40 Quyển 2 - Chương 11: Boong thuyền
Nửa người cô ấy đã bị kéo vào khoang thuyền tối om, tôi vừa thấy thế lập tức cuống lên. Trên người đã không có trang thiết bị chiếu sáng gì rồi, đến cả vũ khí cũng không nốt, lỡ mà bị kéo vào đó, thật chẳng biết sống chết thế nào.
Tôi lăn một vòng qua đó, nắm chặt lấy chân cô ta, dùng hết sức kéo vài cái, phát hiện cô gái đó không hề nhúc nhích. Hơn nữa cô ta mặc bộ đồ lặn bó sát người, không có chỗ bám vào đã đành, lại còn dính nước biển trơn muốn chết, cố mấy cũng chỉ dùng được 80% sức lực.
Tôi thấy nếu cứ tiếp tục thế này thì cô ta tiêu chắc. Trong lúc nguy cấp cũng không nghĩ ra cách nào hay hơn, vội quá tôi liền nhào tới ôm chặt lấy eo cô ta, như vậy trọng lượng hai người cộng lại ít nhất cũng hơn 130kg, để tôi xem hai cái tay khô như que củi kia kéo kiểu gì.
Không ngờ sức chịu đựng của boong thuyền này cũng có hạn, tôi vừa mới đè lên đã nghe một âm thanh giòn tan, rồi tất cả sụp xuống. Mấy giây tiếp theo, tôi cùng một mớ gỗ mục ẩm ướt rơi vào trong khoang thuyền, may mà đáy thuyền còn chắc chắn, không thì chúng tôi đã chui tọt xuống biển rồi.
Cú rơi quá mạnh, tôi lảo đảo ngồi xuống, không khỏi âm thầm cười khổ. Lúc nãy liều mạng để khỏi bị kéo vào trong khoang, bây giờ lại rơi thẳng vào như vậy. Ngay lúc đó, tôi nghe tiếng cô gái kia vang lên từ bên dưới: “Tránh ra mau, anh nặng muốn chết!”
Bấy giờ tôi mới nhận ra mình đang ngồi trên mông cô ấy, vội vàng tránh ra, thầm nhủ thế này có ổn không vậy? Trước kia xem phim kịch gì đều chỉ thấy nữ ngồi lên người nam, bây giờ thì ngược lại. Cô gái kia khó khăn ngồi dậy, bàn tay trên vai đã biến mất, tôi kinh ngạc vội hỏi: “Hai bàn tay quỷ kia đâu mất rồi?”
Cô sờ bả vai, kinh ngạc nói: “Tôi chịu, từ lúc bị kéo lên thuyền tôi cứ mơ mơ màng màng, cũng không biết nó biến mất lúc nào. Anh không thấy sao?”
Tôi lắc đầu: “Vừa rồi lúc rơi xuống đây tình hình rất hỗn loạn, tôi cũng không để ý. Nhưng hai bàn tay kia có thể kéo được cả một người, chắc chắn là thực chứ không phải ảo giác, không thể tự nhiên mà biến mất được, nhất định là nó bị rớt ra lúc chúng ta rơi xuống, cô xem thử có đè lên nó không?”
Cô gái kia vừa nghe xong liền bị dọa đến tái mặt, vội nhổm dậy xem. Tiếc là bên dưới ngoài ván gỗ ra không còn gì khác. Tôi nói: “Có lẽ nó vẫn còn ở trên bậc thang, chẳng qua lúc rơi xuống bị tuột ra thôi. Cô đột ngột rơi xuống như vậy, nó không kịp trở tay, nhiều khả năng vẫn quanh quẩn bên trên.”
Cô ấy gật gật đầu, cảm thấy có lý: “Không biết nó kéo tôi sang đây để làm gì, xem ra chúng ta nên cẩn thận một chút thì hơn.”
Hai chúng tôi nhìn quanh quất bốn phía, vừa rồi boong thuyền bị vỡ ra một mảng lớn nên ánh sáng lọt xuống cũng đủ để nhìn rõ. Trên thành khoang có một lớp mảng bám màu trắng rất dày, hầu như bao phủ lên tất cả mọi thứ. Chúng tôi nạy ra một ít, có thể nhìn thấy một vài vật dụng thông thường khi đi biển, nhưng đa số đều đã mục nát chỉ còn giữ được hình dạng.
Với quy mô kết cấu như thế này, đây hẳn là một thuyền đánh cá cỡ trung của những năm 70 hay 80, thân thuyền bằng tôn, khoang thuyền rất rộng, dùng ván gỗ ngăn cách, hẳn là phân ra phòng nghỉ của thuyền viên, phòng lái thuyền và kho hàng; lúc này hẳn chúng tôi đang ở trong kho hàng. Nhưng nhìn vào những thứ được gỡ ra, có thể khẳng định con thuyền này không phải bị đắm trên đường vận chuyển hàng.
