sang một lĩnh vực không phải của họ, chẳng qua muốn tỏ ra nếu làm việc nghiêm túc họ cũng thành công chứ chẳng thua kém gì. Vị giáo sư của chúng ta, nếu như có chút ý nghĩ nhỏ mọn nào kiểu này thì chỉ là vì lo lắng muốn làm vừa lòng ông Disney mà thôi.
Ông đi lại từng bước một rất cẩn thận trong khu vực vòng tròn, ghi vào sổ tay các đánh giá sơ bộ về kích thước. Sau đó ông bắt đầu xem xét mô đất dài hình thuôn nằm phía Đông vòng tròn theo ông nghĩ là nền của một cái bậc hay của một bàn thờ. Đầu phía Bắc của mô đất dài, lớp đất mặt bị bong đi – có lẽ do trẻ con hay sinh vật tự nhiên nào khác. Ông nghĩ, ta thử thăm dò chỗ đất này xem có chứng cứ gì của việc xây cất ngày xưa không, ông lấy dao từ trong túi ra và nạo đất. Tự nhiên đưa đến một khám phá khác. Nạo đến đâu đất tụt xuống đến đấy, lộ một cái hang bé xíu. Ông bật diêm xem cái lỗ này như thế nào nhưng gió quá mạnh nên không thực hiện được. Ông dùng dao nạo thêm bốn phía xung quanh thì thấy đó là một cái lỗ nhân tạo được xây hình chữ nhật, đáy và bốn phía chung quanh nhẵ!n. Dĩ nhiên bên trong không có gì. Ồ, mà này, nhấc con dao ra thấy chạm một tiếng leng keng của kim loại. Đưa tay vào, ông sờ phải một vật hình ống nằm dưới đáy. Đương nhiên ông cầm lên, đưa ra ánh sáng – lúc này trời mờ tối – thì thấy là một vật do con người tạo nên, một ống kim loại dài độ 10cm, rõ ràng là một vật dụng rất cổ đại.
Không còn thấy gì trong chỗ chứa ấy cả mà thời gian đã muộn, ông không muốn tìm tòi thêm nữa. việc ông làm đã tỏ ra thú vị không ngờ đến độ ông quyết định sáng mai sẽ bớt ít thời gian vào việc khảo cổ. Ông dám chắc cái vật mình vừa tìm thấy là vật phần nào có giá trị.
Trước khi quay về ông nhìn lại nơi đó một lần cuối. Trông thật ảm đạm và trang nghiêm. Một ánh sáng yếu ớt màu vàng ở phía Tây mờ chiếu sân gôn nơi còn trông thấy cái bóng dáng đang đi về câu lạc bộ, tháp bảo vệ bờ biển, đường ánh đèn của làng Aldsey, một dải cát nhợt nhạt bị đứt quãng nhiều đoạn bởi con đê biển bằng gỗ đen, biển cả rì rào nhè nhẹ. Gió lạnh như cắt từ phía bắc thổi phía sau ông khi ông đi về quán Globe. Sỏi lạo xạo dưới chân ông. Tới bãi cát thì êm hơn, còn phải vượt qua mấy đoạn đê vắt ngang qua nữa. Nhìn lại một lần cuối cùng để ước lượng khoảng cách từ di tích nhà thờ của các hiệp sĩ Templars đến chỗ đang đứng là bao nhiêu, ông thấy mừng vì triển vọng sắp có bạn cùng đường, dáng hình rất rõ, có vẻ như đang cố gắng theo kịp ông nhưng tiến lên không được bao nhiêu. Tôi muốn nói rõ ràng là có người đang chạy nhưng khoảng cách giữa người đó và ông Parkins không thay đổi. Ít nhất Parkins nghĩ vậy, và cho rằng mình không quen người đó thì chờ cũng vô ích. Kể ra nơi bờ biển quạnh hiu này mà có người đi cùng thì hay quá. Trong những ngày trí óc ông còn tăm tối, ông đã đọc những truyện gặp gỡ ở những nơi như thế này, nhưng ông không muốn nghĩ đến. Tuy nhiên cố không nghĩ mà không được, ông vẫn cứ nghĩ đến cho tận khi về nhà, đặc biệt là một truyện khá giật gân đối với tuổi nhỏ "Lúc này, trong giấc mơ, tôi trông thấy khi Christian đã đi được một đoạn ngắn thì có một con quỷ băng qua cánh đồng đến gặp nó" Parkins nghĩ "Ta sẽ làm gì nếu như quay lại nhìn thấy một dáng hình đen ngòm in rõ trên nền trời màu vàng và trông rõ nó mang sừng và có cánh? Ta đứng lại hay co cẳng chạy? May mắn là vị quý phái đàng sau ta không phải loại ấy và cách ta còn xa lắm. Ừ, mà đi với tốc độ này về ăn cơm tối không kịp. Còn mười lăm phút nữa! Ta phải chạy mất thôi!"
