Trở về truyện

Đạo Mộ Bút Ký - Trọn Bộ - Quyển 1 - Chương 3: Miếu Hạt Dưa

Đạo Mộ Bút Ký - Trọn Bộ

3 Quyển 1 - Chương 3: Miếu hạt dưa

Tôi nhìn bản sao cuốn sách lụa đầy chữ, lại nhìn sang chú Ba, không hiểu chú đang nói gì. Lẽ nào chú đã siêu phàm đến mức có thể nhìn “chữ” thành “tranh” rồi sao? Thường ngày chỉ thấy chú là một tay bợm nhậu khoái cờ bạc rượu chè ăn chơi trác táng, người như thế thì lấy đâu ra tiên căn chứ.

Chú Ba vừa mắng tôi, vừa lấy kính lão ra xem, nói cái này là Bát trận thư đồ (tranh chữ, còn gọi là Tàng họa văn), chính là cách dùng ngữ pháp đặc biệt kể lại vị trí địa lý mà viết, nhìn thoáng qua thì tưởng nó chỉ là một đống chữ vô nghĩa, thực ra tin tức bên trong vô cùng phong phú, là một loại mật mã dùng cho việc hành binh tác chiến thời cổ đại. Tôi nói chú chẳng biết nhiều chữ, làm sao có bản lĩnh hiểu được mấy thứ này. Chú lại nói đây không phải kiến thức, mà là kinh nghiệm.

Tôi nghe xong liền bật cười, cái tính bừa bãi vô lối của chú Ba giống với ông nội tôi nhất. Khả năng ba hoa cũng thế, không chừng cái Bát trận thư đồ gì đó chú chỉ nghe mấy ông bạn nói qua, còn chú hiểu được bao nhiêu thì vẫn chỉ là nghi vấn.

Chú Ba nhìn chằm chằm nó một hồi, lẩm bẩm: “Mấy tên giữa chừng đổi nghề xem ra vận khí rất tốt, mấy món đồ kiểu này trước đây chú mày chưa từng gặp, lần này lại để mày chiếm lợi.”

Tôi hỏi chú, bản đồ này vẽ nơi nào vậy? Chú Ba cau mày nhìn nó hồi lâu, mới nói ra mấy từ khiến tôi chấn động: “Hình như… Con mẹ nó là một ngôi mộ!”

Sách lụa Chiến quốc cũng không phải là tác phẩm chuyên ngành, mà giống nhật kí hay cảm tưởng được ghi lại bằng bút kí. Năm đó tôi từng đọc qua vài đoạn, nội dung rất lộn xộn, tuy có giá trị cao trong việc khảo chứng cuộc sống sinh hoạt của con người thời đó, có điều tôi không làm nghề khảo cổ nên cũng không hứng thú gì với chúng. Nhưng bây giờ thì khác, tôi vội vã hỏi lại xem chú có nhận ra là mộ của ai không?

Chú Ba lắc đầu, nói. “Hiện giờ chú không thể hiểu hết hoàn toàn, nhưng đây chắc chắn là mộ của một quý tộc nước Lỗ thời Chiến quốc. Xem này, nó được người ta dùng tranh chữ ghi lại trên sách lụa, chứng tỏ địa vị của tay này cũng khá cao; hơn nữa ngôi mộ này còn chứa đựng nhiều bí ẩn, kể cũng khá thú vị, đáng cho chúng ta đi một chuyến.”

Tôi vừa nghe đến mộ lớn thời Chiến quốc, tim cũng bất giác đập mạnh. Đường Tống Nguyên Minh Thanh, mộ thời nào cũng có bảo bối, nhưng những thứ bảo bối ấy cùng lắm chỉ có thể nói là khéo léo tinh tế. Nhưng cổ mộ Hoàng tộc thời Chiến quốc niên đại lại vô cùng lớn, anh vĩnh viễn cũng không đoán ra nổi trong đó có gì, không chừng còn có thể tìm được vài món bảo bối thời thượng cổ. Loại cám dỗ này không phải có tiền là dễ dàng gạt bỏ được, với kẻ trộm mộ lại càng hấp dẫn hơn.


Nhưng tôi lại nghĩ, dù sao cũng không có cơ hội đi, phấn khích cũng vô dụng. Nhà tôi gia giáo rất nghiêm, ba muốn thế hệ chúng tôi có thể hoàn toàn thoát khỏi nghiệp này, vì thế tôi và hai thằng em họ không hề biết đến nghề đào đất, ngay cả xẻng Lạc Dương cũng là hàng cấm. Hồi bé có lần tôi chỉ cầm cán xẻng xiên cá trong sông, thế mà suýt bị cha đánh chết.