Bộ khung thuyền có lẽ vẫn chưa hoàn toàn bị ăn mòn, cho nên mới có thể trôi dạt được, bằng không đã sớm bị sóng lớn đánh tan rồi.
Cô gái kia lại lắc đầu: “Thật ra thì tôi cũng có hiểu biết khá rõ về tàu thuyền, hiện trạng con thuyền này rất bất thường… lớp mảng bám dày như vậy, theo lý mà nói thì nó phải chìm dưới đáy biển ít nhất mười mấy năm.”
Tôi hỏi: “Có thể nó được bão lớn cuốn từ đáy biển lên cũng nên?”
Cô ấy trả lời: “Khả năng đó rất thấp, thuyến đắm mấy chục năm, sớm đã bị chôn vùi dưới đáy cát, dù anh có dùng cần cẩu để kéo lên thì cũng rất khó khăn, hơn nữa thân thuyền đã bị giòn, không cẩn thận là vỡ vụn ngay.”
Tôi cũng từng nghĩ đến những điều cô ấy nói, nhưng vẫn còn một chuyện khó hiểu: con thuyền này nếu lúc trước đã bị đắm, bây giờ sao còn có thể nổi lên mặt nước? Cho dù có người trục vớt nó lên, trên thân thuyền chắc chắn vẫn còn vết thủng lưu lại khi thuyền gặp nạn, chẳng lẽ lỗ thủng có thể tự vá lại hay sao?
Tôi thấy chẳng tìm được gì ở đây cả, hai bàn tay kia cũng không thấy bóng dáng mới hơi yên lòng một chút, phủi sạch gỗ vụn trên người rồi cùng cô gái tiến vào cái kho bên trong. Giữa hai kho được ngăn đôi bởi một tấm ván gỗ, giờ đã gần nát vụn. Tôi định đá bay tấm ván xuống nhưng cô gái kia ngăn lại: “Phía trên tấm ván gỗ này là boong thuyền, anh mạnh tay mạnh chân như vậy, lỡ cả boong thuyền rớt xuống luôn thì sao.”
Tôi tự nhủ, nếu cả boong thuyền sụp xuống thì càng tốt, có ánh sáng chiếu vào sẽ đỡ sợ hơn.
Có kinh nghiệm từ hồi ở Lỗ Vương cung, tôi cũng vỡ được ra nhiều điều. Đặc biệt sau vài lần cận kề sinh tử, khả năng ứng biến cũng nhanh nhạy hơn hẳn, cho nên dù đang đứng trên một con thuyền ma, thần kinh quả thực vô cùng căng thẳng, nhưng tôi vẫn giữ được bình tĩnh và tỉnh táo.
Giữa tấm ván ngăn còn có một cánh cửa, tôi không biết nên đẩy hay nên kéo, mới thử kéo trước, nào ngờ tay nắm rớt ra luôn cùng nửa tấm ván cửa. Tôi nhìn cô ta, nói: “Thế này thì chẳng khác phá cửa là mấy nhỉ?”
Cô ta không để ý tới tôi mà chỉ nhìn thoáng qua khoảng không tối đen phía sau cánh cửa. Cô gái này quả là bạo gan, nhưng vừa trải qua chuyện như vậy, có lẽ cũng không dám tùy tiện bước vào. Tôi liền mở lời: “Bên trong tối quá, nếu cô muốn vào thì nên đục thủng một lỗ trên boong thuyền phía trên để ánh sáng rọi vào, tránh cho chúng ta vào rồi lại bị thứ quỷ quái gì đó túm lấy.”
Tôi biết chắc những lời này sẽ hữu dụng, quả nhiên cô nàng bắt đầu do dự. Tôi cười thầm một tiếng, bước đến gạt nhẹ vài cái, tấm ván lập tức sụp xuống gần hết. Trong kho có một cái giường rất lớn, khung giường được làm bằng sắt tây nên vẫn còn đó. Ván giường gần như đã nát vụn hết, xem cách bài trí có thể đoán đây hẳn là chỗ nghỉ ngơi của thuyền viên. Trong góc phòng đặt một cái tủ sắt đóng kín, tôi thử kéo một cái, thấy cánh cửa khá lỏng lẻo.
Với loại thuyền này có lẽ khó mà tìm được bản ghi chép để lại. Lão lái thuyền hiện tại mỗi ngày đều viết nhật ký hàng hải, nhưng thời đó người biết chữ không nhiều nên tôi cũng không trông mong tìm được thứ gì hữu dụng. Đến khi mở tủ sắt ra tôi mới giật mình kinh hãi, trong đó có một cái túi chống thấm đã cũ. Tôi mở túi, từ bên trong rơi ra một quyển bút ký đã gần nát vụn, trên bìa viết mấy chữ: Bản ghi chép khảo cổ bãi đá ngầm Tây Sa.
Tôi lật sang trang sau, trên đó có mấy chữ được viết nắn nót – Tháng 7 năm 1984, Ngô Tam Tỉnh tặng Trần Văn Cẩm.