Thực tế Parkins còn rất ít thời gian để chỉnh đốn quần áo xuống ăn cơm. Đến khi gặp ông đại tá trong bữa tối, ông mới lây lại được trạng thái bình ổn, và sự bình ổn này kéo dài trong suốt buổi đánh bài bridge sau đó, bởi giáo sư Parkins của chúng ta là tay chơi bài bridge cừ khôi. Mười hai giờ về ngủ, ông cảm thấy trôi qua buổi tối thật mãn nguyện. Cứ thế này sống ở Globe hai hay ba tuần trong hoàn cảnh như tối nay, ta chịu được quá đi chứ, "nhất là" ông nghĩ "ta lại còn tập được cho món chơi gôn khá lên"
Dọc hành lang ông gặp người đánh giày ở khách sạn. Người này dừng lại nói "Xin lỗi ông, khi chải áo cho ông tôi thấy có cái gì ở túi rơi ra, có vẻ một mẩu ống gì đó, cảm ơn ông, tôi đã để lại trên tủ com mốt, thưa ông, vâng, chúc ông ngủ ngon".
Parkins nhớ lại vật mình tìm thấy buổi chiều.Ông tò mò quay đi, quay lại nó dưới ánh nến. Nhìn ra, nó bằng đúng kiểu cách giống cái còi huýt chó săn, thực tế, mà đúng nó là vậy thật – một cái còi. Ông đặt nó lên môi nhưng vì nó bị một lớp cát mỏng lấp kín không kêu được ông phải lấy dao cậy lớp cát ra. Vốn là người ngăn nắp, Parkins cạy lớp cát lên một mảnh giấy, đem mảnh giấy đó ra cửa sổ đổ. Đêm sáng rực rỡ khi ông mở khung cửa sổ nhìn ra ngoài và đứng lại ngắm cảnh trí ngoài biển, những kẻ đi chơi đêm muộn còn lang thang ngoài ấy ngay trước cửa quán. Rồi ông đóng cửa sổ lại, hơi ngạc nhiên thấy ở Burnstow người ta thức khuya đến thế, sau đó đem cái còi lại gần cây nến. Có vết trên đó, không phải vết, mà là chữ. Ông lau đi một chút thì chữ khắc sâu lộ rõ ra, vị giáo sư phải thú thật tuy nghĩ mãi rồi mà ý nghĩa của nó vẫn tối tăm như những chữ viết trên bức tường Belshazzar. Có chữ cả ở mặt trước lẫn mặt sau cái còi. Một mặt là:
FLA
FUR BIS
FLE
Mặt kia là:
QUIS EST ISTE QUI UENIT
"Ta phải nghĩ cho ra mới được" ông nghĩ "nhưng ta hơi kém tiếng La tinh. Ta chẳng biết còi tiếng La tinh nghĩa là gì nữa. Dòng chữ dài hơn kia thì đơn giản hơn. "Người đang đến đó là ai?" phải, cách tốt nhất là thổi còi lên gọi hắn tới".
Ông thử thổi rồi dừng ngay, vừa ngạc nhiên vừa thấy thích khi nghe tiếng kêu của nó. Tiếng kêu mang một vẻ xa xôi đến vô tận, và tuy khẽ khàng dịu dàng, có thể vang xa hàng nhiều dặm xung quanh. Nó là một tiếng động mang quyền lực (cũng như một số mùi hương) và tạo ra được những hình ảnh trong óc. Trong một lúc ông thấy mình nhìn vào một khoảng tối mênh mông trong đêm, gió lạnh thổi, chính giữa là một bóng hình đơn độc – đang bận tâm điều gì không thể nói được. Có lẽ ông còn nhìn rõ quang cảnh này thêm nếu như một trận gió rất mạnh không ùa tới cửa sổ, mạnh và đột ngột đến nỗi ông phải nhìn lên vừa vặn thấy lấp lánh trăng trắng cánh một con chim biển đậu ở bên ngoài ô kính tối om.
Tiếng còi làm ông mê quá, ông lại thổi thêm một lần nữa, lần này mạnh dạn hơn. Tiếng còi to hơn lần trước và nó làm mất đi ảo ảnh chứ không làm rõ thêm như ông nghĩ. Nhưng cái gì vậy? Trời ơi! Làm sao chỉ có vài phút mà gió lạnh đến thế? Luồng gió mới khiếp chứ! Trời! Chốt cửa sổ không ăn thua gì! Ái chà! Tắt cả nến! Như sắp thổi tung cả gian phòng này ra!
Việc đầu tiên phải đóng cửa sổ lại đã. Trong thời gian bạn đếm đến hai mươi, Parkins vật lộn với cái cửa sổ, có ảo giác bị áp lực mạnh như phải đẩy một tên đạo tặc ra nogài. Cuối cùng tôi lỏng ra, tự cửa sổ đóng vào và cài chốt lại. Giờ thì ta thắp nến lên thử xem có bị hư hại gì không. Không! Không thiếu cái gì cả, không ô kính cửa sổ nào bị vỡ. Tuy nhiên tiếng động ít nhất cũng làm cho một người trong quán thức giấc. Ông Đại tá đang giậm chân bên trên gác và càu nhàu.