Chú Ba là người duy nhất trong nhà không kết hôn không sinh con, tính cách lại phóng khoáng. Chú trước giờ vẫn không hài lòng với cách làm của cha tôi, giờ lại thấy bộ dáng này của tôi, liền lắc đầu. “Chú bảo này, mày cũng thật thà quá. Ba không cho mày đi thì mày không dám đi luôn à? Đã hơn hai mươi tuổi rồi, còn sợ cái gì, sợ ảnh đánh mày sao? Đánh thì đánh đi, cũng chẳng dám lấy mạng mày. Lúc chú bằng tuổi mày, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, ông nội mày chẳng quản nổi.”

Tất nhiên rồi, chú là ai chứ, ba dặm quanh Hàng Châu ai chẳng biết Ngô tam gia chú phóng rắm cũng thơm.

Chú Ba lườm tôi một cái, đốt một điếu thuốc, rồi nói có cơ hội sẽ đưa tôi đi mở mang kiến thức một chút, len lén đi không cho ông già tôi biết. Nhà họ Ngô mấy trăm năm đều kiếm ăn dưới lòng đất, mối duyên nợ này làm sao có thể nói bỏ là bỏ.

Tôi không biết lời chú nói là thật hay giả, cũng không quá để tâm. Hai chú cháu nói chuyện đến nửa đêm, tôi cũng bất tri bất giác uống hơn nửa cân rượu đế, cảm thấy nếu uống tiếp thì sẽ không về được, liền đứng dậy cáo từ, xe cũng bỏ lại, gọi luôn một chiếc taxi đưa về nhà.

Lúc tôi trở lại căn phòng trọ nhỏ đầu cầu đá, trời đã nhá nhem sáng. Tôi gửi tin nhắn cho Vương Minh, bảo cậu ta tự đi mở cửa hàng, tiếp đó bò lên giường nằm, lát sau đã ngủ say như chết.

Ngủ một giấc đến tận chiều, cũng không ngon lắm, đầu óc hiện ra rất nhiều hình ảnh như mộng như thực kì dị cổ quái, cái gì mà cổ mộ, cương thi, còn xen thêm mấy cái bóng hồng hồng, thực sự là một đám tạp pí lù.

Lúc tỉnh lại, trong lòng bỗng cảm thấy buồn bực, cũng không hiểu vì sao. Tôi bèn đứng dậy đánh răng rửa mặt định lên mạng kiếm trò vui gì đó giải sầu, lại phát hiện ra mạng đã đứt, đành đốt một điếu thuốc chạy lên sân thượng hút, nhìn mấy bà chủ thuê nhà chơi mạt chược dưới sân.


Đờ ra suy nghĩ nửa ngày mới chợt nhớ đến tòa cổ mộ chú Ba nói, liền gọi cho chú, hỏi chú chuẩn bị thế nào rồi, phái thủ hạ đi hay tự mình đi, có chuyện gì tôi giúp được không. Chú Ba nói chú đang sắp xếp, đợi lát nữa nói sau, thế rồi cúp điện thoại.

Lại qua vài ngày nữa, cũng không hiểu tại sao tôi cứ như mất hồn mất vía, trong lòng buồn bực khôn nguôi, nửa ngày lại gọi cho chú Ba một cú điện thoại, nói đông nói tây, tìm mọi cách thăm dò tình hình cổ mộ đó.

Chú Ba nhanh chóng đoán ra mục đích thật của tôi, cười ngặt nghẽo: “Mẹ nó đừng nói linh ta linh tinh nữa, ta biết nhóc con mi nghĩ cái gì rồi, nói thật đi, có phải ngứa ngáy tay chân, muốn xuống đất mở mang kiến thức rồi không? Cái này thì có gì mà không nói ra được, mẹ nó, còn ở đó dài dòng nửa ngày như một mụ đàn bà.”

Tôi nghe vậy thì mơ hồ cảm thấy mình vốn có ý này nhưng bản thân lại không hề phát hiện ra, có chút ngượng ngùng, liền đáp quỷ mới biết chuyện chú nói hôm qua có tính không, uống nhiều như vậy, không chừng đã quên mất rồi. Chú Ba cười cười trên điện thoại nửa ngày mới nói nếu mày muốn đi thì qua đây ngay, việc phải chuẩn bị còn nhiều lắm. Tôi nghe chú nói thế thì sướng như điên, kêu to một tiếng, cho cháu đi theo kéo xe bò cũng được.