Gió nổi lên nhanh thế nhưng yếu đi rất lâu. Nó cứ thổi rầu rì ùa qua ngôi nhà, thỉnh thoảng bật lên một tiếng kêu hoang vắng, khiến cho Parkins, dù không động lòng cũng phải nói là nó làm cho những người giàu trí tưởng tượng cảm thấy bất ổn, ngay cả đến những người không có chút đầu óc tưởng tượng nào cũng cảm thấy nếu không có nó thì thoải mái hơn.
Parkins không ngủ được, không biết là vì gió, vì kích thích của chơi gôn, hay vì những tìm tòi ở khu giáo đường. Dù sao thì mất ngủ như thế, ông cứ tưởng tượng ra (bản thân tôi thường trong hoàn cảnh ấy cũng vậy) mình là nạn nhân của nhiều rối loạn tai hại. Ông nằm đếm nhịp tim, tin chắc nó sẽ ngừng đập không biết lúc nào, rồi nghĩ đến các bệnh phổi, gan, não, v…v…những nghi ngại mà chắc chắn ông sẽ xua tan nếu vào lúc ban ngày ban mặt, nhưng ngay lúc đó thì không thể gạt sang một bên. Ông có một cảm giác đôi chút ấm cúng, nhờ người khác mang tới, khi nghĩ rằng có ai đó cùng hội cùng thuyền với mình. Một vị khách láng giềng nào đó gần ông (trong bóng tối khó biết ở hướng nào) đang trở mình sột soạt trong giường họ, giống như ông vậy.
Sau đó Parkins nhắm mắt lại và quyết tâm ngủ. Đến đây thì trạng thái kích thích quá độ lại thể hiện ra bằng những hình ảnh trong óc. Expento Crede – tin tưởng do đã có kinh nghiệm rồi – hình ảnh bây giờ cảm giác xuất hiện trong óc người đang nhắm mắt rồi vốn không hợp thị hiếu ông cho nên ông lại mở mắt ra rồi cố xua đuổi nó.
Kinh nghiệm của Parkins trong trường hợp này thật đáng nản. Hình ảnh trước mắt ông vẫn tiếp tục, dĩ nhiên khi ông mở mắt ra thì hết, cứ nhắm lại là đâu lại vào đó, và cứ thế diễn biến không nhanh hơn cũng không chậm hơn. Ông trông thấy như sau: một đoạn dài bờ biển đá sỏi xen cát, bị con đê đen ngăn thành nhiều khúc, chạy thẳng xuống nước – một cảnh sao mà giống buổi đi dạo của ông lúc ban chiều, chỉ vì không có cột mốc nào nên không rõ ở đâu. Trời tối, có cảm giác sắp bão, vào lúc chiều đông, mưa nhỏ và lạnh. Trên bãi biển hoang vắng đó ban đầu không có ai. Sau đó ở tít xa có một vật gì đen đen bập bềnh, một lát sau lộ ra một người đang chạy, nhảy, vượt qua các con đê, cứ vài giây lại quay nhìn ra đằng sau. Càng đến gần, người đó càng tỏ ra không những lo lắng mà còn hoảng sợ, mặc dù khuôn mặt không phân biệt được là ai, người đó hầu như kiệt lực, nhưng vẫn cứ đi tới, các trở ngại bên đường càng ngày càng khó vượt qua. "Liệu anh ta sẽ qua được như lần trước không?" Parkins nghĩ "vì nó có vẻ cao hơn vật chắn trước ". Có đấy. Nửa trèo, nửa lao người, anh ta rơi ầm xuống một bên (bên người đứng thôi). Đến chỗ này thì không thể dậy được nữa rồi, anh ta nằm phủ phục trên bờ đê nhìn lên với nỗi đau đớn đầy lo âu khắc khoải.
Không biết được là người chạy này vì sao mà sợ, nhưng bây giờ thì nhìn thấy rồi. Ở xa tận cùng bờ biển có cái gì nhạt màu cứ rung rinh như ẩn như hiện, thoắt đi thoắt lại nhẹ nhàng, không đều đặn, hình ảnh ngày càng làm lộ ra một hình người nhợt nhạt, áo quần phấp phới khó xác định. Cái cách nó cử động khiến Parkins không muốn nhìn cận cảnh. Nó đứng lại, giơ cao hai cánh tay, cúi mình xuống cát, sau đó chạy lom khom qua bãi biển xuống mé nước rồi lại chạy lên, rồi thẳng mình lại tiếp tục chạy thẳng về phía trước với tốc độ phát sợ làm người ta phải ngạc nhiên. Đến một lúc kẻ đuổi theo hết liệng sang phải lại liệng sang trái chỉ cách con đê nơi người chạy trốn ẩn nấp có vài mét. Sau mấy lần liệng qua liệng lại vẫn không có hiệu quả, hắn dừng, đứng thẳng lên, hai tay giơ cao rồi cứ thế đâm thẳng vào con đê.
Đến đây thì Parkins lại bị lay chuyển quyết tâm cố nhắm mắt. Với bao nỗi lo ngại, thị giác chớm mắt bệnh não làm việc quá nhiều, hút thuốc lá vô độ, v…v.. Ông quyết định dậy thắp nến, lấy một quyển sách ra, thà thức đêm còn hơn bị giày vò bởi cảnh trí diễn ra không ngừng ấy mà ông thấy khá rõ nó phản ảnh một cách khốn khổ cuộc dạo chơi của ông cũng như những ý nghĩ của ông lúc ban ngày.
Tiếng diêm quẹt vào vỏ hộp diêm và ánh sáng loé lên hẳn đã làm cho các sinh vật đêm – chuột hay con gì đó giật mình, bởi ông nghe thấy có tiếng chạy băng qua trên sàn từ phía cái giường có tiếng loạt soạt. Trời ơi, diêm tắt rồi! Thật là khổ! May thay que diêm thứ hai cháy tốt hơn, nến được thắp sáng được lấy ra. Parkins đăm đăm nhìn vào đó chẳng bao lâu thì ngủ thiếp đi ngon lành. Lần đầu tiên trong cuộc đời ngăn nắp khôn ngoan của mình, ông quên không tắt nến thành ra vẫn le lói nơi cái giá và nhiều giọt mỡ nến bị dây lại trên mặt bàn.
Ăn sáng xong, ông trở về phòng, mặc quần áo chơi gôn. Ông lại may mắn có ông Đại tá làm bạn chơi gôn.Vừa xong thì cô tớ gái bước vào.
"Ồ thưa ông, ông có muốn thêm chăn không ạ?"
"A, cám ơn cô. Vâng, cô thêm cho một chiếc. Trời hơi gió lạnh".
Cô đầy tớ mang chăn lại rất nhanh.
"Thưa để vào giường nào ạ?" Cô ta hỏi.
"Giường nào ư? Giường tôi ngủ tối qua ấy!" Ông giơ tay chỉ.
"Ồ, xin lỗi ông, hình như ông sử dụng cả hai giường thì phải, hôm nay chúng tôi phải dọn giường cả hai bên"
"Thật không? Lạ quá nhỉ? Rất vô lý. Tôi không hề đụng chạm vào cái giường bên kia, chỉ đặt có ít đồ đạc lên đấy thôi. Trông có vẻ như có người đã ngủ ở đó à?"
"Vâng" cô gái đáp "mọi thứ nhàu nát cả, ném lung tung, xin lỗi ông, người nằm trong đó có vẻ ngủ không được ngon giấc"
"Trời ơi" ông Parkins nói "có lẽ khi dỡ đồ đạc ra khỏi vali và sắp xếp chúng, tôi để lộn xộn hơn tôi tưởng. Xin lỗi đã làm phiền cô mất công thêm. Tôi đang đợi một người bạn, một quý ông từ Cambridge đến ở cùng một hai hôm, có được không cô?"
"Ô thưa ông được ạ. Cám ơn ông. Không có gì phiền đâu ạ." Cô ta đi ra, khúc khích cười với mấy cô tớ gái khác.
Parkins ra đi, quyết tâm luyện cho khá môn gôn.
Tôi rất vui mà nói với các bạn rằng, ông ta khá thành công trong vụ này, thành ra ông Đại tá, đã hơn ngán ngẩm với triển vọng cặp với Parkins một ngày thứ hai, trở nên vui chuyện khi buổi sáng qua dần. Giọng ông oang oang vang trên các ngôi nhà, thật đúng như các thi sĩ loại xoàng của chúng ta đã nói "chẳng khác gì tiếng chuông lớn vang trong tháp chuông một nhà thờ.
Ông ta nói:
"Đêm qua có cơn gió thật kỳ quái. Ở ngôi nhà cổ của tôi thì chúng tôi hẳn phải bảo có ai huýt còi gọi gió về".
"Thật ư ông?" ông Parkins bảo "Thế ra vùng ông ở, người ta vẫn còn dị đoan tin vào chuyện đó ư thưa ông?"
"Tôi không biết gì về dị đoan lắm" ông Đại tá trả lời Ở Đan Mạch hay Na uy cũng như bờ biển phía tây cũng tin như vậy cả. Theo kinh nghiệm của tôi thì thể nào cũng có một cái gì đó ở tận gốc rễ những gì mà người nông thôn tin, nó truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác kia đấy. Nhưng kìa, đến lượt anh kìa"
Khi cuộc nói chuyện tiếp tục, Parkins hơi ngập ngừng nói:
"Về chuyện ông nói vừa rồi ấy mà, Đại tá à, tôi phải nói với ông là quan điểm của tôi về những chuyện như thế này rất mạnh mẽ, thực tế tôi là người không bao giờ tin ở cái gọi là "siêu nhiên""
"Ủa!" ông Đại tá nói "ông định bảo tôi ông không tin là người ta nhìn được tương lai, hoặc thấy ma, hoặc đại loại như vậy?"