Lúc tôi đến chỗ chú Ba, chú đang bận gọi tới Mang Sơn, nói muốn điều mấy người có kinh nghiệm từ bên đó qua. Chú vừa nói vừa liệt kê danh sách cho tôi, bảo tôi giúp chú chuẩn bị vài thứ, còn dặn thêm: “Tuyệt đối không mua hàng giả, còn nữa, chuẩn bị vài bộ quần áo du lịch đi, nếu không còn chưa đến nơi chúng ta đã bị bắt sạch rồi.” Tôi cuống quýt gật đầu đáp ứng, rồi vội vã đi làm việc được giao.

Những món chú Ba muốn đều khá hiếm, chỉ sợ là hơi khó tìm. Trong danh sách này có mấy thứ trong tiệm tuyệt đối không có, ví như đèn mỏ không thấm nước, ống thép có rãnh xoáy, lưỡi xẻng khảo cổ, mã tấu đa dụng, xẻng gấp, búa cán ngắn, băng vải, dây ni lông vân vân. Mới mua được phân nửa đã tốn gần một vạn, có thứ còn phải đặt hàng trước.

Nhưng những thứ này vẫn còn dễ kiếm, phiền toái nhất là phải mua súng. Hình như lần này chú Ba định vào rừng sâu, không có súng không xong; chưa nói đến yêu ma quỷ quái, một con lợn rừng cũng đủ chết rồi. Súng nhất định phải mua, nhưng không thể mua súng hơi. Trong tay tôi lại không có đường dây, đành phải chạy ra chợ đồ cũ, hỏi thăm khắp hai phái hắc bạch, cuối cùng cũng mua được vài cây súng săn hai nòng.


****************************

Ba ngày sau, nhóm năm người chúng tôi đón chuyến xe khách đến Lâm Nghi vùng Sơn Đông.

Lần này chú Ba dẫn theo tổng cộng ba người, trong đó có hai người tôi đã từng gặp trước đây. Họ đều là người trò chuyện cởi mở, tính tình phóng khoáng, người thứ ba chính là tên đeo kiếm sau lưng tôi gặp dưới nhà chú Ba, không biết có quan hệ gì với chú, cũng đi cùng luôn. Có điều tên nhóc này vô cùng đáng ghét, bộ dáng hệt như thằng con ghẻ (*), cả quãng đường dài chẳng buồn mở miệng lấy một lần, chỉ ngẩng đầu nhìn trời đăm đăm, cứ như lo trời sắp sập xuống không bằng! Ban đầu tôi còn thử trò chuyện với hắn mấy câu, sau cũng lười để ý đến hắn, cuối cùng ngay cả tên cũng không biết.

(*) Thằng con ghẻ: Nguyên văn (tha du bình) Muộn Du Bình = gọi tắt của nhất thanh bất muộn tha du bình = thằng con ghẻ một tiếng cũng không nói, nhưng thường được fangờ thân mật gọi là bình dầu ôi :”>

Ô tô chạy như bay trên đường cao tốc, cả quãng đường dài dằng dặc chúng tôi đều giết thời gian bằng cách ngủ say sưa, mơ mơ màng màng. Sau mười hai tiếng xóc nảy trên xe, chúng tôi cũng đến được Lâm Nghi.

Thời cổ đại, Lâm Nghi thuộc địa phận của nước Lỗ, nơi này là miền đồi núi, nằm ở sườn nam núi Thái Sơn. Theo so sánh của chú Ba về phạm vi địa hình của nước Tề và nước Lỗ cổ, mục tiêu chủ yếu xác định trong hai tòa núi Mông Sơn thuộc vùng Nghi Mông, Lâm Nghi. Vì thiếu tư liệu, chúng tôi cũng không biết nơi đó vốn thuộc nước Lỗ hay nước Tề, đành đi tới đâu biết tới đó.

Núi Mông Sơn ngày trước gọi là Đông Mông, Đông Sơn, đứng sừng sững ở huyện Bình Ấp tỉnh Sơn Đông, nằm về phía tây bắc của Lâm Nghi, Sơn Đông. Là một nhánh của dãy núi Thái Nghi, vượt qua thành phố Lâm Nghi trải dài tới bốn huyện Bình Ấp, Mông Âm, Phí và Nghi Nam, chạy dọc theo hướng tây bắc – đông nam, dài hơn bảy mươi km, có mấy nơi đã phát triển du lịch khá hoàn thiện. Chúng tôi mua một ít bản đồ du lịch, đối chiếu với bản đồ trong tay thì không khớp, nơi chúng tôi muốn tới e rằng phải ẩn sâu dưới ngọn núi lớn.

Tôi tìm mấy hướng dẫn viên người địa phương, hỏi họ mấy địa danh cổ trên bản đồ nhưng cũng không thu được kết quả gì. Vùng này đã trải qua biết bao trận chiến, có rất nhiều làng bị thiêu hủy sạch thời kháng Nhật, muốn tìm kiếm nghiên cứu lại phải nói vô cùng khó khăn. Năm người chúng tôi không còn cách nào khác, đành đi lòng vòng một hồi rồi quyết định tiến vào trong núi đã. Chúng tôi đón chuyến xe bus cà tàng của địa phương, tới một chỗ cách Miếu Hạt Dưa hơn bốn mươi km về phía tây, sau đó đổi xe công nông đi vào đường nhỏ, cuối cùng ngồi xe bò vòng lên đường mòn trên Bàn Sơn. Lúc xuống xe chúng tôi mới phát hiện ra bốn phía xung quanh ngoại trừ đồi núi trải dài ngút tầm mắt thì không còn tìm thấy bất cứ thứ gì hiện đại nữa.

Cho rằng đã tới nơi, chúng tôi liền nhảy xuống khỏi xe. Lúc này phía trước bỗng có một con chó chạy tới, chú Ba tôi vừa nhìn thấy lập tức phá ra cười, vỗ vỗ vai ông lão đánh xe nói đùa. “Ông bác à, hành trình tiếp theo là cưỡi con chó này sao, sợ nó không cõng nổi chúng tôi đâu!”

“Làm sao mà cưỡi chó được?” Ông lão cười to. “Con chó này chỉ tới báo tin thôi. Đoạn đường cuối cùng xe nào cũng không đi được, phải lên thuyền hết. Con chó này tôi phái đi để gọi thuyền qua đây đó.”

Nói rồi, lão đánh xe bò xuống sườn dốc bên cạnh, chúng tôi cũng vội vội vàng vàng đi theo. Đồi núi ở đây cao hơn ở phương nam nhiều, hơn nữa quanh năm không có ai ra vào cho nên rừng cây vô cùng rậm rạp. Dưới đất còn phủ một tầng lá mục rất dày, bùn cũng đen xì, đạp một bước xuống không chừng còn ngập tới đầu gối. Chúng tôi chặt vài cành cây làm gậy chống, vừa đi vừa dò đường, vô cùng cẩn thận.

Lúc vào đến sơn cốc, trước mặt hiện ra một dòng suối trong xanh, rộng khoảng năm sáu thân thuyền, nhìn xuống không nhận ra được đáy nông hay sâu. Hai bên bờ suối trừ chỗ chúng tôi đang đứng có một khối đá bằng phẳng, còn những nơi khác đều là vách đá cao chót vót. Phía trên có tán cây dày đặc, che khuất cả mặt trời và phần lớn tia sáng, khiến không khí xung quanh giảm xuống vài độ.


Chú Ba dựa vào xe bò, hỏi ông lão kia. “Con chó này còn biết bơi?”

“Bơi khỏe lắm, bơi khỏe lắm.” Ông lão ngồi trên xe, dùng ống tẩu gõ gõ lên đầu con chó. “Lư Đản Đản, bơi thử cho họ xem.”

Con chó này hình như hiểu được tiếng người, “Ẳng” một tiếng nhảy xuống sông, phành phạch bơi một vòng rồi bò lên bờ lắc lắc người, nằm sấp trên mặt đất lè lưỡi thở.

Chúng tôi thấy vậy đều phá ra cười. Ông lão kia nhìn nhìn trời một chút, rồi nói với chúng tôi: “Bây giờ còn sớm quá, tên chèo thuyền kia chắc chắn còn chưa làm việc, chúng ta cứ nghỉ một chút, hút điếu thuốc đã.”

Tôi nhìn đồng hồ: “Hai giờ chiều còn chưa làm việc, tên chèo thuyền kia của ông rốt cuộc làm khi nào nghỉ khi nào vậy?”