"Bất cứ cái gì đại loại như vậy" Parkins đáp, chắc như đinh đóng cột
"Hừ" ông Đại tá nói "đến mức ấy thì ông chẳng hơn gì một tay Sadducees [2] là mấy"
Parkins đang định đáp lại là theo ý kiến ông, Sadduccees là những người lý trí nhất mà ông đã được đọc trong Kinh Cựu Ước, nhưng cảm thấy nghi hoặc không biết có phải Kinh Cựu Ước nói quá nhiều về những người đó không nên ông chỉ cười trừ trước sự buộc tội đó.
"Vâng, có lẽ tôi như vậy thực" ông nói "Nhưng…Ở đây, nhóc con, đưa cái móc ấy đây! Xin lỗi Đại tá…Giờ thì tôi sẽ nói với ông về lý thuyết huýt còi gọi gió. Những quy luật điều chỉnh gió thực tế đã ai biết gì đâu. Những người đánh cá chẳng hạn, cũng không biết. Một người đàn ông hay đàn bà lập dị nào đó, hoặc một người lạ nào đó, cứ thường xuyên có mặt ở bờ biển vào một giờ bất thường, vẫn bị người ta nghe thấy huýt còi, sau một lúc thì gió lên rất mạnh, một người biết nhìn trời hoặc có một phong vũ biểu, có thể tiên đoán gió sẽ nổi. Dân ở một làng đánh cá bình thường làm gì có phong vũ biểu, chỉ nắm được một số quy luật thô thiển về dự đoán thời tiết. Người lập dị nói trên được coi là có thể gọi gió cũng là điều hiển nhiên, biết đâu anh ta hoặc chị ta cố tình muốn được mệnh danh có tài ấy? Bây giờ nói về trận gió đêm qua, chính tôi đã thổi còi. Tôi thổi hai lần vào một cái còi ông ạ, và rõ ràng là gió đã trả lời tôi. Giá như có ai trông thấy tôi".
Thính giả của Parkins xem ra đã hơi sốt ruột, bồn chồn trước bài diễn thuyết, còn Parkins, tôi sợ đã rơi vào tình cảnh một diễn giả, nhưng đến câu cuối cùng thì ông đại tá ngừng hẳn lại.
"Anh đã huýt còi ấy ư?" ông ta hỏi "Anh dùng cái còi nào vậy? Đánh cú này đi đã"
"Về cái còi mà ông hỏi ấy, khá lạ lùng. Tôi để trong…À không, ở phòng tôi. Thực tế tôi mới tìm thấy nó tối hôm qua" .
Rồi Parkins kể lại sự tích tìm ra cái còi, nghe thấy thế, ông Đại tá làu bàu, bảo là ở địa vị của Parkins ông ta hẳn phải thận trọng lắm khi sử dụng những vật của một lô những kẻ theo Giáo hoàng, những người mà nói chung, ta có thể khẳng định nào ta có biết họ định giở trò gì. Từ đề tài này ông Đại tá lại nghĩ sang những trò ác ý của Cha xứ, người mà Chủ nhật tuần trước đã cho biết thứ sáu là ngày Thánh Tông đồ St Thomas, và ở nhà thờ có làm lễ lúc mười một giờ. Những trò như vậy khiến ông Đại tá suy ra rằng Cha xứ này là người lén lút theo Giáo hoàng, nếu không phải là tu sĩ dòng Tên, và Parkins, ý nghĩ không theo kịp vị Đại tá trong lĩnh vực này, tán đồng quan điểm của ông ta. Tóm lại, buổi sáng hôm đó họ hợp nhau quá đỗi, đến nỗi không ai nói tới việc xa nhau sau bữa ăn trưa nữa.
Cả hai lại cùng chơi gôn với nhau buổi chiều, nói cách khác, họ quên đi mọi sự cho đến khi ánh sáng dần tắt. Parkins nghĩ đến việc tiếp tục thám hiểm khu tàn tích giáo đường, nhưng chẳng có gì quan trọng, không hôm nay thì ngày khác, thế nào chẳng có lúc đi về cùng đường với ông Đại tá.
Đến góc đường rẽ về nhà, ông Đại tá suýt ngã vì một đứa bé chạy xổ tới hết tốc lực, gặp ông rồi nó cứ túm chặt lấy ông mà thở hổn hển. Vị quân nhân lúc đầu còn trách móc tới khi nhận ra đứa bé hoảng sợ không nói được nên lời, nó nói mãi không ra đầu đuôi gì cả. Lúc đứa bé thở lại bình tĩnh thì nó tru lên và ôm chặt lấy chân ông. Cuối cùng nó thả chân ông ra, nhưng vẫn tiếp tục kêu thét.
"Chuyện gì xảy ra với cháu vậy? Cháu đã làm gì? Cháu đã trông thấy cái gì?" Hai người đàn ông hỏi.
"Trời, nó vẫy cháu qua cửa sổ" thằng bé than vãn, "cháu chẳng thích thế tí nào"
"Cửa sổ nào?" Đại tá hỏi "Cứ bình tĩnh nào"
"Cửa sổ mặt trước của khách sạn ấy" thằng bé nói.
Đến đây Parkins nghĩ nên cho thằng bé về nhà là hơn nhưng ông Đại tá không chấp thuận, muốn hiểu đến nơi đến chốn sự việc, để một đứa trẻ hoảng sợ như vậy thì rất nguy hiểm bởi nếu người lớn nghe chuyện chế giễu nó thì khổ cho nó. Và ông ta hỏi đi hỏi lại thằng bé, được biết câu chuyện đầu đuôi như sau.
Nó chơi trên bãi cỏ trước khách sạn Globe với vài đứa nữa, chúng chuẩn bị về nhà uống trà thì chợt nó nhìn lên cửa sổ phòng trước khách sạn thì có cái gì vẫy vẫy nó. Đó là một dáng người hay sao ấy - ở xa quá không rõ mặt – nó cứ vẫy, mà không phải là một người thật sự. Phòng có ánh sáng hay không ư? Không. Không thấy ánh sáng trong phòng. Cửa sổ nào? Tầng trệt hay tầng hai? Tầng hai, cái cửa sổ to mà hai bên có hai cái nữa ấy.
"Thôi được rồi cháu" ông Đại tá nói sau khi hỏi thêm vài câu nữa "Giờ chạy về nhà đi. Có lẽ có người nào đó có ý định làm cháu giật mình thôi. Lần sau, như một đứa bé trai Anh quốc dũng cảm, ném cho hắn một hòn đá, mà không, gặp anh bồi, hay chính ông Simpson, chủ quán ấy, ông ta sẽ bảo cháu nên làm gì."
Mặt đứa bé lộ vẻ nghi ngờ, chắc gì ông Simpson tin lời nó, nhưng ông Đại tá làm như không để ý thấy, tiếp tục nói.
"Đây, cho cháu đồng sáu xu, à mà đồng một silling, về nhà đi, đừng nghĩ đến chuyện ấy làm gì nữa".
Đứa bé chạy đi, cám ơn rối rít. Đại tá và ông Parkins đi vòng ra trước mặt quán Globe thăm dò tình hình. Chỉ có mỗi cái cửa sổ theo đúng mô tả họ vừa được nghe.
"Lạ thật" Parkins bảo "chính là cái cửa sổ phòng tôi thằng bé vừa nói. Đại tá, ông lên buồng với tôi một chút. Để xem thử có ai dám tự do vào buồng tôi không?"
Họ tới hành lang, Parkins tiến tới làm động tác mở cửa, sau đó dừng lại tìm trong túi.
"Lạ hơn tôi tưởng đấy" ông nhận xét thêm "Sáng nay tôi đã khoá cửa cơ mà. Bây giờ vẫn khoá, mà chìa khoá đây" ông giơ chìa khoá lên "Nào, nếu như đầy tớ có thói quen vào buồng khách buổi sáng trong khi khách đi vắng thì tôi không tán thành chút nào" Ý thức được tình hình, ông mở khoá cửa (cửa có khoá thật), rồi thắp nến lên. Không, mọi thứ vẫn đâu vào đó cả.
"Kìa, cái giường của anh" Đại tá Wilson nói.
"Xin lỗi, đây không phải là giường tôi" Parkins nói. "Tôi không dùng cái giường này.Nhưng quả có ai nghịch ở đây"
Quả vậy, khăn giường chất thành đống và bị xoắn vặn nhàu nát. Parkins suy nghĩ.
"Hẳn là" cuối cùng ông nói "hôm qua dỡ đồ đạc ra tôi làm nát khăn giường mà họ chưa xếp lại cho gon ghẽ. Có lẽ đây tớ vào dọn giường, thằng bé trông thấy họ qua cửa sổ, họ gọi thằng bé, sau đó khoá cửa đi ra. Hắn là vậy rồi"
"Thì ông gọi chuông hỏi xem sao" Đại tá bảo vậy và Parkins nghe lời.
Cô đầy tớ gái xuất hiện, nói ngắn gọn lại, khai là đã dọn giường buổi sáng, lúc ông Parkins còn ở nhà, sau đó không hề vào lại trong phòng. Cô ta cũng không có chìa khoá. Ông Simpson giữ chìa khoá. Thử hỏi ông Simpson xem có ai lên phòng này không.
Thật rối tinh rối mù. Điều tra không mất vật gì, Parkins nhớ lại đã để trên bàn các vật nhỏ nào, không có vụ chơi khăm nào cả. Ông bà Simpson đều nói không để cho bất cứ ai giữ chìa khoá dự trữ của căn phòng trong người. Parkins nhìn đi nhìn lại không thấy trong cử chỉ của ông chủ, bà chủ, cô tớ gái một nét tội lỗi nào, ông nghĩ rằng đứa trẻ bịp ông Đại tá.