“Ở đây bọn tôi chỉ có một mình hắn chèo thuyền, hắn lợi hại lắm đấy, dậy lúc nào thì làm việc lúc đó, đôi khi cả ngày không làm, khiến người ta tức chết luôn.” Ông lão cười cười. “Biết làm sao được, tám thôn mười dặm quanh đây chỉ có mình hắn lái thuyền, hắn muốn làm gì tùy ý, thôn trưởng cũng chẳng quản được hắn.”

“Vậy sao các ông còn không mở họp đại biểu nhân dân, bắt hắn nghỉ việc, đổi người khác chăm chỉ hơn?” Chú Ba hỏi lão.

“Bọn tôi cũng muốn, nhưng các cậu đều là người từ ngoài tới, có chuyện này không biết. Sơn thần ở đây chỉ nể mặt mình hắn, người khác chỉ cần đi vào sơn động một đoạn là chắc chắn không ra được, cho nên chỉ có thể đi cùng hắn, cũng không biết tại sao nữa.”

“A, phía trước còn phải qua một sơn động?” Chú Ba kinh ngạc, lập tức giở bản đồ ra, nhìn qua một lượt, chợt bừng tỉnh: “Không, phải nói là hà động mới đúng. Ông vừa nói gì nhỉ, cái động trong núi này có thể ăn thịt người sao?”

Ông lão cười ha hả: “Đó là chuyện vài đời trước truyền lại, tôi chẳng còn nhớ rõ nữa, mà cũng không biết có thật hay không.”

Chúng tôi nghe thế, lập tức liên tưởng tới cổ mộ kia, liền bảo ông ta kể rõ ra. Ông lão thấy chúng tôi thích nghe, cũng can đảm hơn một chút, rút một điếu thuốc rồi bắt đầu câu chuyện.

Thì ra từ khi thôn này còn chưa xuất hiện, sơn động đã có rồi. Đáng tiếc không ai biết động này hai đầu thông nhau, mà bên trong còn lắm chuyện kì quái, người ta đi vào chẳng bao giờ thấy ra. Cứ thế lâu dần, người trong thôn đều nói động này có xà tinh cắm một cái cọc ngầm dưới nước, không cho thuyền đi vào.

Cho đến một ngày, bỗng có người chèo một chiếc thuyền nhỏ từ trong động ra xuất hiện ở gần thôn, nói là người bán hàng rong từ bên ngoài tới. Trưởng thôn không tin, nói hắn là xà tinh biến thành, định đánh chết hắn. May mà khi đó có mấy nàng dâu vốn là người thôn bên, nghe giọng nói đậm chất Tương Tây của kẻ này thì nhận ngay ra hắn, nói hắn thực sự là người bán hàng rong, hàng năm đều qua thôn bên cạnh, chỗ son phấn này đều do hắn buôn từ bên ngoài vào.

Mấy ông trưởng họ liền sai vài người nhanh nhẹn chạy qua thôn bên hỏi, quả nhiên như thế, mới thả hắn ra. Từ đó trở đi cái động này hình như đã nhận hắn, chỉ có người nhà của tên lái thuyền đó mới ra vào được, mấy trăm năm nay chưa từng có ngoại lệ.

“Nhưng con chó đó có sao đâu?” Tôi thắc mắc. “Không phải ông dùng nó để báo tin à?”

“Cái đó thì lão chịu, chuyện đã truyền qua mấy đời rồi, ai mà biết có thật không.” Ông lão gõ gõ tẩu thuốc lên mặt đất. “Bọn tôi rất ít khi đi đường sông, mà thường lần theo con đường mòn trên đỉnh núi hơn. Có điều đồ đạc của các cậu quá nhiều, leo núi không tiện; vả lại mấy năm nay ngọn núi này cũng không mấy khi yên ổn, thỉnh thoảng lại có vài tảng đá sụp xuống, lỡ rớt trúng đầu là chết chắc. Chúng ta không cần mạo hiểm, chỉ chờ thêm một chút thôi mà.”

Tôi nhìn lên, phát hiện ra thế núi ở đây cao chót vót, trùng trùng điệp điệp, ngoài chúng tôi ra không thấy một ai, cũng chẳng biết lời lão nói là thật hay giả. Chú Ba nghe ông lão kia nói đến nhập thần, bèn suy nghĩ một chút, rồi vỗ vỗ tay: “Lư Đản Đản, qua đây.”