Ông Đại tá, dù không có thói quen, cứ im lặng và trầm ngâm suy nghĩ suốt bữa cơm tối cũng như suốt buổi tối ấy. Khi tạm biệt Parkins để đi ngủ, ông ta thì thầm khá cộc lốc.
"Anh biết phải tìm tôi ở đâu rồi, nhỡ ra đêm hôm anh cần…"
"À vâng, cám ơn Đại tá, nếu cần tôi sẽ gọi nhưng chắc chẳng có chuyện gì làm phiền ông đâu. Nhân đây" Parkins nói "Tôi chưa cho ông xem chiếc còi cổ mà tôi nói chuyện với ông phải không? Đây, nó đây"
Ông Đại tá xoay đi xoay lại cái còi dưới ánh nến một cách thận trọng.
"Ông có nhìn rõ các chữ viết đó không?" Parkins hỏi, rồi cầm lại cái còi.
"Không, ánh sáng này thì nhìn thấy gì được! Anh định sẽ làm gì với nó?"
"Ồ, khi về đến Cambridge, tôi sẽ đưa cho một nhà khảo cổ để xem họ nghĩ thế nào, rất có thể nếu nó đáng giá thì tôi sẽ biếu nó cho một viện bảo tàng nào đó"
"Hừ" ông Đại tá nói "Phải, có thể anh đúng. Theo tất cả những gì mà tôi biết thì, nếu nó là của tôi ấy à, tôi sẽ vứt nó xuống biển. Nhưng thôi nói chuyện làm gì, tôi mong đây sẽ là một bài học cho anh trong cuộc đời. Hy vọng có thể. Tôi chắc thế. Thôi, chúc anh ngủ ngon"
Ông ta quay đi, để mặc Parkins đứng ở lại chân cầu thang định nói gì đó mà vẫn chưa kịp. Chẳng mấy chốc ai về phòng nấy.
Rất không may cửa sổ phòng vị giáo sư chẳng có treo màn. Đêm trước ông đã nghĩ tới điều này nhưng đêm nay triển vọng trăng sáng, nếu trăng lên cao sẽ soi đúng vào giường ông nằm đánh thức ông dậy. Nhận thấy thế, ông ngán ngẩm quá nhưng vì là người có biệt tài, ông cuối cùng cũng tạo nên được một màn chắn bằng một tấm mền du lịch, một cái gậy và một cái ô, chúng mà đứng vững là hoàn toàn che được ánh trăng khỏi chiếu vào giường. Sau đó ông cảm thấy rất ấm cúng trong chiếc giường của mình. Sau khi đọc một tài liệu khá căng và dài để tạo cơn buồn ngủ, ông đưa ánh mắt ngái ngủ liếc quanh phòng một lượt, thổi tắt ngọn nến rồi ngả đầu xuống gối.
Ông ngủ say khoảng một hay hai tiếng thì chợt thức giấc vì một tiếng lạch cạch rất khó chịu. Trong một lúc ông hiểu ra cái màn cửa do ông công phu chế tạo bị đổ, trăng vằng vặc soi vào giữa mặt ông. Chán quá đi mất! Dậy để làm lại cái màn cửa chăng? Hay cố ngủ nếu như không ngủ được?
Mất mấy phút nằm suy nghĩ, ông bỗng quay người mở to mắt lắng nghe. Chắc chắn có một tiếng động ở phía cái giường trống phía bên kia căn phòng. Ngày mai ông sẽ bảo cho khiêng đi bởi rõ ràng có chuột hay con gì chơi đùa trên đó. Lại yên rồi. Mà không! Lại rung chuyển. Loạt tiếng động rung lên quá mức chuột hành.
Tôi có thể hình dung sự hoang mang hoảng sợ của vị giáo sư bởi cách đây ba mươi năm tôi đã có một giấc mơ như thế, nhưng có lẽ độc giả khó hình dung được sự hoảng loạn của ông khi ông nhìn thấy một hình người đột ngột ngồi dậy trên chiếc giường bỏ không. Ông nhảy vọt một cái khỏi giường, chạy ra cửa sổ, nơi có thứ vũ khí duy nhất của ông là cái gậy trên đó dựng cái màn cửa mới tạo thành. Sự thể quay ra chiều hướng vô cùng tệ hại, làm như vậy, ông khiến cho cái nhân vật trên giường bên kia nhẹ nhàng trượt khỏi giường êm ru và đứng tấn, hai cánh tay duỗi ra tại vị trí giữa hai giường, và trước cánh cửa ra vào. Nhìn thấy thế Parkins bối rối. Ý định chạy qua nó để thoát ra cửa cũng khó lòng lắm. Chạm vào nó ư? Không thể được, còn nếu như hắn chạm vào ông thì thà ông lao ra cửa sổ. Nó đứng một lúc trong dải bóng tối thành ra không thấy rõ mặt. Bây giờ nó bắt đầu cử động, cúi người xuống và ngay lập tức bất cứ ai nhìn vào cũng hiểu được , nỗi niềm kinh hãi nhưng nhẹ mình, là nó mù bởi hai cánh tay bọc vải của nó sờ soạng theo kiểu không thấy đường. Quay một nửa người, nó sực nhớ ra chiếc giường mà nó vừa rời bỏ, thế là nó chạy tới đó, cúi xuống sờ tìm gối theo cách làm Parkins không tưởng tượng nổi, phát rùng mình. Khoảng vài phút nó thấy cái giường trống trơn, thế là nó chuyển ra vùng có ánh sáng và quay ra phía cửa sổ, lần đầu tiên bộc lộ mình là cái giống gì.
Parkins không thích ai hỏi ông về điều này, nhưng có lần ông đã tả cho tôi nghe, theo tôi hiểu ông chỉ nhớ nó thật kinh tởm. Kinh tởm đến cùng cực, tức là cái mặt đó giống cái khăn giường nhăn nhúm, vẻ mặt đó thể hiện cái gì, ông không nhìn ra được hoặc không muốn kể lại, chỉ biết chắc một điều, ông sợ nó gần phát điên.
Nhưng ông không có thì giờ ngắm nhìn nó lâu. Nó vút ra giữa phòng nhanh không tưởng tượng được, và rồi nó cứ dò dẫm, khua khoắng, một mảnh vải khăn gì dó quệt vào mặt Parkins. Parkins không dừng được, kêu lên một tiếng kinh tởm – dù biết rằng tiếng kêu lúc này rằng nguy hiểm. Quả nhiên nó làm cho nhân vật kia định hướng được chỗ ông đứng. Nó nhảy một bước tới chỗ ông thế là ông đành lùi lại phía cửa sổ ở đàng sau, thét lên một tiếng the thé cao hết cỡ, cùng lúc, bộ mặt bằng vải kia ghé sát vào mặt ông. Vừa vặn, có thể nói vào đúng giây phút cuối cùng, sự giải thoát đã tới, như các bạn đã đoán được, ông Đại tá đá bung cửa ra, bắt gặp nhóm người kinh khủng ở bên cạnh cửa sổ. Tới gần một cái thì chỉ còn lại một tức là ông Parkins. Ông này ngã ngất trên phòng, cạnh bên là một đống khăn giường.
Đại tá Wilson không hỏi han gì hết, lo giữ cho đừng có ai vào buồng rồi đưa Parkins vào giường, bản thân ông thì đắp tạm tâm thảm rồi nằm luôn ở giường bên kia cả đêm. Sớm hôm sau Rogers đến, được đón tiếp long trọng hơn nhiều so vừa giá như đến sớm một ngày, cả ba hội lại trong phòng vị giáo sư. Cuối cùng ông Đại tá rời khỏi khách sạn mang theo một vật gì đó giữa ngón tay cái và ngón trỏ rồi ném mạnh ra biển tới nơi xa nhất mà cánh tay khoẻ mạnh có thể ném được. Sau đó cái gì đó bị đốt cháy ở sau khách sạn Globe vì có khói bốc lên.
Sự thể chính xác được thêu dệt chắp vá thế nào để giải thích cho nhân viên khách sạn cũng như khách trọ tôi không biết rõ lắm. Có điều, vị giáo sư được giải toả khỏi dư luận cho là bị điên, cũng như khách sạn khỏi mang tiếng là có ma ám.
Có lẽ chẳng cần phải hỏi cái gì sẽ xảy đến cho Parkins nếu như ông Đại tá không đến kịp thời. Chắc hẳn rơi ra ngoài cửa sổ hoặc mất trí khôn. Nhưng cũng không rõ cái sinh vật được còi gọi tới có thể làm được gì ngoài việc làm cho người ta sợ. Cũng chẳng có vật chứng nào cụ thể ngoài cái khăn giường nó dùng làm chính thân nó. Vị Đại tá nhớ lại một việc gần giống thế ở Ân Độ, nghĩ rằng nếu Parkins đến gần nó giáp lá cà hẳn nó cũng chẳng làm gì được nhiều ngoài việc gây sợ. Toàn bộ sự việc, ông nói, nó có thể dùng để chứng minh cho ý kiến của ông về nhà thờ La Mã.
Chẳng cần phải nói các bạn cũng hiểu một số quan điểm của vị giáo sư bớt rạch ròi hơn trước. Hệ thần kinh của ông cũng bị ảnh hưởng. Ông không thể nhìn vào cái áo choàng thâm treo trên một cánh cửa bất động, cảnh thằng bé nhìn rách rưới đứng giữa cánh đồng chiều đông lạnh cũng làm ông mất ngủ nhiều đêm.
Chú thích:
[1] Templars hay Các Hiệp sĩ của Giáo đường, thuộc một tổ chức nửa tôn giáo nửa quân đội rất có thế lực được thành lập ở Jesusalem vào năm 1119, bao gồm các thành phần giàu có sau trở thành các chủ ngân hàng hoặc các ông hoàng châu Âu. Năm 1312 giáo hoàng Clement V giải tán tổ chức này theo sự xúi giục của vua nước Pháp
[2] Thành phần một giáo phái Do Thái ngược lại với phái Do Thái sùng tín.