Con chó này đúng là rất biết nghe lời, vọi vàng chạy qua. Chú Ba vừa ôm lấy nó ngửi, mặt liền đổi sắc. “Con bà nó, cái mùi này…”

Tôi cũng ôm lấy ngửi thử, cái mùi xộc lên khiến tôi ho khan một trận. Chủ con chó này cũng lười quá thể, không biết đã bao lâu chưa tắm cho nó.

Một trợ thủ của chú tên Phan Tử cười ha ha. “Cậu phải học hỏi chú Ba cậu nhiều, vẫn còn non lắm.”

“Con chó chết tiệt, sao thối vậy!” Tôi bực tức mắng.

“Phan Tử, chú cũng qua đây ngửi thử xem!” Chú Ba vẫy vẫy tay.

“Tôi… Thôi đi.” Phan Tử nói: “Tôi ghét nhất mùi thối của chó, ngửi một tí lỡ nôn ọe thì mất mặt lắm.”

“Đừng dài dòng nữa, mau qua đây. Mùi trên người con chó này lạ lắm.”

Phan Tử hết cách, đành phải bước qua, túm lấy con chó đưa lên mũi ngửi ngửi một chút, mặt cũng đổi sắc: “Đây là mùi thi thể thối mà…”

“Không thể nào.” Tôi sợ đến mức lông tơ đều dựng ngược lên, ngay cả thằng nhóc vẫn im lặng nãy giờ cũng biến sắc.

Chú Ba đốt một điếu thuốc, cau mày nhìn con chó kia, nói với chúng tôi. “Mang cả nó theo đi, chỉ e sơn động phía trước là một động xác, mọi người cứ chuẩn bị tinh thần.”

Một trợ thủ khác của chú Ba dáng vẻ cao to, bọn tôi gọi hắn là A Khuê, khổ người hắn trông cũng gần bằng con bò kéo xe kia, lá gan lại bé xíu, hỏi khẽ: “Động xác rốt cuộc là cái gì vậy?”

“Không biết, mấy năm trước tôi cũng tìm được một động như thế ở Sơn Tây Thái Nguyên, nơi đó là chỗ vứt xác sau những đợt tàn sát của người Nhật. Thường thì chỗ nào có động xác nhất định phải có tàn sát, cái này là chắc chắn rồi. Lúc đó thấy vui vui mới thí nghiệm thử, mang chó, vịt đặt lên một cái bè trúc, treo lên đó một máy quay rồi cho trôi xuôi theo dòng. Cái động đó tối đa chỉ dài 1 km, tôi cũng chuẩn bị đủ dây điện, nhưng dây điện đã kéo hết rồi mà vẫn chưa ra khỏi đó được. Bên trong tối đen, không biết là đi tới tận đâu rồi, tôi định lôi nó ra, nào ngờ mới giật vài cái bè trúc đã lộn nhào, sau đó…” Chú Ba xòe tay. “Cuối cùng chỉ nhìn thấy nửa khuôn mặt, dí sát màn hình quá nên cũng không rõ là là động vật hay là gì. Muốn qua động này, thời cổ đều phải người sống kèm theo người chết mới qua được, nếu vật sống đi vào một mình thì chỉ có vào mà không có ra! Nghe nói ở Tương Tây có một nơi lưu truyền phong tục cho trẻ con ăn thịt người chết từ nhỏ, tích thi khí trong thân thể, đến khi trưởng thành cũng chẳng khác gì người chết, cho nên ma quỷ cũng không thèm để ý. Ông già, tổ tiên tên này chắc là từ Tương Tây tới đúng không?”

Sắc mặt ông lão chợt biến đổi, lắc đầu. “Cũng không biết được, đó là chuyện của cụ kị hắn rồi, cũng đã qua mấy đời.” Nói rồi thoáng nhìn trời, gọi con chó kia một tiếng: “Lư Đản Đản, đi gọi lái thuyền qua đây!” Con chó kia gâu một tiếng rồi nhảy xuống nước bơi về phía sau núi.

Lúc này, tôi bỗng thấy chú Ba nháy mắt với Phan Tử một cái. Phan Tử len lén lấy một cái ba lô ra từ đống hành lý, đeo lên lưng. Cậu thanh niên ngồi một bên từ nãy giờ kia cũng đứng dậy, cầm theo cái gói của mình. Sau đó Phan Tử vòng qua phía sau tôi, thì thào bằng tiếng Hàng Châu: “Ông già này có vấn đề, cẩn thận.”

TruyenC

Copyright © 2025 TruyenC.